Vấn nạn vi phạm về sử dụng đất đai
Thời gian gần đây, vấn đề vi phạm trong sử dụng đất đai diễn biến theo chiều hướng phức tạp và đang trở thành “vấn nạn” gây bức xúc dư luận; khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước. Theo số liệu báo cáo từ Bộ TN&MT, chỉ tính riêng trong năm 2023 qua công tác thanh tra, toàn ngành đã thực hiện 599 cuộc thanh - kiểm tra đối với 1.421 tổ chức, cá nhân; trong đó: thanh tra Bộ TN&MT thực hiện 13 cuộc đối với 31 tổ chức; Sở TN&MT các địa phương tiến hành 586 cuộc đối với 1.390 tổ chức, cá nhân.
Đáng chú ý, qua công tác thanh - kiểm tra đã phát hiện các vi phạm chủ yếu tập trung vào các nội dung: sử dụng không đúng mục đích; không sử dụng hoặc tiến độ thực hiện chậm; lấn chiếm, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc thủ tục hành chính về đất đai... Căn cứ kết quả thanh - kiểm tra, các chức danh có thẩm quyền đã xử phạt vi phạm hành chính 676 tổ chức, cá nhân với số tiền 35,1 tỷ đồng, kiến nghị truy thu 3,884 tỷ đồng, thu hồi diện tích đất là 366ha.
Theo đó, vi phạm về sử dụng đất đai tập trung chủ yếu ở những địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh. Tại Thủ đô Hà Nội, theo Báo cáo số 194/BC-UBND ngày 7/6/2024 của UBND TP, trong 6 tháng đầu năm 2024, các cơ quan hành chính trực thuộc UBND TP đã tiếp nhận và xử lý 22.014 đơn các loại gồm: 5.276 đơn khiếu nại; 4.551 đơn tố cáo và 12.187 đơn kiến nghị, phản ánh, dân nguyện. Nội dung khiếu nại, tố cáo chủ yếu liên quan đến lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, kết quả giải quyết mới đạt tỷ lệ khoảng 54%, số vụ còn lại đang trong thời gian giải quyết theo quy định của pháp luật, trong đó có nhiều vụ việc phức tạp, tồn đọng nhiều năm chưa được giải quyết.
“Công tác xử lý vi phạm về đất đai là công việc khó khăn, phức tạp; trong khi đó hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai lại liên tục thay đổi theo từng thời kỳ, tuy thay đổi nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Đồng thời, các chế tài được quy định trong quá trình xử lý đối với cả những đối tượng vi phạm và người thi hành công vụ chậm trễ hoặc né tránh thực thi công vụ... chưa đủ mạnh, thiếu sự răn đe, nên vi phạm vẫn tiếp diễn theo chiều hướng phức tạp và nhiều vụ việc tồn đọng kéo dài” - báo cáo nêu rõ.
Tăng cường thực thi pháp luật
Theo luật sư Hoàng Văn Đạo - chuyên gia về pháp lý bất động sản, những vi phạm về sử dụng đất đai trong thời gian qua chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân chủ quan, với mục đích mang lại lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Theo đó, các cá nhân, tổ chức đã cố tình sai phạm hoặc “lách luật” để thực hiện hành vi trái pháp luật; trong khi đó, một số cán bộ trong cơ quan quản lý Nhà nước có hiện tượng “bao che”, hay kéo dài thời gian xử lý để hợp thức hóa vi phạm...
“Cùng với đó, hệ thống văn bản pháp luật về đất đai (Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành) còn tồn tại nhiều bất cập. Thời điểm hiện tại, khi Luật Đất đai năm 2024 đã chính thức có hiệu lực thi hành, nhưng đang trong quá trình chuyển tiếp, lại khiến nhiều địa phương lúng túng giữa việc áp dụng quy định mới và quy định cũ trong quá trình xử lý vi phạm. Điều đó cũng gây ra những khó khăn cho cả phía cơ quan quản lý Nhà nước và người sử dụng đất” - luật sư Hoàng Văn Đạo phân tích.
Trước những diễn biến phức tạp về vi phạm trong quá trình sử dụng đất đai, sau khi Luật Đất đai năm 2024 chính thức có hiệu lực, Bộ TN&MT (cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng các văn bản, quy định liên quan đến đất đai) đã xây dựng xong dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và đang tổ chức lấy ý kiến góp ý, trước khi hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ban hành. Trong đó, nhiều nội dung mới liên quan đến chế tài xử lý hành vi và đối tượng vi phạm về sử dụng đất đai đã được đưa vào dự thảo.
Dự thảo Nghị định tiếp tục phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho các cấp quản lý (phân quyền đến cấp xã - PV) trong việc lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, kèm theo các chế tài: tịch thu giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung; giấy tờ giả đã sử dụng trong việc sử dụng đất; Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Cấp huyện được phép tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai có thời hạn...
Liên quan đến vấn đề này, theo thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Tâm - Trưởng phòng Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Sở Tư pháp Hà Nội), về cơ bản, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đã tương đối đầy đủ, nhưng quá trình tổ chức thi hành xử phạt vi phạm hành chính đã bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập. Vì vậy, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cần phải tập trung vào công tác thực thi pháp luật.
“Để làm được điều đó thì cần phải xây dựng và số hóa hệ thống thông tin dữ liệu đất đai tại các địa phương; nâng cao vị trí, vai trò của công tác quản lý Nhà nước nói chung và thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính nói riêng; bảo đảm điều kiện cần thiết cho công tác thi hành pháp luật, xử lý vi phạm hành chính (biên chế, kinh phí, cơ sở vật chất); xây dựng quy chế phối hợp trong quản lý Nhà nước, giữa UBND các cấp để bảo đảm việc xử lý kịp thời, nâng cao hiệu quả thi hành các quyết định xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời, cần phải đổi mới, tăng cường tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về đất đai, nhất là những chế tài xử lý vi phạm để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật của người dân, tổ chức...” - thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Tâm nhìn nhận.
Những sai phạm và hành vi vi phạm về đất đai đang diễn ra hết sức phức tạp, trong khi việc xử phạt vi phạm này hiện chưa tương xứng. Vì vậy, việc xây dựng và sớm ban hành Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai rất cần thiết; yêu cầu đặt ra là phải có các chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe đối với những hành vi vi phạm; thúc đẩy phân cấp, phân quyền, thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực của cơ quan, người có thẩm quyền trong quản lý đất đai.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy