Cấp thiết giải bài toán khát vốn cho doanh nghiệp

Thảo Nguyên thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc thiếu vốn ảnh hưởng nặng nề đến phục hồi sản xuất, kinh doanh của cộng đồng DN. Để giải bài toán này, trao đổi với Kinh tế & Đô thị, TS Cấn Văn Lực cho rằng: Ngoài việc chủ động từ 2 phía ngân hàng, DN, cần khơi thông nhiều kênh huy động vốn khác.

TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia
TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia

Vốn ngân hàng tắc vì đâu?

Khát vốn là thực trạng nhiều đơn vị gặp phải, không chỉ những DN nhỏ và vừa (DNNVV) mà cả những DN lớn hơn, có nhiều dự án đang bị đình trệ không thể tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng. Nguyên nhân vì sao, thưa ông?

- Thiếu tài sản thế chấp; quản trị dòng tiền kém; kế hoạch kinh doanh thiếu khả thi, hệ thống kế toán, tài chính chưa chuẩn chỉnh, chưa đầy đủ thông tin… là những thách thức thường gặp của DNNVV khi tiếp cận vốn tín dụng, gây khó khăn cho phía ngân hàng khi thực hiện thẩm định thông tin khách hàng. Việc tiếp cận vốn ngân hàng của nhóm DN nhỏ cũng khó khăn hơn, do e ngại vấn đề thủ tục, quy trình.

Ngoài ra, không ít DN khác gặp khó khăn về tiếp cận nguồn vốn, khi các ngân hàng “cạn” room tín dụng và e ngại rủi ro nợ xấu khiến việc lựa chọn DN có dự án tốt để mở rộng tín dụng càng trở nên khó khăn.

Từ 1/10/2022 là mốc thời gian các ngân hàng thương mại (NHTM) phải tiếp tục giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Các ngân hàng phải tuân thủ tỷ lệ tối đa theo lộ trình. Ngoài quy định về tỷ lệ, các ngân hàng đều phải hướng tới việc đảm bảo các yêu cầu cần thiết nhằm đảm bảo an toàn hoạt động. Trong khi nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh mùa cuối năm của DN và người dân đang tăng rất cao. Chính vì vậy, nhiều ngân hàng thừa nhận không thể đáp ứng được hết nhu cầu vay vốn làm ăn của DN.

Hơn 1 tháng qua, mặt bằng lãi suất đã cao hơn khá nhiều và nhiều dự báo áp lực lãi suất còn lớn (Cục Dự trữ liên bang Mỹ - Fed vừa tăng mạnh lãi suất hôm 2/11), DN lo ngại như vậy càng khó tiếp cận vốn?

- Bản chất của việc tăng lãi suất là giảm lượng tiền mặt để kiềm chế lạm phát. Lãi suất huy động tăng tạo lực hút về dòng tiền chảy vào ngân hàng để hưởng. Khi lãi suất huy động tăng lên, chênh lệch giữa lãi suất vào - đầu ra sẽ hẹp đi, việc vay vốn của DN của khách hàng khó khăn hơn. NHTM buộc phải lựa chọn dự án, lựa chọn khách hàng, việc cho vay vốn khắt khe hơn. Tới năm 2023, khi ổn định chính sách lãi suất thì các DN sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận hơn, giúp thị trường ổn định hơn.

Còn gói hỗ trợ chính sách 2% cũng đang được các ngân hàng triển khai nhưng DN lại không mặn mà là sao, thưa ông?

- Gói hỗ trợ này chưa hấp thụ tốt, vì DN được hỗ trợ phải đảm bảo các điều kiện như không có nợ xấu, có tài sản đảm bảo, dòng tiền ổn định... Nguồn tiền cho vay là tiền huy động từ người dân, từ nền kinh tế, do đó, các ngân hàng vẫn phải xác định đúng đối tượng, thẩm định, quyết định cho vay theo đúng quy định.

Chủ động từ hai phía

Về room (hạn mức) tín dụng ngân hàng, một số ý kiến cho rằng NHNN nên nới nhẹ room tín dụng thêm 1 - 2%. Việc “truyền máu” này tuy không nhiều, song có thể làm thị trường ấm nóng trở lại? Quan điểm của ông thế nào?

- Quan điểm trước kia là như vậy, tuy nhiên chính sách tiền tệ cần phải định hướng dòng chảy tín dụng qua các hệ số rủi ro. Việc bơm tiền hay không bơm tiền ra đều phải căn cứ vào lạm phát, nợ xấu…

Bối cảnh hiện nay vô cùng khó khăn, phức tạp khi kinh tế thế giới có nhiều diễn biến khó lường; các nước vẫn đang phải đối mặt với nguy cơ lạm phát. Ngân hàng trung ương các nước phản ứng rất mạnh đối với biến động lạm phát và cũng phải tăng lãi suất rất mạnh, kéo theo tỷ giá biến động mạnh.

Do đó dễ hiểu NHNN phải thận trọng, điều hành chính sách tiền tệ để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống ngân hàng, ổn định thị trường ngoại hối, là nhiệm vụ quan trọng.

Bên cạnh đó, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hệ thống ngân hàng chủ yếu cung cấp vốn ngắn hạn cho nền kinh tế, còn nguồn vốn trung - dài hạn sẽ do thị trường vốn đảm nhiệm.

Vậy làm sao để giải được bài toán khó trong tiếp cận nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng để tạo thêm động lực về tài chính cho các DN?

- Theo NHNN tính đến giữa tháng 9, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 10,47% so với cuối năm 2021. Tín dụng chủ yếu được tập trung vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Có thể thấy, dòng vốn từ ngân hàng vẫn là điểm tựa tiếp sức thêm cho các DN mở rộng sản xuất. Bởi vậy, cùng với sự hỗ trợ từ phía ngân hàng, các DN hoặc thông qua các hiệp hội cũng cần chủ động nắm bắt, hiểu rõ quy trình đăng ký khoản vay, từ đó chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện cần và đủ để gia tăng cơ hội tiếp cận vốn thành công.

Về phía các NHTM, các ngân hàng nên thiết kế các sản phẩm đặc thù đối với DNNVV, xây dựng phương thức thẩm định phù hợp. Bên cạnh đó, cần tăng cường cung cấp các dịch vụ như tư vấn, đào tạo, thông tin hỗ trợ cho đối tượng khách hàng là DNNVV. Khi cả hai phía cùng chủ động về thông tin, kết nối, sẽ dễ dàng gặp gỡ và tiếp cận nhau hơn.

Bên cạnh sự chia sẻ của các ngân hàng, rất cần sự vào cuộc mạnh hơn của chính sách tài khóa. Giải ngân đầu tư công, chương trình phục hồi kinh tế... vẫn còn triển khai khá chậm.

Doanh nghiệp rất cần nguồn vốn để đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Katolec Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Doanh nghiệp rất cần nguồn vốn để đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Katolec Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Đa dạng hóa nguồn vốn

Ngoài vốn ngân hàng, DN tìm kiếm những nguồn vốn nào khác thưa ông?

- Vốn ngân hàng hiện chiếm khoảng 50% tổng lượng vốn cung ứng cho nền kinh tế, trong đó hơn một nửa là cho vay ngắn hạn. Trong khi, từ nay đến năm 2030, Việt Nam cần khoảng 700.000 đến 1 triệu tỷ đồng vốn trung - dài hạn mỗi năm để đầu tư cho nền kinh tế. Ngoài nguồn vốn từ ngân hàng, DN có thể huy động nguồn vốn từ nhiều kênh khác như từ thị trường chứng khoán, trái phiếu, thị trường vốn, các quỹ đầu tư.

Chẳng hạn như nên tìm đến nguồn vốn thông qua các quỹ đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực đó. Ví dụ như trong chủ trương phát hành năng lượng sạch, đã có một số DN phát hành được những trái phiếu xanh và gọi được nguồn vốn để triển khai dự án.

Hoặc với các DN bất động sản, ngoài 3 nguồn huy động chính là tín dụng ngân hàng, trái phiếu DN và từ người mua nhà, các DN cần linh hoạt huy động từ các kênh khác như phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược, chào bán cổ phần ra công chúng/cổ đông hiện hữu, quỹ đầu tư, quỹ tín thác bất động sản (REIT).

Ngoài ra, một dòng vốn quan trọng khác với DN là thuê tài chính. Đây là kênh quan trọng của các DNNVV trong bối cảnh tài sản thế chấp còn thiếu và dòng tiền còn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Hiện nay, các DN đều phản ánh khó tiếp cận các Quỹ đầu tư bảo lãnh, hoặc với các kênh huy động vốn như trái phiếu, cổ phiếu quan sát thị trường đều gặp khó khăn, cách nào tháo gỡ vấn đề trên?

- Để các DN tiếp cận nguồn vốn thông qua các quỹ là hướng đi đúng đắn, nhưng quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV chưa phát huy được hết vai trò là do vốn quá mỏng, tùy thuộc vào ngân sách từng địa phương và điều kiện bảo lãnh khó khăn. Cần nâng cao năng lực về cả nguồn nhân lực, tài chính công nghệ của các quỹ này.

Cần thay đổi cơ chế hoạt động quỹ, điều này là vô cùng cần thiết để quỹ có năng lực nâng cao giá trị, hạn mức bảo lãnh cho DN. Qua đó tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng với quy mô, hạn mức cao hơn. Chính phủ nên cơ cấu bộ máy các quỹ, dành nguồn lực tập trung và rót vốn cho những quỹ có vai trò then chốt trong mục tiêu hỗ trợ DN - động lực của nền kinh tế, có điều kiện phục hồi và qua đó góp sức thúc đẩy, lấy lại đà tăng trưởng trước mắt lẫn dài hạn.

Với thị trường trái phiếu, các cơ quan quản lý cần thống nhất thúc đẩy thị trường tốt hơn, lành mạnh hơn.

Thứ nhất, về cách tiếp cận vừa kiến tạo phát triển cho thị trường, vừa kiểm soát được rủi ro, trước mắt, cần giải quyết dứt điểm các vụ “lùm xùm” vừa qua để củng cố niềm tin nhà đầu tư cũng như tránh tạo tiền lệ xấu.

Thứ hai, cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý phù hợp như: Sửa đổi Nghị định 153/NĐ-CP (2020) về phát hành trái phiếu DN riêng lẻ, Nghị định 156 (2020) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán...

Thứ ba, cần có quy định về định hạng tín nhiệm nhằm giúp nhà đầu tư dễ dàng xác định chất lượng DN, mức độ rủi ro của trái phiếu phát hành.

Thứ tư, có giải pháp tăng chất lượng trái phiếu DN được phát hành thông qua xem xét quy định cụ thể hơn về quy mô, tần suất, điều kiện phát hành.

Thứ năm, hoàn thiện hạ tầng của thị trường trái phiếu DN, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu, tạo điều kiện thuận lợi hơn (đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ…); hoàn thiện cơ chế và nâng cao chất lượng quản lý và giám sát thị trường, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát trên cơ sở rủi ro, chứ không chỉ là hành chính…

Cơ quan quản lý cần thay đổi cách tiếp cận theo hướng phát triển cân bằng, kiến tạo môi trường tốt cho thị trường trái phiếu, tài chính phát triển, song vẫn kiểm soát được rủi ro và tận dụng được các cơ hội mới.

Xin cảm ơn ông!

 

Bên cạnh đa dạng hóa nguồn vốn, DN cũng cần tự hoàn thiện, hướng tới minh bạch, không ngừng nâng cao năng lực quản trị tài chính; chuyên nghiệp hơn trong việc hoàn thiện hồ sơ tín dụng, hồ sơ phát hành chứng khoán, thực hiện các cam kết. Các DN cũng cần nhanh chóng đăng ký xếp hạng tín nhiệm. Đây là một trong những giải pháp vô cùng quan trọng giúp thị trường minh bạch thông tin, góp phần giúp thị trường vốn phát triển bền vững. Đồng thời, DN cần tăng cường quản trị rủi ro, bởi trong thời gian tới có thể xuất hiện một số rủi ro về lãi suất, tỷ giá.

TS Cấn Văn Lực

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần