Cấp thiết điều tiết thị trường thịt lợn

Ánh Ngọc - Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhìn từ bất cập người dân xuất chuồng với giá thấp nhưng giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng vẫn cao cho thấy khâu dự báo điều tiết thị trường còn hạn chế.

Do vậy, việc cần làm ngay lúc này là Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương cần ngồi lại và bàn giải pháp chiến lược từ sản xuất tới đưa sản phẩm ra thị trường.
Giá lợn hơi xuống thấp kỷ lục, người chăn nuôi lao đao

Trong thời gian qua, do dịch Covid-19, nhiều tỉnh, thành trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội, dẫn đến nhu cầu sử dụng thực phẩm giảm từ 30 - 50%. Đến nay, mặc dù các địa phương đã trở lại trạng thái bình thường, tuy nhiên lượng nhân công lao động ở các địa phương vẫn chưa quay lại các TP lớn để làm việc, trường học vẫn đóng cửa, quán ăn mở đón khách với số lượng hạn chế nên mức tiêu dùng thực phẩm vẫn còn hạn chế. Do đó, giá thịt lợn xuất chuồng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, ở mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.
 Khách chọn mua thịt lợn tại siêu thị Vinmart ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Nhiều nông dân trong tình trạng nuôi không được mà bán cũng chẳng đành. Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa) cho biết, giá cám quá cao, giá lợn hơi rẻ cũng phải bán vì không thể chờ đợi được, càng chờ càng lỗ. Mỗi một con lợn xuất chuồng người chăn nuôi đang chịu lỗ khoảng 2 triệu đồng, nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn thì trong khoảng 2 – 3 tháng nữa nhiều hộ chăn nuôi sẽ phải “treo chuồng”

Theo kết quả khảo sát của Bộ NN&PTNT, trong 9 tháng năm 2021, giá lợn thịt lợn hơi xuất chuồng theo xu hướng giảm dần; từ tháng 3, 4 giá từ 70.000 - 75.000 đg/kg, đến tháng 8, 9/2021 giá từ 42.000 - 50.000 đồng/kg, sang tháng 10/2021 tính đến thời điểm hiện tại, giá dao động từ 30.000 - 45.000 đg/kg tùy từng vùng. Đặc biệt có một số địa phương giá xuống dưới 35.000/kg đối với lợn quá lứa (trên 120kg). Như vậy, cùng lúc người chăn nuôi cả nước đang phải đối mặt với 3 thách thức: Dịch Covid-19, dịch bệnh trong chuồng và giá thấp kỷ lục.

Tuy nhiên, trong 2 - 3 ngày qua, giá thịt lợn xuất chuồng ở nhiều địa phương đã tăng từ 5.000 - 6.000 đồng/kg. Tại miền Bắc, ngày 25/10, giá lợn hơi loại 1 lợn (100 – 120kg) là 40.000 đồng/kg, giá lợn hơi quá lứa (trên 120 kg) từ 35.000 – 37.000 đồng/kg. Tuy nhiên, mức giá này vẫn đang ở mức thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Và theo phản ánh của người chăn nuôi, giá thịt lợn hơi phải ở mức trên 50.000 đồng/kg thì người nuôi mới bắt đầu có lãi.

Một điểm đang lưu ý là, do tâm lý lo ngai tái đàn là lỗ nên lúc này nhiều hộ chăn nuôi đang phá đàn. Nguy cơ từ thừa sang thiếu đang dần hiện hữu vào Tết Nguyên đán Nhâm Dần và cả những tháng đầu năm 2022 nếu như những giải pháp bảo vệ sản xuất trong nước không được thực hiện kịp thời.

Bất cập giá lợn do mù mờ thông tin

Có một nghịch lý là khi lợn trong chuồng đang dư thừa, giá thấp ở mức kỷ lục, thì giá thịt lợn ở chợ vẫn ở mức gấp đôi, gấp ba, tức là ở mức 80.000 – 120.000 đồng/kg, thậm chỉ ở siêu thị có loại ở mức 200.000 đồng/kg. Con lợn từ chuồng tới chợ hay siêu thị đi qua các khâu trung gian, chi chí đã đội thêm khoảng 50 - 60% nhưng xem xét kỹ ở chuỗi, điều dễ dàng nhận thấy lợi nhuận nằm chủ yếu ở khâu giết mổ đến đưa ra thị trường.

Thực tế giá thịt lợn hơi xuống thấp, giá thịt lợn hơi ở mức cao cho thấy, các DN bán lẻ và những tập đoàn chăn nuôi lợn khép kín đang là đối tượng hưởng lợi nhuận lớn nhất. Câu hỏi đặt ra là vì sao những bộ liên quan chưa có giải pháp để điều tiết kịp thời nhằm đảm bảo quyền lợi kịp thời cho người chăn nuôi và người tiêu dùng?

Theo nhận định của các chuyên gia, tình trạng thừa thịt lợn như năm 2017 đã lặp lại trong năm nay, việc cần làm lúc này là các bộ liên quan cần thiết đưa ra các kịch bản xử lý, ngay cả khi tại Việt Nam, những DN chăn nuôi có số lượng lớn và DN bán lẻ lớn có khả năng chi phối, điều tiết thị trường. Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch Trần Thị Dung cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước phải có hướng dẫn người chăn nuôi bảo tồn được vốn, nguồn lực để tiếp tục phát triển. Vì vậy, Nhà nước cần vào cuộc ngay để đánh giá lại, để xem lợi nhuận nằm trong khâu từ giết mổ đến thị trường như thế nào? “Mức lợi nhuận này phải được chia sẻ lại, bù đắp cho người chăn nuôi là đối tượng chịu ảnh hưởng giá thấp. Thậm chí, Nhà nước phải quy định giá mua thịt hơi của người chăn nuôi” – bà Trần Thị Dung nói.

Cũng trong thời điểm này, nhiều địa phương đã đề nghị Bộ Công Thương tháo gỡ rào cản kỹ thuật đông lạnh để các DN tăng cường thụ mua của nông dân cấp đông, đồng thời đưa thịt lợn vào danh mục sản phẩm được hỗ trợ chế biến. Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ Nguyễn Văn Ngọc, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ giết mổ lớn ở khu vực ngoại thành mỗi tỉnh, để việc các sản phẩm đã giết mổ đưa vào TP được chủ động.

Còn theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai Nguyễn Kim Đoán, cần thông tin kiểm đếm số lợn hiện nay để hài hòa số lượng cung và cầu, để tránh tình trạng những người chăn nuôi họ không biết tìm thông tin ở đâu mà cứ tự giác phát triển đàn một cách ồ ạt. 

"Việc báo lỗ của các công ty chăn nuôi trong những ngày gần đây chỉ đơn thuần là công bố của các DN. Nhà nước phải có động thái kiểm tra lại, bởi vì các DN chăn nuôi lớn là bao tiêu từ con giống, thức ăn chăn nuôi cho đến bán ra sản phẩm ngoài thị trường. Các cơ quan quản lý thị trường cần kiểm tra, minh bạch giá thành sản xuất, giá thành sản phẩm bán ra thị trường để xem DN có độc quyền, có tăng giá, có hưởng lãi ở mức 30 – 40% hay không" - Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần