Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cáp quang biển AAG tiếp tục gặp sự cố lần thứ 5

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cáp quang biển quốc tế AAG lại gặp sự cố trên cáp nhánh từ TP. HCM đi quốc tế và hiện nguyên nhân của sự cố vẫn chưa được xác định.

Theo một nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam, tải lượng từ tuyến cáp quang biển quốc tế AAG bị gián đoạn vào khoảng 9h sáng nay, 7/11. Vị trí xảy ra nằm trên nhánh cáp từ TP HCM nối đi quốc tế, tuy nhiên nguyên nhân của sự việc chưa được xác định.
 
Đại diện các ISP tại Việt Nam có sử dụng tuyến cáp quang biển quốc tế AAG cho hay, do đã quen với tình huống các tuyến cáp quang biển, nhất là tuyến AAG gặp sự cố nên ngay sau khi mất liên lạc trên tuyến, các ISP đều đã triển khai ngay phương án dự phòng để đảm bảo tối đa chất lượng dịch vụ Internet phục vụ Hội nghị APEC 2017 và các khách hàng.
Trước đó, các bên cung cấp Internet tại Việt Nam cũng đã triển khai các kịch bản để đảm bảo dịch vụ Internet trong thời gian diễn ra Hội nghị APEC 2017. VNPT cũng đang phối hợp với đối tác quốc tế để xác định nguyên nhân và có biện pháp xử lý, khắc phục sự cố xảy ra trên tuyến cáp quang biển quốc tế AAG từ TP.HCM đi quốc tế.
Đây là lần thứ 5 trong năm 2017 tuyến cáp quang biển AAG gặp sự cố. Bốn lần trước đó lần lượt xảy ra vào các ngày 8/1, 18/2, 27/8 và gần đây nhất là vào ngày 12/10/2017. Sự cố xảy ra vào sáng ngày 12/10/2017 trên cáp quang biển AAG đã được xử lý xong, khôi phục dung lượng đường truyền trên tuyến cáp vào lúc 23h55 ngày 22/10/2017.
Ngoài ra, hiện nay một tuyến cáp quang biển quốc tế khác là SEA-ME-WE 3 (SMW-3, hay còn gọi là tuyến cáp quang Đông Nam Á - Trung Đông - Tây Âu 3) cũng gặp sự cố, chưa được xử lý xong.
Tuyến cáp quang biển AAG có tổng chiều dài 20.000 km và dung lượng thiết kế đạt đến 2 Terabit/giây, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ. Được chính thức đưa vào vận hành từ tháng 11/2009, tuyến cáp quang này bắt đầu từ Malaysia và kết cuối tại Mỹ, với các điểm cập bờ tại Mersing (Malaysia), Changi (Singapore), Sri Racha (Thái Lan), Tungku (Bruney), Vũng Tàu (Việt Nam), Currimao (Philippines), South Lantau (Hong Kong), Guam (Mỹ), Hawaii (Mỹ)... Nhánh cáp rẽ vào Việt Nam nằm trong đoạn S1 có chiều dài 314 km.