Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

CẬP NHẬT: Bão số 2 đổ bộ vào Nghệ An - Hà Tĩnh, gió giật cấp 9 - 10

Chiến Trung Đạt
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hồi 4 giờ ngày 17/7, vị trí tâm bão số 2 ở trên vùng núi Nghệ An - Hà Tĩnh. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 - 75km/giờ), giật cấp 9 - 10. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, hoàn lưu bão đã gây mưa rất to cho các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, tổng lượng mưa từ 7h ngày 16/7 đến 4h ngày 17/7 phổ biến 70-150 mm, riêng khu vực Nghệ An - Quảng Bình 100-250 mm.

Thanh Hóa: Huyện Hoằng Hóa có 71 ngôi nhà bị tốc mái do bão số 2

Theo thông tin từ báo Thanh Hóa, báo cáo nhanh của UBND huyện Hoằng Hóa cho biết, trên địa bàn huyện đã có 71 ngôi nhà bị tốc mái; 275m2 tường rào, 5 cột điện bị đổ; 122 cây lâu năm bị bật gốc, đổ gãy; 340 ha ngô bị đổ, ngã; 35 ha vừng đang ra hoa bị đổ rạp; 124 ha rau màu bị hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại bước đầu ước tính hơn 2 tỷ đồng.

 Nhiều cây xanh tại Khu du lịch biển Hải Tiến bị bật gốc, đổ gãy.

Rạng sáng 17 – 7, người dân xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa) báo cáo phát hiện một khối nổi cỡ lớn, giống xà lan, trôi dạt gần bờ biển thuộc thôn 1 của xã. Sau đó, người dân địa phương tiếp tục phát hiện một khối nổi tương tự cách đó không xa.

Sự việc được người dân báo cáo lên UBND xã Hoằng Trường. UBND xã đã báo cáo huyện Hoằng Hóa và các cơ quan chức năng. Qua kiểm tra của Đồn Biên phòng Hoằng Trường và các lực lượng chức năng của huyện Hoằng Hóa, đây là các khối nổi chứ không phải xà lan.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó trưởng Phòng Nông nghệp và Phát triển nông thôn huyện Hoằng Hóa cho biết: Các khối nổi này thường được dùng để chở các máy xúc, xe cẩu đi ra giữa dòng sông, cửa biển để hút bùn, cát hay cẩu hàng hóa.

 Một trong hai khối nổi trôi dạt vào vùng biển Hoằng Trường.

Quan sát thực tế, trên một khối nổi này có hệ thống máy và cần cẩu còn nguyên vẹn. Vỏ và các bộ phận khác dường như vẫn đang được sử dụng gần đây chứ không phải bỏ hoang lâu ngày.

Trên các khối nổi này không có người nên chưa xác định được nguồn gốc cũng như chủ sở hữu.

Hiện, Đồn Biên phòng Hoằng Trường đã tiến hành neo giữ các khối nổi này, chờ chủ sở hữu của chúng đến nhận.

Hà Tĩnh khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 2

Báo Hà Tĩnh thông tin, bão số 2 đổ bộ vào Hà Tĩnh đêm 16, rạng sáng 17/7 với sức gió giật cấp 8-9, gây thiệt hại đáng kể tại nhiều địa phương trong tỉnh. Bên cạnh thống kê thiệt hại, từ sáng sớm, các địa phương đã bắt tay khắc phục hậu quả để sớm ổn định đời sống, sản xuất.

 

Ngay từ sáng sớm, các cơ quan, ban, ngành và người dân thành phố Hà Tĩnh đã tích cực khắc phục hậu quả sau bão. Những tuyến đường có cây cối bị gãy đổ đều đã được Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Tĩnh cùng người dân thu dọn, thông tuyến; những sự cố về điện, mạng internet, truyền hình cáp đang được các cơ quan tập trung nhân lực khắc phục khẩn trương.

 
 

Danh sách 6 thuyền viên trên tàu chìm đã được cứu sống trên tàu bị chìm ở Nghệ An

Báo Nghệ An điện tư đưa tin, lực lượng cứu hộ, cứu nạn đang dồn sức tìm kiếm những thuyền viên còn lại trên con tàu hàng bị chìm do bão. Có 6 thuyền viên đã được cứu sống, 1 thi thể đang được xác định.

 Lực lượng chức năng đưa anh Sáng lên bờ.

Danh sách 6 thuyền viên đã được cứu sống gồm:

1. Phạm Văn Hải – Thuyền trưởng. Quê quán: Ninh Bình

2. Ngô Cao Cường – Thuỷ thủ AB. Quê quán: Nghệ An

3. Đặng Duy Khiêm – Thợ máy OS. Quê quán: Thái Bình

4. Nguyễn Văn Sáng – Máy trưởng. Quê quán: Thanh Hoá

5. Vũ Văn Đạt – Thuỷ thủ AB. Quê quán: Nam Định

6. Lý Văn Giang – Thợ máy AB. Quê quán: Hải Phòng

Ngoài ra, có thêm 1 thi thể trôi trên biển, đang được đưa vào bờ để xác định danh tính.

Báo Ngệ An điện tử cũng thông tin, bão số 2 đi qua địa bàn Nghệ An gây nhiều thiệt hại, trong đó, đến thời điểm này có 1 người chết ở thị xã Hoàng Mai.

Lũ lên cao sau bão chia cắt nhiều làng bản ở Nghệ An

Báo Nghệ An điện tử thông tin, hiện nay ở khu vực miền núi Nghệ An đang có mưa to. Nước lũ dâng cao, nhiều bản bị chia cắt, nước lũ cuốn trôi nhiều hoa màu, nhà cửa. Chưa có thiệt hại về người.

 Mưa lũ nước dâng cao tràn vào nhà dân. Tam Hợp là địa phương chịu ảnh hưởng bão số 2 nặng nhất ở Tương Dương. Ảnh: Lương Thị Đạo

Tại địa bàn huyện Tương Dương, từ đêm qua có mưa to, đến thời điểm hiện nay chưa có thống kê thiệt hại cụ thể. Riêng xã Tam Hợp có 1 ngôi nhà bị tốc mái, 01 ha lúa bị ngập, đường từ trung tâm huyện vào xã bị chia cắt do mức nước dâng cao.

Ngoài ra, có 01 ngôi nhà ở bản Chà Lò 1 xã Mai Sơn bị sập.

Ông Lô Khăm Kha - Trưởng phòng NN và PTNT huyện Tương Dương cho biết: "Hiện tại, chúng tôi đang tổ chức trực ban, đề ra phương án ứng cứu nếu có bất trắc".

 Trường học ở Tào Sơn, Anh Sơn bị tốc mái hoàn toàn. Ảnh: Đào Thọ

Tại Anh Sơn, theo thông tin ban đầu do ông Nguyễn Đình Đăng - Trưởng phòng NN và PTNT huyện cho biết, cơn bão số 2 đã ảnh hưởng khá nặng nề đến địa phương nhưng trước mắt chưa thống kê được hết thiệt hại. Theo báo cáo của xã Tào Sơn, bão số 2 đã làm tốc mái trạm y tế xã, sập mái trường tiểu học. Bên cạnh đó nhiều cây cổ thụ bị gãy đổ ngổn ngang, thiệt hại về hoa màu rất lớn.

Đồng thời, báo Nghệ An cũng thông tin thêm, Bão số 2 đi vào vùng biển Nghệ An đêm qua với sức gió giật cấp 9, cấp 10 đã làm cho thị Cửa Lò xinh đẹp ngổn ngang. Sau bão du khách từ các khách sạn đổ xô ra ngắm biển.

 Những con sóng lớn và cảnh biển động ở Cửa Lò thu hút nhiều du khách đến xem. Ảnh: Trân Châu

Nghệ An: Tàu chìm, 3 thuyền viên được cứu, 10 người vẫn mất tích

Theo thông tin trên báo Vnexpress.net, ngày 17/7, 3 thuyền viên trên con tàu chở than bị chìm ở gần đảo Hòn Ngư (Nghệ An) được cứu sống. 10 người khác vẫn mất tích.Trước đó, trên đường từ Quảng Ninh đi Cửa Lò (Nghệ An) thì tàu gặp bão Talas, ngày 16/7 tàu VTP 26 tải trọng 5.100 tấn chở 4.700 tấn than phải dừng hành trình, neo đậu ở khu vực biển Hòn Ngư (thị xã Cửa Lò).  Khoảng 2h10 sáng nay, cơ quan cứu nạn nhận được tín hiệu cấp cứu từ VTP 26, nhưng thời điểm này, bão đang hoành hành dữ dội, không phương tiện nào cứu được. Con tàu sau đó chìm dần cùng 13 thuyền viên. Sớm nay, Bộ Tham mưu đã chỉ đạo biên phòng cùng Cảng vụ Nghệ An cho 3 tàu vận tải neo gần khu vực trên hỗ trợ tìm kiếm người gặp nạn.

Thứ trưởng Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cùng đoàn công tác đang trên đường vào Nghệ An để tổ chức cứu hộ. 

"Hiện sóng ở vùng biển Nghệ An rất to nên tàu cứu hộ của tỉnh chưa thể tiếp cận khu vực nghi con tàu mất tích", ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin. Ông Nguyễn Hoàng, Phó cục trưởng Hàng hải cho hay, VTB 26 đã nổi được lên mặt nước, toàn bộ lực lượng tập trung tìm kiếm người rồi mới tính phương án trục vớt tàu.
 Một tàu chở hàng bị sóng đánh dạt vào bãi tắm Cửa Lò sáng nay. Ảnh: Hải Bình.

Đại diện Bộ Giao thông nhận định, tàu có thể bị đứt neo, trôi dạt, sáng nay thì phát hiện lật úp. “Việc liên hệ với các thuyền viên gặp nhiều khó khăn do họ không trang bị phao cứu sinh và phương tiện cứu hộ”, ông Trương Đức Nghĩa, Chánh văn phòng Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết.

Phát biểu tại cuộc họp sáng nay của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tập trung tìm kiếm cứu nạn con tàu VTB 26 và các thuyền viên.

Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam đã điều 2 tàu SAR chuyên dụng từ Đà Nẵng và Hải Phòng ra Nghệ An để tìm 10 thuyền viên còn lại.

Từ lúc tàu vận tải VTB 26 mất tín hiệu đến nay là hơn 7 tiếng. Công tác cứu hộ tại chỗ gặp khó khăn do sóng biển rất lớn do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Talas.

Bão hiện đã suy yếu và nằm ở Trung Lào, nhưng khu vực Hà Tĩnh, Nghệ An vẫn còn gió mạnh, mưa to.

Tin cuối cùng về cơn bão số 2

Do ảnh hưởng của bão số 2, trên đất liền các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10-11 (Diễn Châu, Cửa Hội cấp 8, giật cấp 10; Quỳnh Lưu, Vinh cấp 7, giật cấp 10; Hoành Sơn cấp 7, giật cấp 11). Vùng biển ven bờ có gió mạnh cấp 8, giật cấp 12 (đảo Hòn Ngư). Vùng ven biển từ Nam Định đến Thanh Hóa có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9 (Văn Lý cấp 7, giật cấp 8; Yên Định, Tĩnh Gia cấp 6, giật cấp 8-9). Ở ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Bình có gió giật cấp 6-7.

 Ngập trên phố Vũ Trọng Phụng, Hà Nội sáng 17/7. Ảnh: Đạt Lê

Hoàn lưu bão số 2 đã gây mưa lớn cho khu vực ven biển Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừ Thiên Huế; riêng khu vực các tỉnh từ Thanh Hóa-Thừa Thiên Huế đã có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa từ 07h ngày 16/07 đến 07h ngày 17/07 phổ biến từ 70-150mm, riêng khu vực các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình có mưa rất to 100-300mm.

Sáng nay (17/07) bão số 2 đã vượt qua khu vực biên giới Việt-Lào và đi sang khu vực Trung Lào.

Hồi 07 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 103,6 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 9-10.

Trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Trung Lào.

Ở Vịnh Bắc Bộ sáng nay còn có gió giật cấp 6-7; sóng biển cao từ 2-3m; Biển động.

Các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to.

Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 2.

Trung tâm Dự báo Thủy văn Trung ương cảnh báo: Mưa ở các tỉnh Bắc Bộ có khả năng kéo dài trong 2-3 ngày tới, cần theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất.
Cảnh báo ngập lụt khu vực nội thành Hà Nội
Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương thông tin, hiện nay, khu vực nội thành Hà Nội đã có mưa. Dự báo trong khoảng thời gian 30 đến 1 giờ tới, khu vực các quận trung tâm thành phố tiếp tục có mưa rào và dông.
 Giao thông Hà Nội hỗn loạn trong mưa lớn sáng 17/7. Ảnh: Đạt Lê
Đợt mưa này có khả năng gây ngập úng cho các tuyến phố Hà Nội từ 0,1 m đến 0,3 m như: Hoa Bằng; Trần Bình; Phan Văn Trường; Pham Văn Đồng; Xuân Thủy; Cầu Giấy; Nguyễn Xiển; Nguyễn Chính (Tân Mai); Hoàng Mai; Định Công; Bến xe phía Nam (Giải Phóng); Minh Khai (Chân cầu Vĩnh Tuy); Trường Chinh-Tôn Thất Tùng; Lê Duẩn (cửa ga Hà Nội); Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt; Nguyễn Khuyến; Cao Bá Quát; Đội Cấn; Thụy Khê…
 Người dân tại Hà Nội gặp khó khăn khi di chuyển trong mưa lớn. Ảnh: Đạt Lê
Hà Tĩnh chưa thiệt hại về người, cây cối gãy đổ nhiều nơi do bão số 2
Theo báo Hà Tĩnh, đầu giờ sáng nay (17/7), ông Trần Đức Thịnh - Phó chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, tuy chưa có thống kê cụ thể về cơn bão số 2, nhưng qua nắm thông tin bước đầu tại một số địa phương ven biển thì Hà Tĩnh chưa xảy ra thiệt hại về người.
Tuy nhiên, với sức gió cấp 8, giật cấp 9, tại nhiều khu vực ven biển xảy ra tình trạng cây cối gãy đổ; biển hiệu nhiều ki-ốt cũng bị gió giật tung.
CẬP NHẬT: Bão số 2 đổ bộ vào Nghệ An - Hà Tĩnh, gió giật cấp 9 - 10 - Ảnh 14
 
Ông Đinh Văn Long - Trưởng đại diện Cảng vụ Hàng hải tại Xuân Hải (Nghi Xuân) cho biết, tối qua (16/7), có 50 tàu thuyền di trú vào khu vực cảng nhưng cả người và phương tiện đều an toàn. Song, hai bên tuyến đường xuống cảng, cây cối gãy đổ nhiều đã phong tỏa lối đi.
Theo tổng hợp nhanh từ UBND thị xã Kỳ Anh, đến nay, mưa bão đã làm đổ gãy gần 100ha diện tích keo tràm nguyên liệu; hư hại 3ha diện tích dưa hấu tại xã Kỳ Hoa; ngập hơn 100 hồ nuôi tôm của bà con phường Kỳ Trinh.

Quảng Bình: Hàng chục tàu cá bị sóng đánh chìm do bão số 2

Theo báo điện tử Quảng Bình, rạng sáng 17/7, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, sóng lớn đã đánh chìm hàng chục tàu cá của ngư dân đang neo đậu tại tại cảng Hòn La, xã Quảng Đông (Quảng Trạch) và nhiều tàu khác bị mắc cạn.

Sáng 17/7, tin từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) huyện Quảng Trạch cho biết, do ảnh hưởng hoàn lưu của bão số 2, hàng chục tàu cá neo đậu tại cảng Hòn La, xã Quảng Đông (Quảng Trạch) đã bị sóng đánh chìm.

 Mưa đã tạnh nhưng nhiều tuyến đường tại Hà Tĩnh vẫn ngập trong nước. Ảnh: Dân Trí

Theo đó, khoảng 1-3 giờ sáng nay, hàng chục tàu cá của ngư dân đang neo đậu tại cảng Hòn La thì bất ngờ bị những cơn sóng lớn cao từ 4-5m ập vào đánh chìm.

Theo thống kê ban đầu, có 26 tàu cá của ngư dân xã Quảng Đông; 1 tàu cá vỏ thép của ngư dân Cảnh Dương; 1 tàu lai dắt của Hải quân; 9 tàu cá ngoại tỉnh và 3 xà lan của cảng vụ Quảng Bình bị sóng đánh chìm; 7 tàu hàng khác bị mặc cạn và 7 người bị thương.

Hiện lực lượng chức năng và ngư dân địa phương đang tích cực huy động lực lượng, phương tiện để trục vớt, lai dắt các tàu cá bị nạn vào bờ. Tuy nhiên do trời mưa và sóng biển lớn nên vẫn chưa triển khai được các phương án ứng cứu.
 Tường rào, cột điện, biển hiệu, biển báo đổ, rơi ở Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh

Hoa màu hư hỏng ở TX Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh

Cũng theo Trung tâm Dự báo KTTV T.Ư, trong ngày 17/7, bão số 2 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Trung Lào.
Trước đó, khoảng 1 giờ ngày 17/7, bão số 2 đã đổ bộ vào đất liền Nghệ An - Hà Tĩnh. Hoàn lưu bão số 2 đã gây gió mạnh cấp 7 - 8 ở các tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh, các đảo ven biển gió giật cấp 11 - 12, đất liền ven biển gió giật cấp 9 - 10, riêng Hoành Sơn (Hà Tĩnh) gió giật cấp 11.
Đường đi và vị trí bão số 2.
Do ảnh hưởng của bão số 2, trên đất liền các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã có gió mạnh cấp 7 - 8, giật cấp 10 - 11 (Diễn Châu, Cửa Hội cấp 8, giật cấp 10; Quỳnh Lưu, Vinh cấp 7, giật cấp 10; Hoành Sơn cấp 7, giật cấp 11). Vùng biển ven bờ có gió mạnh cấp 8, giật cấp 12 (đảo Hòn Ngư). Vùng ven biển từ Nam Định đến Thanh Hóa có gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8 - 9 (Văn Lý cấp 7, giật cấp 8; Yên Định, Tĩnh Gia cấp 6, giật cấp 8 - 9). Ở ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Bình có gió giật cấp 6 - 7.
 Một nhà dân ở xóm 1 xã Thạch Hưng, TP Hà Tĩnh bị bão đánh bay mái ngói, gây nhiều thiệt hại. Ảnh: Dân Trí
Hoàn lưu bão số 2 đã gây mưa lớn cho khu vực ven biển Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế; riêng khu vực các tỉnh từ Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế đã có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa từ 7h ngày 16/7 đến 4h ngày 17/7 phổ biến từ 70 - 150mm, riêng khu vực các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình có mưa rất to 100 - 250mm.
 Nhiều tuyến đường TP Vinh ngập nặng. Ảnh: Dân Trí
Do ảnh hưởng của bão, ở Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ) sáng nay còn có gió mạnh cấp 7 - 8, giật cấp 9 - 10; sóng biển cao từ 3 - 5m; Biển động mạnh.
Trong sáng nay (17/7) vùng ven biển các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh còn có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9 - 10, vùng ven biển các tỉnh từ Hải Phòng đến Ninh Bình có gió giật cấp 6 - 8.
 Rạng sáng 17/7, bão số 2 quét qua Nghệ An đã khiến nhiều cây xanh bị gẫy đổ. Ảnh: Zing
Trong ngày hôm nay, ở các tỉnh Bắc Trung Bộ tiếp tục có mưa to đến rất to (50 - 100mm), từ đêm nay mưa giảm dần. Ở các tỉnh Bắc Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to; mưa ở các khu vực thuộc Bắc Bộ có khả năng kéo dài trong 2 - 3 ngày tới, cần theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo lũ, lũ quét, sạt lở đất. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão: Cấp 3.
Rạng sáng 17/7, bão số 2 quét qua Nghệ An đã khiến nhiều cây xanh bị gẫy đổ. Ảnh: Zing

Tình hình lũ trên các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Bình
Hiện nay, mực nước trên các sông ởNghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình đang lên, riêng sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố (Hà Tĩnh), sông Gianh (Quảng Bình) đang lên rất nhanh. Mực nước lúc 4h/17/7, trên một số sông như sau: Sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ 11,44m dưới báo động (BĐ)2: 0,56m; tại Hòa Duyệt 5,28m dưới BĐ1 2,22m; Sông Ngàn Phố tại Sơn Diệm 7,53m dưới BĐ1: 2,47m; Sông Gianh tại Đồng Tâm 9,26m trên BĐ1: 2,26m; tại Mai Hóa: 3,91m trên BĐ1: 0,91m.
Dự báo, lũ trên các sông từ Nghệ An đến Quảng Bình tiếp tục lên, riêng sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố, sông Gianh lên rất nhanh.

Cây đổ ngổn ngang chắn hết đường Hà Huy Tập, TP Vinh. Ảnh: VnExpress
Trong 6 giờ tới, lũ trên thượng lưu các sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố, sông Gianh sẽ đạt đỉnh, sau đó xuống nhanh. Sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ ở mức 12,0m (BĐ2); Sông Ngàn Phố tại Sơn Diệm ở mức 9,0m dưới BĐ1: 1,0m; Sông Gianh tại Đồng Tâm ở mức 10,3m dưới BĐ2: 1,7m.
Trong 12 giờ tới, lũ hạ lưu sông Gianh sẽ đạt đỉnh, hạ lưu sông Ngàn Sâu tiếp tục lên. Sông Gianh tại Mai Hóa ở mức 5,0m (BĐ2); Sông Ngàn Sâu tại Hòa Duyệt lên mức 8,0m trên BĐ1: 0,5m.
Cảnh báo, trưa chiều nay (17/7), mực nước trên các sông ở Thanh Hóa sẽ lên. Trong đợt lũ này, mực nước trên các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An lên với biên độ từ 3 - 5m.
Cũng theo Trung tâm Dự báo KTTV T.Ư, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt tại vùng trũng, ven sông các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình. Đặc biệt là các huyện: Thanh Hóa: huyện Lang Chánh, Thường Xuân, Quan Hóa, Mường Lát, Như Xuân, Như Thành, Quan Sơn, Bá Thước, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thạch Thành; Nghệ An: huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Con Cuông; Hà Tĩnh: Hương Khê, Vụ Quang, Hương Sơn; Quảng Bình: Tuyên Hóa, Minh Hóa, Bố Trạch;

Ngập úng tại các khu đô thị, các TP lớn có nguy cơ xuất hiện như: Hà Tĩnh, Ba Đồn, Đồng Hới (Quảng Bình).
Nghệ An: Gió giật mạnh kèm theo mưa xối xả
Theo VnEpress, khoảng 21h30 ngày 16/7, rìa của bão số 2 quét vào ven biển tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên phải đến 1h sáng 17/7, tâm bão mới đi vào đất liền.

Tại thị xã Cửa Lò, từ 1h gió giật mạnh kèm theo mưa xối xả. Nhiều du khách lưu trú tại khách sạn ven biển không thể ngủ được bởi tiếng gió rít qua khe cửa liên hồi, thi thoảng có tiếng mái tôn bay loảng xoảng.

Rào inox ở cổng Chi cục Thuế TP Vinh bị gió quật xiêu vẹo. Ảnh: VnExpress

Tại TP Vinh, được chính quyền bắc loa thông báo từ trước, các nhà dân đều tắt điện, đóng kín cửa. "Gió rít từng cơn và giật mạnh. Tôi nghe thấy tiếng mái tôn, tiếng cây gãy", chị Trần Thị Thư, trú tại phường Quán Bàu nói.

Theo ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An, TP Vinh có gió giật khoảng cấp 10, kéo dài khoảng 3 giờ liên tục tới 3h30 ngày 17/7. Đã có thiệt hại ban đầu, nhiều cây xanh, cột điện bị bật gốc.

Ghi nhận lúc 4h, nhiều tuyến đường của thành phố như Hà Huy Tập, Trần Phú, Phan Sỹ Thục, Nguyễn Sỹ Sách..., cây đổ ngổn ngang nằm chắn ngang đường.

Hà Tĩnh tạm đình chỉ các cuộc họp không cần thiết để chống bão

Trao đổi với báo chí đầu giờ sáng nay, 17/7, ông Trần Đức Thịnh - Phó chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh - cho biết, tuy chưa có thống kê cụ thể về về cơn bão số 2, nhưng qua nắm thông tin bước đầu tại một số địa phương ven biển thì Hà Tĩnh chưa xảy ra thiệt hại về người.

Tuy nhiên, tình trạng cây cối gãy đổ; nhà cửa tốc mái, biển hiệu nhiều ki-ốt bị gió giật tung xẩy ra khắp mọi nơi trong tỉnh.

 

Chiều 16/7, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã có Công điện khẩn gửi các cơ quan, ban, ngành, địa phương trên địa bàn về triển khai các phương án ứng phó với những diễn biến phức tạp của cơn bão số 2. Nội dung công điện nêu rõ, tạm thời đình chỉ tất cả các cuộc họp không cần thiết để tập trung phòng, chống bão lụt.
Tỉnh Hà Tĩnh cũng đã phê duyệt 4 phương án di dời, sơ tán, theo kịch bản 1 sẽ di dời hơn 1.500 hộ dân với 16.000 nhân khẩu nếu bão giật cấp 8 - 9. Kịch bản 4 là sẽ di dời hơn 26.000 hộ dân với hơn 103.000 nhân khẩu nếu bão giật cấp 14 trở lên. Đồng thời, tỉnh Hà Tĩnh cũng đã chủ động phương án chuẩn bị công tác đảm bảo hậu cần, lương thực thực phẩm, y tế và cơ sở tránh bão...