Cấp thiết cải tạo giống cây ăn quả

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với mục tiêu nâng cao giá trị cho cây ăn quả, TP Hà Nội đã đẩy mạnh hỗ trợ nông dân cải tạo giống cũ, giống thoái hóa và trồng mới các loại cây ăn quả bằng nguồn giống bảo đảm chất lượng, năng suất cao.

Vẫn thiếu giống chất lượng
Theo khảo sát của Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn TP, các cơ sở kinh doanh giống cây ăn quả chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu. Đáng nói, trong số này, giống bưởi, cam mới đáp ứng 35%, chuối là 40%. Đối với cây ăn quả khác chủ yếu tận dụng giống vườn nhà nên không bảo đảm năng suất, chất lượng.
Trong khi đó, có tình trạng nhiều chủ vườn trên địa bàn TP đã chủ động mua các giống cây ăn quả trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc. Bởi vậy, khi năng suất, chất lượng quả không đạt như mong muốn, nhiều hộ phá bỏ để trồng lại, gây thiệt hại lớn về kinh tế.
Trước thực trạng trên, từ năm 2019 đến nay, được sự hỗ trợ kinh phí của TP, Sở NN&PTNT Hà Nội, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội đã triển khai xây dựng mô hình ghép cải tạo thay thế bằng các giống bảo đảm năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao như bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi Diễn, bưởi Tam Vân…
Mô hình ghép cải tạo giống bưởi Diễn tại xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ đạt hiệu quả cao. Ảnh: Ngọc Ánh
Cụ thể, mô hình đã được triển khai tại các xã: Nam Phương Tiến, Trần Phú (huyện Chương Mỹ), Vân Nam (huyện Phúc Thọ), với quy mô 2ha/xã, tỷ lệ ghép đạt yêu cầu khoảng 85%. Kết quả bước đầu, đã rút ngắn thời gian kiến thiết cơ bản của cây bưởi xuống 2 - 3 năm, năng suất đạt 70% so với vườn bưởi 8 - 10 năm tuổi.
Đáng chú ý, đối với 2.000ha nhãn là giống truyền thống bị già cỗi tại các huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa, Quốc Oai… Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội đang đẩy mạnh ghép cải tạo giống nhãn chín sớm, chín muộn, siêu ngọt trên nền giống nhãn cũ với các giống chủ lực như HTM1, HTM2, T6, PHS2 được các địa phương đánh giá cao.
Tăng diện tích cây ăn quả giá trị cao
Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) Vũ Thị Huyền chia sẻ, trước đây do hạn chế về chuyên môn và tâm lý ham rẻ, nông dân thường mua cây giống của người bán buôn, bán rong... nên không kiểm soát được tiêu chuẩn, chất lượng.
Sau khi được Sở NN&PTNT Hà Nội hỗ trợ mở các lớp hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc một số cây trồng chủ lực (bưởi, cam, chanh…) kết hợp cải tạo, lai ghép giống chất lượng cao, người dân xã Nam Phương Tiến đã đầu tư trồng, chăm sóc cây ăn quả trên đất vườn đạt hiệu quả tốt. Đặc biệt, nhờ hoạt động ghép - cải tạo vườn cây ăn quả đã khắc phục cơ bản việc phải phá bỏ vườn cây do sử dụng giống kém chất lượng. Từ đó, thu nhập của người làm vườn tăng, tạo thêm nhiều sản phẩm chất lượng cao cung ứng cho thị trường.
Đánh giá về phát triển, cải tạo cây ăn quả, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết, với 17.000ha cây ăn quả (bưởi, cam, nhãn, chuối, táo, đu đủ…), hiện nay, cơ cấu các loại cây trồng tiếp tục có sự dịch chuyển theo hướng chuyên canh tập trung. Trong đó, diện tích cây ăn quả đặc sản, cây có giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện canh tác của từng địa phương đều tăng nhanh. Toàn TP đã có hơn 11.000ha diện tích trồng cây ăn quả theo hướng cải tiến, đạt giá trị kinh tế cao.
Hà Nội đặt mục tiêu từ nay đến năm 2025, cơ bản diện tích cây ăn quả kém chất lượng, vườn tạp sẽ được cải tạo nhằm đạt năng suất, chất lượng cao theo hướng VietGAP. Thực hiện mục tiêu này, ngành nông nghiệp Hà Nội đang tiếp tục hỗ trợ nông dân 50% kinh phí ghép - cải tạo vườn tạp, vườn hiệu quả kém. Đồng thời, tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, các chuyến đi tham quan mô hình sản xuất tiêu biểu ở các địa phương nhằm nâng cao trình độ kỹ thuật canh tác cho bà con.

Hiện nay, toàn TP đã có 1.000ha sản xuất cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, có 634ha sử dụng giống chất lượng cao; 372ha chuối ứng dụng công nghệ cao... Diện tích cây ăn quả theo hướng VietGAP khoảng 45ha.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần