Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cấp thiết việc bình ổn thị trường

Ánh Ngọc - Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc một số loại rau, củ, quả và thực phẩm bất ngờ tăng giá mấy ngày qua khiến dư luận không khỏi hoang mang, lo lắng trong bối cảnh toàn TP thực hiện giãn cách xã hội. Do đó, việc bảo đảm được nguồn cung lương thực, thực phẩm cho người dân Thủ đô với mức giá ổn định là vấn đề cấp thiết đòi hỏi các cấp ngành, địa phương, DN khẩn trương chung tay vào cuộc.

Khách chọn mua hàng tại siêu thị Vinmart ở quận Đống Đa. Ảnh: Phạm Hùng
Nhiều mặt hàng thực phẩm bất ngờ tăng giá
Những ngày gần đây, giá nhiều mặt hàng nông sản như rau, củ và trứng gia cầm ở một số chợ dân sinh trên địa bàn các quận nội thành như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng… có xu hướng tăng giá mạnh. Ghi nhận tại chợ Hôm (quận Hai Bà Trưng) ngày 11/8, giá trứng gà ta dao động trong khoảng 55.000 (tăng 15.000 đồng so với 5 ngày trước đó), rau muống từ 12.000 – 15.000 đồng/mớ, bắp cải 20.000 đồng/kg, bí xanh 30.000 đồng/kg...
Chị Nguyễn Thị Ngà (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: “Hầu hết các loại rau, củ quả đều tăng trung bình từ 5.000 – 7.000 đồng/kg so với vài ngày trước đó. Tôi đi chợ mua đồ ăn cho 2 ngày đã tốn gần 500.000 đồng, trong đó quá nửa tiền là mua rau xanh và trứng gà”. Tại chợ Thành Công (quận Ba Đình), chị Bùi Thị Lý, tiểu thương bán mặt hàng rau cho biết, so với cách đây 4 ngày, giá các loại rau xanh đều đồng loạt tăng từ 15 – 20%. Cụ thể: Bắp cải có giá 15.000 đồng/kg (tăng 5.000 đồng), bí xanh 50.000 đồng/kg (tăng 5.000 đồng), rau cải xanh 38.000 đồng/kg (tăng 8.000 đồng/kg). Sở dĩ giá bán tăng vì giá nhập buôn vào cũng tăng khá cao do các mối đổ hàng không nhiều và việc lưu thông, vận chuyển được các tỉnh, thành cũng như Hà Nội siết chặt.

Đại diện một siêu thị tại Hà Nội cho biết, mặc dù DN cố gắng kiểm soát tuy nhiên một số mặt hàng tươi sống giá vẫn tăng so với những ngày trước đó. Lý do bởi nguồn cung hạn chế, cước vận tải cùng chi phí của các DN liên quan tăng đã khiến giá đầu vào của nhiều mặt hàng là lương thực thực phẩm tăng. Còn theo lý giải một số tiểu thương, việc tăng giá các loại rau củ, đặc biệt là trứng là do các chợ đầu mối chuyên cung cấp nông sản như chợ đầu mối phía Nam (Đền Lừ - Hoàng Mai), chợ Long Biên, chợ Minh Khai (Bắc Từ Liêm) đang phải dừng hoạt động do liên quan các ca nhiễm Covid-19. Việc lương thực, thực phẩm tăng giá trong thời gian TP đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng. Đặc biệt khi thu nhập của nhiều người sụt giảm, buộc phải thắt chặt chi tiêu.

Nguồn cung dồi dào nhưng vận chuyển khó khăn

Thực tế hiện nay có một nghịch lý đang diễn ra, đó là giá nông sản tại nơi sản xuất không tăng, nguồn cung dồi dào, nhưng khi đến tay người tiêu dùng thì giá lại đội lên gấp nhiều lần. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, hiện nay tình hình sản xuất rau màu, cũng như chăn nuôi của TP đang duy trì ổn định. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành nông nghiệp Hà Nội đang phối hợp với cơ quan chức năng của TP và các địa phương điều chỉnh kế hoạch sản xuất, tiêu thụ nông sản để sẵn sàng ứng phó với các tình huống xấu. Trong đó, đặc biệt chú trọng tăng cường sản xuất những mặt hàng thiết yếu; mở rộng diện tích sản xuất rau trái vụ, rau vụ đông; tăng diện tích rau ngắn ngày để tăng sản lượng... nhằm bảo đảm cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân Thủ đô.

Với khả năng sản xuất nông nghiệp của Hà Nội, hiện tại, tùy loại mặt hàng có thể đáp ứng được từ 35% - 60% nhu cầu của người dân Thủ đô. Một lượng lớn nông sản vẫn phải nhập từ các tỉnh, TP và từ nước ngoài (gạo là 39,4%; thịt lợn 5,9%; thịt trâu, bò 80,7%; rau, củ, quả 34,9%...). Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cũng chia sẻ, mặc dù TP đã chủ động xây dựng kịch bản, duy trì, phát triển sản xuất và kết nối tiêu thụ sản phẩm, song do thực hiện giãn cách xã hội, việc vận chuyển nông sản hay vật tư, nguyên liệu sản xuất từ các địa phương về Hà Nội gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như tại huyện Đông Anh, Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Văn Thiềng cho biết, huyện có 800ha sản xuất rau an toàn; hơn 70.000 con lợn; 2,2 triệu con gia cầm và khoảng 120ha nuôi trồng thủy sản. Sản xuất duy trì ổn định nhưng các trang trại, hợp tác xã gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Còn anh Đào Quang Giới, hộ chăn nuôi vịt tại xã Liên Châu (huyện Thanh Oai) chia sẻ, TP đang thực hiện giãn cách xã hội, tiểu thương không về nhập trứng nên trang trại phải trông cậy vào sự hỗ trợ của các hội, đoàn thể trong huyện để tiêu thụ sản phẩm.

Linh hoạt ứng phó, sớm bình ổn thị trường

Cùng với việc rà soát lại năng lực sản xuất của từng địa phương đối với việc cung ứng lương thực, thực phẩm cho khu vực nội đô, Hà Nội đang xây dựng kịch bản tập kết nông sản vào các kho lạnh và chuẩn bị danh mục những điểm tập kết, bố trí hàng trung chuyển ở ven khu vực nội đô để ứng phó với các tình huống xấu nếu dịch Covid-19 lan rộng, thời gian giãn cách xã hội kéo dài. Để gỡ khó khâu tiêu thụ, lưu thông nông sản, Sở NN&PTNT đã đề nghị UBND TP Hà Nội xem xét, đề xuất Bộ NN&PTNT cho TP sử dụng Trung tâm Xúc tiến thương mại tại quận Cầu Giấy làm nơi tập kết trung chuyển hàng hóa từ các tỉnh, TP về để giảm tải cho chợ đầu mối bị phong tỏa; đồng thời phối hợp với Sở Công Thương và các địa phương đề xuất 5 vị trí trung chuyển hàng hóa từ các tỉnh, TP và các huyện vào khu vực nội đô. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ NN&PTNT sẽ rà soát hoạt động sản xuất của 21 tỉnh, TP trong Ban Điều phối chuỗi cung cấp rau thịt an toàn cho Hà Nội để có chỉ đạo trong kết nối tiêu thụ sản phẩm, tạo vành đai và chân đế ổn định trong cung ứng nông sản cho Thủ đô.

Với sự chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất của ngành nông nghiệp, cùng sự linh hoạt triển khai đồng bộ các giải pháp để tháo gỡ vướng mắc trong khâu lưu thông, phân phối, các ngành liên quan đã và đang nỗ lực để trong thời gian tới mặt hàng nông sản, thực phẩm đến tay người tiêu dùng sẽ được bình ổn giá.

Hiện tại, nhiều địa phương đã xây dựng các phương án, kịch bản, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Sở NN&PTNT sẵn sàng tiếp nhận bất cứ thông tin nào liên quan đến khó khăn, vướng mắc trong việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và sẽ phối hợp với Sở Công Thương, UBND các quận, huyện hỗ trợ, tháo gỡ trong thời gian ngắn nhất.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ
Để bảo đảm nguồn rau xanh cung ứng cho các quận nội thành, bên cạnh việc khai thác nguồn hàng từ các địa phương, Sở Công Thương Hà Nội đang phối hợp với Sở NN&PTNT và các huyện chỉ đạo, hướng dẫn bà con nông dân mở rộng diện tích sản xuất rau trái vụ, rau vụ đông sớm cho vụ thu hoạch trong quý IV/2021. Trong đó mở rộng diện tích sản xuất rau trái vụ, rau vụ đông với diện tích 500 - 600ha tại các huyện có đất vùng bãi, diện tích chuyên canh rau như Phúc Thọ, Đan Phượng, Chương Mỹ, Mê Linh, Phú Xuyên, Thường Tín… Hướng dẫn mở rộng diện tích sản xuất rau ngắn ngày, rau trái vụ, rau vụ đông sớm khoảng 2.000ha ở các huyện: Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, Phúc Thọ… (Lê Nam ghi)