Cắt giảm điều kiện kinh doanh, cởi trói cho Doanh nghiệp: “Sức nóng” ngay từ đầu năm

TS Hoàng Xuân Nghĩa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không bằng lòng với những kết quả đạt được, năm 2018 Chính phủ khẳng định sẽ tiếp tục hành động quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa. Và cộng đồng DN, người dân vẫn trông đợi sức nóng của “ngọn lửa” cải cách tiếp tục lan tỏa

 Doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Sở KH&ĐT Hà Nội. 
Giảm gánh nặng chi phí
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, các bộ, ngành đã trình Chính phủ xem xét ban hành 16 Nghị quyết phê duyệt phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi quản lý nhà nước của các bộ: Quốc phòng, Công an, NN&PTNT, Tài chính, Xây dựng, Công Thương, KH&CN...
Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành liên tiếp 4 Nghị quyết yêu cầu các bộ rà soát, loại bỏ các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, hạn chế cạnh tranh lành mạnh và gây cản trở đến hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, DN. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương vào cuộc, rà soát, đề xuất cắt giảm và đơn giản hóa nhiều TTHC, nhất là việc bãi bỏ các thành phần hồ sơ không phù hợp, loại bỏ nhiều điều kiện kinh doanh, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC.

Đơn cử như Nghị định 15/2018/NĐ-CP Chính phủ vừa ban hành, sẽ giảm 90% sản phẩm hàng hóa phải công bố về ATTP và sẽ thực hiện giao cho DN tự công bố. Số ngày công thực hiện kiểm tra ATTP của DN sẽ giảm 2,8 triệu ngày, tương đương giá trị 2.500 tỷ đồng.

Một vấn đề DN kêu nhiều nhất là hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Chi phí kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu còn lớn, với tỷ lệ lô hàng kiểm tra chuyên ngành lên tới 30%. Ngay trong đầu năm 2018, cũng được Chính phủ yêu cầu cải cách toàn diện. Đó là thực hiện giảm tỷ lệ hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành xuống dưới 15%; rà soát, loại bỏ 50% số mặt hàng thuộc danh mục phải kiểm tra chuyên ngành thuộc bộ, ngành mình quản lý. Đồng thời đặt ra, ngay trong năm 2018, xây dựng và triển khai hệ thống công nghệ thông tin phục vụ Cơ chế một cửa quốc gia chính thức kết nối cơ chế một cửa ASEAN…

Cần cơ chế đối thoại thường xuyên

Nghị quyết 01 của Chính phủ năm 2018 đặt ra yêu cầu cải thiện căn bản, tạo chuyển biến mạnh mẽ các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, cắt giảm, đơn giản hóa 50% các điều kiện kinh doanh hiện hành. Tới thời điểm này, mục tiêu rõ nhất là yêu cầu cắt giảm từ 1/3 - 1/2 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của các bộ, ngành trong quý III/2018; giảm ít nhất 50% các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành trong quý IV/2018...

Đây cũng là những phần việc đã có trong các Nghị quyết của năm 2017, sẽ tiếp tục phải làm. Trong khi đó, nhìn vào những phần chưa làm được trong các kế hoạch đưa môi trường kinh doanh Việt Nam vào top 4 ASEAN trong Bảng xếp hạng Doing Business của WB, thì khoảng cách vẫn còn khá xa. Nhìn lại năm 2017, có thể nói, chưa năm nào cải cách TTHC được đẩy mạnh đến vậy.
Từ các bộ, ngành, địa phương… nhưng còn ở mức thấp so với kỳ vọng của xã hội và cộng đồng DN. Sự tham gia cải cách môi trường kinh doanh thời gian qua của các bộ, ngành và địa phương rất khác nhau, có nơi thực hiện tích cực, có những nơi chỉ đối phó. Chính phủ rất quyết tâm nhưng cái chính vẫn là con người, nhất là các cán bộ cấp cơ sở. Vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, mọc thêm giấy phép con…

Bản tiếp theo của Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng đang được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ KH&ĐT tiếp tục soạn thảo. Kinh nghiệm của 4 phiên bản Nghị quyết 19 trước đó, từ năm 2014 đến 2017, sự thành công của từng nghị quyết nói riêng và sự thăng hạng của môi trường kinh doanh Việt Nam, năng lực cạnh tranh Việt Nam nói chung chỉ đạt được khi các tiêu chí cải cách được lượng hóa, các yêu cầu sửa đổi, cắt giảm thủ tục, điều kiện được gọi tên cụ thể, kèm theo đó là cơ chế giám sát chặt chẽ, kỷ luật hành chính nghiêm khắc.

Trong báo cáo thực hiện Nghị quyết 19/2017 của Bộ KH&ĐT, nhiều cái tên cũng đã được nhắc tới trong phần chưa đạt kế hoạch. Chính vì vậy, môi trường kinh doanh Việt Nam đang cần thêm áp lực, kỷ luật hành chính và mục tiêu rõ ràng từ phiên bản của Nghị quyết tiếp theo.

Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh CIEM Phan Minh Thảo cho biết:

Ngân hàng Thế giới đánh giá môi trường kinh doanh theo 10 chỉ số. Việt Nam có 2 chỉ số liên quan tới tư pháp, là giải quyết tranh chấp hợp đồng và phá sản DN đang ở vị trí rất thấp. Quản lý chuyên ngành, thời gian thông quan quá dài là thách thức cho mục tiêu đạt mức trung bình ASEAN 4 và cam kết của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký.

Nhiều chỉ số trong nhiều năm chưa có cải cách hoặc có cải cách nhưng chậm và cách xa so với các nước trong khu vực như hiệu quả thị trường hàng hóa, chất lượng cơ sở hạ tầng, giáo dục. Tôi nghĩ, cơ chế đối thoại thường xuyên sẽ là giải pháp hiệu quả để thực hiện Nghị quyết 01/2018 và sắp tới là Nghị quyết 19/2018. Cách này sẽ giúp lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương nắm được vấn đề tốt hơn, trên cơ sở đó đưa ra những chính sách phù hợp, sát với tình hình của DN.

(Nguyên Anh) 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần