Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cấp tập đẩy vốn ra nền kinh tế

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 30/6, tín dụng nền kinh tế đạt gần 14,4 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm ngoái, đạt được chỉ tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đã đề ra với ngành ngân hàng (hết quý 2/2024, tăng trưởng tín dụng đạt 5-6%).

Có thể thấy tăng trưởng tín dụng đang có xu hướng tích cực và trong thời gian ngắn, một dòng vốn lớn từ tín dụng ngân hàng đã được bơm vào nền kinh tế qua các khoản giải ngân cho vay.

Tín dụng ngân hàng chảy mạnh trở lại

Trước đó, đến cuối tháng 5/2024 số liệu của NHNN, tín dụng tăng 2,41%. Như vậy, chỉ riêng trong tháng 6, tín dụng đã tăng 3,59%, cao hơn tốc độ tăng 5 tháng đầu năm cộng lại. Tốc độ tăng trưởng tín dụng cải thiện, doanh số tín dụng mà các tổ chức tín dụng đã cung ứng ra nền kinh tế trong gần 6 tháng đầu năm 2024 cao hơn hơn doanh số của cùng kỳ 3 năm trước.

Đến 30/6, tín dụng tăng 6% so với năm ngoái. Ảnh minh hoạ
Đến 30/6, tín dụng tăng 6% so với năm ngoái. Ảnh minh hoạ

Trong tăng trưởng tín dụng của 6 tháng đầu năm 2024, tín dụng tiêu dùng phục vụ đời sống tăng nhanh, đạt hơn 3 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 21%, tương đương hơn 1/4  tổng dư nợ của nền kinh tế. Điều này có được đến từ nhu cầu vay phục hồi, đầu tư công được thúc đẩy lan tỏa hiệu ứng ra nền kinh tế xã hội; các chính sách giảm thuế, phí VAT và đặc biệt các gói ưu đãi với mặt bằng lãi suất cho vay thấp của các ngân hàng thương mại đã phát huy hiệu quả.

Các chính sách hỗ trợ tài khóa như giảm phí việc Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 44/2024/NQ-CP đã yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu trình Chính phủ xem xét ban hành quy định gia hạn nhiều loại thuế (giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất trong nước…). Đồng thời giảm lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước… nhằm mục tiêu tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hiện tại việc gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong năm 2024 cũng đã được triển khai với với quy mô dự kiến khoảng 8.560 tỷ đồng... sẽ có tác dụng thúc đẩy tiêu dùng trực tiếp ô tô và đi cùng là nhu cầu vay tín dụng để mua, sở hữu ô tô.

Hay như việc tăng lương cơ sở có hiệu lực từ ngày 1/7 với tỷ lệ tăng cao chưa từng có từ trước, sẽ giúp nhiều đối tượng người dân thụ hưởng có thêm thu nhập để tăng chi tiêu.

Bên cạnh vay tiêu dùng, trong năm 2024, khi lãi suất cho vay liên tục được điều chỉnh giảm, thị trường bất động sản dần hồi phục, nhu cầu mua nhà ở, đầu tư tài sản tăng trở lại. Nhờ đó cho vay bất động sản tăng, đặc biệt tập trung vào phân khúc cho vay bất động sản bình dân phục vụ nhu cầu ở thực của khách hàng.

Trong năm 2024, Tổ chức 0VIS Rating kỳ vọng, tăng trưởng tín dụng sẽ được dẫn dắt bởi nhu cầu vay vốn từ nhóm ngành bất động sản, thương mại nội địa, chế biến chế tạo, trong khi vay tiêu dùng cá nhân sẽ tăng dần trong nửa cuối năm 2024. Nhiều chính sách của Chính phủ để hỗ trợ cho tiêu dùng nội địa và tăng trưởng kinh tế như giảm thuế, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công đã bắt đầu phát huy tác dụng giúp hỗ trợ hoạt động kinh doanh và từ đó đẩy mạnh nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp trong nước.

Kỳ vọng đạt mục tiêu cả năm

Năm 2024, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14 - 15%. Có điều kiện để đẩy mạnh cho vay thay vì hạn chế room như các năm trước, các ngân hàng đang từng bước kích cầu vốn thông qua chương trình lãi suất ưu đãi cho cả khách hàng doanh nghiệp và cá nhân.

BIDV hiện có 16 gói tín dụng quy mô 80.000 - 90.000 tỷ đồng, lãi suất thấp hơn 0,5-2,5%/năm so với khách hàng thông thường. Đồng thời, trong gần 6 tháng, ngân hàng giảm lợi nhuận 3.500 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng. Theo Tổng Giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm, ngân hàng sẽ thúc đẩy các chi nhánh tích cực tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm như tổ chức làm việc, đối thoại, kết nối giữa doanh nghiệp với ngân hàng để tìm ra khó khăn, tháo gỡ vướng mắc; tiếp tục triển khai các gói tín dụng, giảm lãi suất để hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng theo các chương trình và chỉ đạo của NHNN.

Tại Agribank, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, ngoài giải pháp hạ lãi suất cho vay, Agribank cũng đang triển khai các gói tín dụng ưu đãi tổng quy mô 220.000 tỉ đồng dành cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp lớn, xuất nhập khẩu… với lãi suất cho vay bình quân thấp hơn từ 1% - 2,5%/năm so với lãi suất thông thường.

"Agribank tiếp tục triển khai quyết liệt, các giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; tập trung vốn tín dụng vào các lĩnh vực là động lực phát triển (xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng), tiếp tục tiếp cận và đầu tư vốn đối với các dự án nhà ở xã hội, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (lúa gạo, lâm thuỷ sản)" - Tổng Giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng cho biết.

Tổng Giám đốc ACB Từ Tiến Phát cho hay, ACB đã thúc đẩy các chương trình tín dụng ưu đãi với lãi suất cạnh tranh. Trong đó, lãi suất cho vay khách hàng DN chỉ 6%-8%/năm, khách hàng cá nhân khoảng 7%-8%/năm. Trong quý II/2024, tín dụng tại ACB tăng gấp đôi so với quý đầu năm và kỳ vọng tăng trưởng tích cực hơn trong các quý tới.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Kim Hùng cho biết, nhiều doanh nghiệp SME đang phải đối mặt với tình trạng càng kinh doanh càng lỗ; bị chiếm dụng vốn (các doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng chiếm dụng vốn lẫn nhau, trong đó doanh nghiệp SME bị chiếm dụng vốn nhiều nhất); phải ưu tiên xử lý các khoản nợ đến hạn thay vì vay mới... Điểm tích cực hiện nay là mặt bằng lãi suất cho vay được duy trì ở mức ổn định, dù lãi suất huy động đã tăng khoảng 0,5%/năm trong vài tháng gần đây. Các ngân hàng thương mại khẳng định, sẽ duy trì mặt bằng lãi suất thấp để kích cầu tín dụng.

Bối cảnh lãi suất cho vay đang rất thấp là một trong những nhân tố kéo cầu tín dụng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các ngân hàng đang phải công bố công khai lãi suất cho vay bình quân để người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong việc tiếp cận tín dụng… Mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp ít nhất từ nay đến cuối năm, các ngân hàng tiếp tục tiết giảm chi phí để có nguồn lực hỗ trợ lãi suất cho vay ở mức thấp" - ông Từ Tiến Phát nhận định.

Tổng giám đốc ngân hàng MB Phạm Như Ánh cũng kỳ vọng, khi các luật mới và chính sách mới có hiệu lực từ ngày 1/8, thì hàng loạt vấn đề sẽ được tháo gỡ. Hy vọng đến quý 3 và 4/2024, lĩnh vực bất động sản nhà ở sẽ được tháo gỡ, lúc đó sẽ tạo ra hiệu ứng chung cho thị trường và các ngân hàng sẽ tăng trưởng tốt hơn nữa.

Các nhà băng kỳ vọng, tín dụng dần cải thiện rõ nét ở các quý tới đây và đạt mục tiêu ngành đưa ra 14-15% trong năm nay.