Cập nhật tình hình người Việt trong hơn 1.000 lao động bị cưỡng ép ở Philippines

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Chính phủ Việt Nam chủ trương thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự và đồng thời kiên quyết đấu tranh phòng, chống di cư trái phép và đưa người di cư trái phép và mua bán người".

Ngày 18/5, tại buổi họp báo thường kỳ, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng đã cập nhật thông tin về tình hình công dân Việt Nam trong số hơn 1.000 người lao động bị ép buộc làm trong cơ sở do Tập đoàn Clark Sun Valley Hub làm chủ ở Manila, Philippines.

Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng. 
Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng. 

Trước đó vào ngày 4/5, Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines cho biết, các lực lượng chức năng nước này đã giải cứu hơn 1.000 người, trong đó có công dân Việt Nam bị ép buộc làm việc trong cơ sở trên ở Pampanga, gần thủ đô Manila. 

Tại buổi họp báo ngày 18/5,  bà Phạm Thu Hằng cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Ngoại giao, đến nay Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của Philippines để xác định tình trạng cư trú của lao động, phối hợp cung cấp thông tin để thúc đẩy chính quyền sở tại sớm đưa ra phương hướng giải quyết và điều tra vụ việc, kịp thời tiến hành công tác bảo hộ công dân và bảo đảm quyền và lợi ích của công dân Việt Nam

“Xin nhấn mạnh lại là, Chính phủ Việt Nam chủ trương thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự và đồng thời kiên quyết đấu tranh phòng, chống di cư trái phép và đưa người di cư trái phép và mua bán người,” Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nhấn mạnh.

Nhân đây, đại diện Bộ Ngoại giao cũng cảnh báo người dân ra nước ngoài tìm việc theo hình thức tự túc, cần hết sức cảnh giác với các lời mời chào "việc nhẹ, lương cao, không cần bằng cấp", do họ có thể nhanh chóng trở thành nạn nhân bị bóc lột sức lao động trong các cơ sở cơ bản, trực tuyến, cư trú bất hợp pháp hoặc thậm chí trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.