Cắt một số quyền lợi của cán bộ nghỉ hưu bị kỷ luật

Như Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 24/10, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức trong Phiên họp toàn thể ở hội trường, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung cụ thể của Luật Viên chức.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, về thực hiện chế độ hợp đồng có thời hạn đối với viên chức được tuyển dụng mới, tại kỳ họp thứ 7, Chính phủ trình Quốc hội hai phương án:
Phương án 1: Tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi Luật này có hiệu lực sẽ thực hiện ký kết hợp đồng làm việc xác định thời hạn, không ký hợp đồng không xác định thời hạn (kể cả đối với trường hợp sau khi kết thúc hợp đồng xác định thời hạn lần 2), trừ viên chức được tuyển dụng mới vào đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Chính phủ ưu tiên lựa chọn phương án này.
 Toàn cảnh Phiên họp
Phương án 2: Viên chức được tuyển dụng mới sau khi ký kết hợp đồng xác định thời hạn (tối đa 2 lần) sẽ ký hợp đồng không xác định thời hạn, trừ trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì khi tuyển dụng mới viên chức được ký ngay hợp đồng không xác định thời hạn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, đối với viên chức được tuyển dụng trước ngày Luật có hiệu lực thi hành, khi Luật có hiệu lực đối với cả hai phương án sẽ cơ bản không có thay đổi về chế độ, chính sách so với hiện hành.
Cụ thể: Đối với viên chức đã ký hợp đồng không xác định thời hạn thì tiếp tục thực hiện hợp đồng không xác định thời hạn; trường hợp đã ký hợp đồng xác định thời hạn thì sẽ được ký hợp đồng không xác định thời hạn theo đúng quy định của Bộ luật Lao động.
Đối với viên chức được tuyển dụng mới sau ngày Luật có hiệu lực thì mỗi phương án có những ưu điểm, hạn chế riêng.
Tuy nhiên, để tạo động lực làm việc cho đội ngũ viên chức, “tiến tới bỏ chế độ biên chế suốt đời” và thực hiện yêu cầu của nghị quyết Trung ương , kết luận của cơ quan có thẩm quyền, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho lựa chọn Phương án 1 và thể hiện như trong dự thảo Luật.
 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật báo cáo một số nội dung
Về việc hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ rõ, với quy định về chế độ thôi việc như trong Điều 45 của Luật Viên chức hiện hành thì trong quá trình thực hiện đã phát sinh bất hợp lý trong việc giải quyết chế độ thôi việc trong trường hợp viên chức được điều chuyển từ đơn vị sự nghiệp công lập này sang đơn vị sự nghiệp công lập khác trên cùng một địa bàn hoặc luân chuyển từ địa phương này sang địa phương khác theo kế hoạch hoặc từ trung ương về địa phương và ngược lại.
Về bản chất, trong những trường hợp này viên chức vẫn đang tiếp tục thực hiện công việc, chỉ chuyển từ chỗ này sang chỗ khác nhưng vẫn được chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là không phù hợp và còn dẫn đến trường hợp “lách” chính sách khi viên chức chuẩn bị đến tuổi nghỉ hưu sẽ xin thôi việc để được hưởng chính sách thôi việc. Do đó, dự thảo Luật đã được chỉnh lý để giải quyết những bất cập này.
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, khoản 5 Điều 2 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 45 của Luật Viên chức đã quy định rõ viên chức được hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm hoặc chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Hiện nay Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản quy định chi tiết đã có quy định cụ thể về vấn đề này (bao gồm cả cơ quan có trách nhiệm chi trả, thủ tục, mức chi trả). Do đó, không bổ sung quy định này vào Luật để tránh trùng lặp và cũng là bảo đảm phù hợp với phạm vi điều chỉnh của từng luật.
Về chuyển đổi giữa viên chức và cán bộ, công chức, bảo đảm tính đồng bộ giữa các quy định trong nội tại của Luật, thể hiện rõ chế độ, chính sách chuyển đổi giữa viên chức và cán bộ, công chức, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội bổ sung khoản 8 vào Điều 2 của dự thảo Luật (sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 58 của Luật Cán bộ, công chức hiện hành) theo hướng: việc tuyển dụng viên chức vào làm công chức phải thực hiện theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức; cán bộ, công chức được chuyển sang làm viên chức tại đơn vị sự nghiệp công lập khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của Luật; quá trình cống hiến, thời gian công tác của viên chức trước khi chuyển sang làm cán bộ, công chức và ngược lại được xem xét khi thực hiện các nội dung liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng và các quyền lợi khác.

Về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành bổ sung quy định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu nhưng đề nghị quy định rõ trong Luật hình thức kỷ luật phải đi kèm theo hệ quả pháp lý nhất định về vật chất, tinh thần mà người bị xử lý kỷ luật phải chịu.

Một số ý kiến đề nghị trong Luật chỉ quy định nguyên tắc và giao Chính phủ quy định cụ thể cả về hình thức kỷ luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu là một chủ trương lớn cần phải nghiên cứu thận trọng, có quy định hợp lý bảo đảm tính khả thi và thống nhất trong quá trình thực hiện.

Ông Nguyễn Khắc Định cho biết: “Do đó, xin được quy định trong Luật nguyên tắc chung trong xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu; quy định cụ thể về hình thức xử lý kỷ luật (khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm) và giao Chính phủ quy định cụ thể trình tự, thủ tục, hệ quả của hình thức xử lý kỷ luật bảo đảm tính khả thi, linh hoạt trong quá trình triển khai thực hiện."

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, trong dự thảo Luật cũng đã bổ sung nguyên tắc gắn hình thức xử lý kỷ luật với hệ quả pháp lý tương ứng để làm cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết. Theo đó đối với từng hình thức xử lý kỷ luật “cảnh cáo”, “khiển trách”, “xóa tư cách chức vụ” thì cán bộ, công chức còn phải chịu hệ quả kèm theo, như cắt một số quyền lợi về vật chất mà người đó được hưởng.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết thêm, có ý kiến cho rằng cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu không còn là cán bộ, công chức nên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này. Có ý kiến đề nghị tách quy định về nội dung này thành một điều riêng bảo đảm việc áp dụng các hình thức kỷ luật được minh bạch và thống nhất.

Về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu rõ, để làm rõ việc áp dụng quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu nhưng có hành vi vi phạm trong thời gian công tác trước thời điểm Luật có hiệu lực, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, phù hợp với thực tiễn và tương thích với quy định về xử lý kỷ luật đảng viên, trong dự thảo Luật đã bổ sung Điều 3 về điều khoản chuyển tiếp trong đó quy định: việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thực hiện theo quy định của Luật này.

Về hình thức kỷ luật cán bộ, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị giữ hình thức kỷ luật “giáng chức” như quy định hiện hành. Một số ý kiến tán thành bỏ hình thức kỷ luật “giáng chức”.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, đây là quy định của Luật hiện hành đã được áp dụng khi xử lý kỷ luật công chức trong thời gian qua. Việc quy định này vừa có tính răn đe vừa phù hợp với tính chất và mức độ vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức.

Thực tế cho thấy có trường hợp vi phạm pháp luật, công chức đã bị giáng chức từ giám đốc xuống phó giám đốc, từ trưởng phòng xuống phó trưởng phòng hoặc trong lực lượng vũ trang, việc kỷ luật hạ cấp bậc quân hàm đối với người đang có chức vụ đều có gắn với giáng chức hoặc cách chức.

Trong thời gian tới khi thực hiện chế độ tiền lương mới gắn với việc thực hiện trả lương theo vị trí việc làm, thì việc áp dụng hình thức kỷ luật giáng chức (có thể bị giáng chức xuống một hoặc nhiều bậc theo đó bị hạ lương) càng mang tính răn đe cao. Do đó xin được giữ quy định về hình thức kỷ luật “giáng chức” trong Luật như đa số ý kiến đại biểu Quốc hội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần