Cấp thiết cải thiện môi trường kinh doanh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm tăng 6,28% - mức cao nhất trong 5 năm qua. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế đang đặt ra những thách thức không nhỏ đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là trong việc cải thiện môi trường kinh doanh.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận phiên họp.	 Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh: TTXVN
Đây là những nhận định của các thành viên Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2015 tại phiên họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì ngày 29/6.

GDP tăng cao, CPI duy trì thấp
Với những kết quả đạt được trong 6 tháng qua đã tạo tiền đề, thuận lợi để cả năm đạt và vượt kế hoạch đề ra. Khả năng đạt mục tiêu đề ra về tăng trưởng GDP 6,2% cho cả năm 2015 là hoàn toàn khả quan. Tuy nhiên, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung mạnh cho cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đầu tư; Nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và của nền kinh tế; Tập trung xây dựng, hoàn thiện, bổ sung cơ chế, chính sách, thủ tục, điều kiện thuận lợi, thông thoáng, dễ dàng để người dân, DN làm ăn, kinh doanh; Tăng cường các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị trường đi liền với kiểm soát tốt nhập khẩu phù hợp với các cam kết và thông lệ quốc tế...
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2015, nền kinh tế tiếp tục phục hồi và đạt kết quả cao hơn cùng kỳ năm trước. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát tiếp tục được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng ở mức thấp. Tăng trưởng GDP quý II cao hơn quý I và tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt mức tăng cao nhất (6,28%) trong vòng 5 năm trở lại đây. “Tốc độ tăng trưởng GDP quý II và 6 tháng đầu năm đạt cao cho thấy xu thế phục hồi và đang lấy lại đà tăng trưởng của nền kinh tế” – Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhận định.

Tuy nhiên, Báo cáo cũng chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, trong đó nổi lên là tăng trưởng khu vực nông nghiệp và thủy sản đạt thấp hơn cùng kỳ năm trước; xuất khẩu (XK) của khu vực DN trong nước giảm so với cùng kỳ... Đáng chú ý, XK 6 tháng qua có tăng nhưng tăng thấp hơn cùng kỳ. Trong đó, XK đạt 77,75 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 14,9%). Lý giải về việc sụt giảm XK, đặc biệt là ở nhóm nông, thủy sản, đại diện Bộ KH&ĐT cho biết, nguồn cung các nước XK rất dồi dào, dẫn đến cạnh tranh gay gắt trên thị trường, nhất là mặt hàng gạo và tôm XK của Việt Nam đang chịu cạnh tranh từ Thái Lan và Ấn Độ. Trong khi đó, một số thị trường lớn của Việt Nam như Indonesia, Philippines đang có xu hướng tự cân đối nguồn cung lương thực. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân từ việc USD lên giá so với nhiều đồng tiền khác trên thế giới, một số thị trường XK truyền thống của Việt Nam (EU, Nhật Bản) cắt giảm nhập khẩu do đồng Euro và đồng Yên bị giảm giá mạnh so với USD... Trong khi XK tăng thấp thì nhập khẩu 6 tháng qua tăng cao, ước tính 81,5 tỷ USD; nhập siêu cả nước khoảng 3,75 tỷ USD, bằng 4,8% tổng kim ngạch XK.

Nghị quyết 19/NQ-CP vẫn tắc ở nhiều đơn vị

Cũng tại phiên họp, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, tính đến ngày 19/6/2015, Bộ KH&ĐT mới nhận được Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (Nghị quyết 19) của 12 bộ và cơ quan và 12 UBND tỉnh, TP. Như vậy, vẫn còn 13 bộ, cơ quan và 51 tỉnh, TP trực thuộc T.Ư chưa có Kế hoạch hành động. Đáng lưu ý, có địa phương dù được Ngân hàng Thế giới lựa chọn để điều tra, đánh giá xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam, nhưng đến nay cũng chưa có kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết.

 Phê bình kết quả này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải làm rõ quá trình triển khai Nghị quyết 19 có thuận lợi, khó khăn gì để tập trung chỉ đạo, khắc phục, tháo gỡ vướng mắc cho DN. Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh phải kiên quyết đưa công nghệ thông tin vào các dịch vụ công, đóng thuế, bảo hiểm xã hội, giao thông, khám chữa bệnh… “Nghị quyết 19 chính là cải cách thủ tục hành chính, vì thế cần nhiều giải pháp mà trước hết là rà soát loại bỏ thủ tục hành chính không cần thiết, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và nâng cao trách nhiệm bộ máy, cán bộ công chức. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, trong đó bao gồm đột phá về thế chế, thủ tục; cán bộ công chức; tổ chức bộ máy” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Từ góc độ địa phương, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, ngay khi Nghị quyết 19 chính thức được ban hành, Hà Nội đã xây dựng chương trình kế hoạch hành động ngắn hạn 2 năm về xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh, nhờ đó số DN thành lập mới trong 6 tháng đầu năm tăng khá, các ngành sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ, nông nghiệp... lấy lại đà tăng trưởng. Kinh tế của TP 6 tháng qua đạt cao nhất trong 4 năm trở lại đây, đạt mức tăng trưởng 7,8%. TP cũng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ DN như hỗ trợ lãi suất vốn vay sau đầu tư và lãi suất vốn vay ngắn hạn. Hà Nội được đánh giá là địa phương dẫn đầu cả nước về công tác cổ phần hóa, sắp xếp DN, được Chính phủ đánh giá tốt.

Lãnh đạo TP Hà Nội kiến nghị, Chính phủ cần nâng Nghị quyết 19 lên như một chiến lược, giải pháp dài hạn để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Về cải cách thể chế, TP đề xuất Chính phủ tăng cường phân cấp cho địa phương. “Chính phủ đã chú trọng vấn đề này nhưng thời gian qua, khi triển khai một số công việc, địa phương vẫn phải xin ý kiến của bộ, ngành T.Ư, việc này không khác gì quá trình thẩm định, khiến cho việc tự chịu trách nhiệm của địa phương chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Chưa kể, nhiều văn bản địa phương gửi lên bộ nhưng ý kiến trả lời rất chậm” – Chủ tịch UBND TP Hà Nội chia sẻ.