Cập nhật thiệt hại do mưa lũ tại các địa phương: Ít nhất 9 người tử vong

ĐỨC THỌ (TỔNG HỢP)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo ghi nhận sơ bộ tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi đợt mưa lũ vừa qua, ít nhất 9 người đã tử vong. Tại Thanh Hóa, 2 cán bộ biên phòng bị lũ cuốn mất tích.

 Chở đất, cát ứng cứu đập Gà ở xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc (Nghệ An). Nguồn: Báo Pháp luật TP HCM.
Thanh Hóa: 1 người chết, 2 người mất tích, đê sông Hoàng vỡ

Trong toàn tỉnh Thanh Hóa, mưa lớn khiến nước từ thượng nguồn đổ về đã làm chia cắt nhiều xã ở các huyện miền núi Thanh Hóa như: Giao An, Giao Thiện, Tam Văn, Lâm Phú và bản Trải (thị trấn Lang Chánh) của huyện miền núi Lang Chánh; xã Cẩm Châu (huyện Cẩm Thủy)... Một số trường học ở Lang Chánh phải cho học sinh ở lại qua đêm vì nước dâng cao không thể đi qua các đập tràn.

Theo báo cáo của UBND huyện Lang Chánh, từ đêm 9/10 đến chiều 10/10, trên địa bàn huyện liên tục có mưa vừa, mưa to đến rất to, gây ngập lụt nhiều nhà cửa, hoa màu và đường giao thông trên địa bàn huyện.

Đặc biệt, vào hồi 18h45, ngày 10/10, 2 cán bộ thuộc Đồn Biên phòng Yên Khương là Thượng tá C. Đ. C. (SN 1972) và Đại úy Ng. T. Ch. (SN 1975) trong khi đi phối hợp với xã Yên Khương hỗ trợ nhân dân phòng chống lũ lụt đã gặp nạn.

Thông tin từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Lang Chánh phản ánh, khi chiếc xe ô tô di chuyển từ chốt biên phòng Bản Mè, xã Yên Khương về đồn Biên phòng, đi qua đường tràn bản Bôn, xã Yên Khương, bất ngờ bị nước lũ cuốn trôi cả người và xe.

Hiện, lực lượng Công an, Quân sự huyện và Đồn Biên phòng Yên Khương đã được huy động 150 người cùng với hơn 200 người dân xã Yên Khương, Yên Thắng tiến hành công tác tìm kiếm.

Một trường hợp tử vong nữa được ghi nhận trên địa bàn là bà Lê Thị K (69 tuổi). Trưa 10/10, trên đường đi thăm con gái, khi đến xã Hoàng Long, TP Thanh Hóa bà bị sa xuống miệng cống lớn và bị nước cuốn trôi. Sau gần 2 giờ tìm kiếm, thi thể nạn nhân được tìm thấy cách vị trí bị cuốn trôi khoảng 300 m.
 Mưa lớn khiến các đập tràn ở nhiều huyện miền núi Thanh Hóa ngập sâu, nước chảy xiết. Ảnh: Phúc Ngư.
Nghệ An: 7 người chết

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Nghệ An, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 70mm đến 320mm. Các huyện Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn phải di dời 111 hộ dân với khoảng 500 người.

Hơn 600 hồ đập lớn, nhỏ tại Nghệ An đã đầy, tại đập Trại Gà (huyện Nghi Lộc) nước đã tràn qua thân đập buộc chính quyền địa phương phải mở rộng tràn 5m để xả lũ.

Tại TP Vinh, sau nửa ngày bị ngập sâu khoảng nửa mét, đến chiều đã tạnh ráo. Tuyến đường sắt Bắc - Nam qua thị xã Hoàng Mai đã thông tuyến vào trưa nay (11/10). Tuy nhiên, nhiều khu vực khác đang phải đối phó với hậu quả mưa lũ.

Mưa lớn làm nước sông lên cao, gây sạt lở bờ sông Lam, kè bảo vệ đê Tả Lam (khu vực địa bàn xã Hưng Hòa, thành phố Vinh; xã Hưng Xá, huyện Hưng Nguyên; xã Thanh Khai, huyện Thanh Chương, đê Tả Lam phía hữu huyện Thanh Chương, xã Nam Trung huyện Nam Đàn, sông Rộ, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương...); bờ sông Lam sát nhà dân, thôn Lam Bồng, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông bị sạt lở và có vết nứt dọc mép hành lang đường Quốc lộ 7 chiều dài khoảng 25m; 6 hồ đập bị ảnh hưởng, 20.223 m kênh mương bị sạt lở; 1.600 ha ao hồ bị ngập, gần 500 ha cá vụ 3 mất trắng...

Thông tin trên báo Pháp luật TP HCM, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có 7 trường hợp tử vong trong đợt mưa lũ được ghi nhận gồm: ông Nguyễn Ngọc Q (SN 1958, trú xóm Mới, xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc) bị mưa ướt là rò điện, điện giật chết; Ông Nguyễn Trung H (SN 1966, trú xóm 5 xã Quang Sơn, huyện Đô Lương) đi đánh cá tại hồ cá Nghi Kiều (huyện Nghi Lộc) bị nước cuốn trôi.

Cháu Lang Gia H (SN 2013, trú tại Bản Pật, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Hợp) bị nước cuốn chết. Cháu Lê Thị H (SN 2015, trú xóm 4, xã Lý Thành, huyện Yên Thành) bị trượt chân ngã xuống nước vùng ngập trong ngõ trước nhà.

Chị Hồ Thị S (SN 1993, trú xã Long Thành, huyện Yên Thành) đi qua cống bị trượt chân ngã xuống nước lũ. Chị Lê Thị N (SN 1997) vừa từ Trung Quốc về thăm mẹ ở thị xã Hoàng Mai, bị nước lũ cuốn chết trên đường đi xe máy chở cháu đi học. Em Ngũ Văn Q (trú xóm 17, xã Khánh Sơn 2, huyện Nam Đàn) theo bạn ra đồng bắt chuột lũ thì bị nước cuốn.
Hà Tĩnh: Vỡ đập Cố Châu, nhiều xã bị cô lập

Tại Hà Tĩnh, do lượng mưa lớn kéo dài suốt gần 1 tuần qua kết hợp áp thấp nhiệt đới khiến nhiều xã ở các huyện miền núi bị ngập sâu từ 1,2 - 2 m, giao thông bị chia cắt nhiều nơi.

Tối 9/10, do lượng nước từ thượng nguồn đổ về lớn nên đập Cố Châu (xã Gia Hanh, huyện Can Lộc) bị vỡ 20 m bờ đập, khiến nhiều héc ta hoa màu của người dân vùng hạ du bị ngập úng. Cũng trong tối cùng ngày, tuyến đê Hữu Phủ (xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà) bị sạt lở khoảng 30 m, uy hiếp gần 1.000 ha diện tích sản xuất nông nghiệp. Đến sáng 10/10, chính quyền địa phương và hàng trăm người dân vận chuyển đất cát để đắp lại đoạn đê bị vỡ.

Tính đến chiều 10/10, H.Hương Sơn có 2 nhà dân bị sạt lở đất, sập tường; có 7 xã với trên 6.000 hộ dân đang bị nước lũ chia cắt như các xã Sơn Thịnh, Sơn Lệ, Sơn Phúc, Sơn Mai, Sơn Thủy...; hơn 300 ha bắp mới gieo bị ảnh hưởng. Các hộ dân nằm ở khu vực xung yếu bị di dời vào sáng cùng ngày đã trở về nhà an toàn.
 Đập Cố Châu (Hà Tĩnh) bị vỡ trong sáng 10/10. Nguồn: Báo ANTĐ.
Quảng Trị: Một học sinh bị nước cuốn vào cống

Báo Người Lao Động thông tin, vào chiều tối 9/10, em L.V.S, (học sinh lớp 10, Trường THPT Lê Lợi, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) cùng người bạn đi học về nhà, đến đoạn cống hộp Trường Chinh (nằm ở đường Trường Chinh, phường Đông Lễ, TP. Đông Hà) thì em S. bị nước cuốn trôi cùng chiếc xe máy. Người bạn của em S. may mắn thoát được, kêu cứu người dân giúp đỡ.

Sau khi nhận được tin báo, lực lượng quân đội, công an và chính quyền địa phương đã huy động hơn 100 cán bộ, chiến sĩ triển khai tìm kiếm và đến sáng 11-10 mới tìm thấy thi thể em S.
Cảnh báo lũ trên sông

Cơ quan chức năng thông tin, mực nước lúc 4h ngày 11/10 trên các sông như sau: Sông Bưởi tại Kim Tân 10,84m, dưới BĐ2 0,16m; Sông Mã tại Lý Nhân 8,66m, dưới BĐ1 0,84m, tại Giàng 4,35m, trên BĐ1 0,35m; Sông Chu tại Bái Thượng 19,49m, trên BĐ3 1,49m; tại Xuân Khánh 9,33m, trên BĐ1 0,33m; Sông Cả tại Nam Đàn 5,4m (BĐ1); Sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ 12,58m, trên BĐ2 0,58m; tại Hòa Duyệt: 8,66m, dưới BĐ2 0,34m; Sông La tại Linh Cảm 4,32m, dưới BĐ1 0,18m.

Trong 12h tới, lũ trên các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An và hạ lưu sông Ngàn Sâu, sông La tiếp tục lên, thượng lưu sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố tiếp tục xuống.

Tại miền Bắc, cảnh báo ngập úng ở các đô thị, vùng trũng, vùng thấp có khả năng xảy ra tại nhiều nơi như thành phố Hà Nội, Hòa Bình, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Phú Thọ.

Nguy cơ ngập úng tại miền Trung xảy ra tại thành phố Thanh Hóa (Thanh Hóa), thành phố Vinh (Nghệ An), thị xã Kỳ Anh, thành phố Hà Tĩnh (Hà Tĩnh), thị xã Ba Đồn và thành phố Đồng Hới (Quảng Bình). Cần đặc biệt đề phòng nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ ở vùng trũng thấp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần