Trước đó, ngày 1/4, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng người di chuyển khó, sinh hoạt hằng ngày bị cản trở bởi khối u lớn ở vùng nhạy cảm đùi bên phải, có kích thước to gần bằng trái bưởi nhỏ. Khai thác tiền sử bệnh nhân bị khối u này từ năm 18 tuổi. Vị trí khối u này ở vùng nhạy cảm là ở 1/3 trên đùi phải, gần vùng bẹn, nên bệnh nhân ngại, không đi khám.
Tuy nhiên, hằng năm khối u này lớn dần lên theo thời gian. Sau hơn 40 năm, khối u này có kích thước bất thường, bệnh nhân mặc quần áo, khối u này lồi hẳn một cục to bên vùng bẹn, rất bất tiện cho cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Vì thế, bệnh nhân quyết định đến Khoa Ngoại chấn thương, Bệnh viện E để phẫu thuật cắt bỏ.
Kết quả siêu âm của bệnh nhân cho thấy, khối u có tăng âm không đều, kích thước 9,4cm x 5,0cm x 9,9cm, tăng sinh mạnh. Xét nghiệm chọc hút tim nhỏ cho thấy hình ảnh hướng tới là u xơ mỡ. Các bác sĩ quyết định phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn khối u.
Theo bác sĩ Kiều Quốc Hiền - Trưởng khoa Ngoại chấn thương, Bệnh viện E, đây có thể là một khối u mỡ, gồm một màng mỏng, bao bọc một khối tế bào mỡ, có mạch máu nuôi. U mỡ thường xuất hiện ban đầu dưới dạng một cục bướu mềm, tròn và không gây đau đớn dưới da. Hầu hết các khối u có thể hơi nhão hoặc như cao su, và có thể mềm hoặc cứng. Chúng có thể bị dịch chuyển sang những khu vực xung quanh dễ dàng. Các khối u có thể gây đau đớn nếu chúng đè lên dây thần kinh hoặc nếu chúng có nhiều mạch máu bên trong. U mỡ thường đa dạng về kích cỡ nhưng hiếm khi lớn hơn 8cm...
Nguyên nhân xuất hiện của u mỡ là do rối loạn chuyển hóa mỡ trong cơ thể. Để đánh giá rối loạn này, cần làm những xét nghiệm về chuyển hóa nhưng khó chữa, và không phải cứ kiêng ăn mỡ là sẽ hết u mỡ.
Khối u mỡ có thể không nguy hiểm, nhưng làm giảm thẩm mỹ. Đôi khi u mỡ lớn quá, gây chèn ép thần kinh thì có thể có cảm giác đau nhẹ. Các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật cắt bỏ chúng nếu nhận thấy khối u phát triển. U mỡ thường không tái phát sau khi phẫu thuật. Chúng có thể được loại bỏ bằng cách hút mỡ nhưng cách này thường không loại bỏ được toàn bộ u mỡ. U mỡ có thể không nguy hiểm nhưng bác sĩ cần phải đảm bảo rằng chỗ u không phải là một dạng u nang, áp xe hoặc ung thư mô mỡ. Ung thư mô mỡ phát triển nhanh, không dễ dịch chuyển dưới da và có thể gây đau đớn.
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp người bệnh hạn chế diễn tiến của u mỡ như kiểm tra bất kỳ chỗ u nào xuất hiện trên cơ thể, đặc biệt khi có các dấu hiệu như đỏ hoặc sưng và ấm ở vùng phẫu thuật u mỡ. Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe của người bệnh. Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc trong đơn được kê để dùng các thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, tác dụng...