Cát tặc lộng hành “hút tủy” sông Vàm Cỏ Đông

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn chục năm qua, những người dân sống dọc ven bờ sông Vàm Cỏ Đông, đoạn chảy qua xã Lộc Giang (Đức Hòa, Long An) và xã Phước Chỉ (Trảng Bàng, Tây Ninh) bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì nạn khai thác cát trái phép khiến đất đai, ruộng vườn, nhà cửa của họ bị sạt lở, sụt lún.

Cát tặc ưa… “ăn đêm”

Được sự hướng dẫn, hỗ trợ của một số hộ dân tại ấp Lộc Chánh, xã Lộc Giang, với một chiếc ghe nhỏ chạy bằng máy và đồ câu cá, chúng tôi trong vai những người đi thả câu trên sông, để khảo sát dọc sông Vàm Cỏ Đông.

Ghe chạy chừng 10 phút đến vị trí mà theo anh T (ngụ tại ấp Lộc Chánh), người điều khiển ghe cho biết: Đây là địa điểm hoạt động hút cát của vợ chồng Hài - Lệ, với gần 3km dọc hai ven bờ sông, từ Rạch Cây Liễu đến rạch Bà Quang rồi về Cù Lao. Tại vị trí Cù Lao chỉ cách bến đò Lộc Giang khoảng chừng 500-600m.
Hoạt động hút cát của chiếc ghe mang số hiệu Bến Tre.
Hoạt động hút cát của chiếc ghe mang số hiệu Bến Tre.
Đến gần tối, sự bình yên của sóng nước  bị phá tan bởi tiếng máy nổ chát chúa vang lên. Anh T nói, đó là ghe máy hút cát của gia đình nhà ông Hài - Lệ, bắt đầu khởi động công việc hút cát của một ngày. Chiếc ghe lớn chạy qua làm chiếc ghe của chúng tôi chao đảo, tưởng chừng bị lật úp xuống lòng sông.

Đi theo ghe của gia đình Hài - Lệ đến vị trí hút cát, chúng tôi thấy có hai ghe máy trọng tải lớn. Ghe đầu mang biển hiệu: TN (Tây Ninh) - 0214 trọng tải khoảng 70 tấn, thường hút cát dọc bờ sông bên địa phận Long An. Ghe thứ hai mang biển hiệu: BT (Bến Tre) - 4910 trọng tải khoảng 40 tấn, hút cát dọc bờ sông bên địa phận Tây Ninh. Theo điều tra, thì cả hai ghe này đều không có giấy kiểm định cũng như giấy phép hoạt động. Trên mỗi ghe hút cát được trang bị một ống hút màu xanh, có đường kính 12cm.

Một vốn, bốn lời
Chủ ghe khai thác cát lậu là gia đình ông Nguyễn Văn Hài và bà Nguyễn Thị Bích Lệ cùng 4 người con trai đều ngụ ở ấp Lộc Chánh, xã Lộc Giang, (Đức Hòa, Long An). Sau khi hút đầy cát, những chiếc ghe này sẽ chở cát tập kết về bãi của vợ chồng ông Vũ, bà Mỹ bán sỉ với giá 90 nghìn đồng/m3.

Theo chị Ng.H.T chủ một cửa hàng bán vật liệu xây dựng ở xã Lộc Giang, mỗi đêm gia đình ông Hải - Lệ khai thác hút cát được không dưới 5 ghe loại 70 tấn và khoảng chục ghe loại 40 tấn. Với giá bán buôn là 90.000 đồng/m3 cát, bình quân mỗi ngày thu được trên 40 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí bỏ ra khoảng vài chục lít dầu và chưa đến 1 triệu đồng tiền thuê nhân công.

Bà Tr.T.K.T, một hộ dân có đất ruộng cập sông Vàm Cỏ Đông bức xúc: Việc khai thác cát trái phép ở nơi đây diễn ra hơn chục năm nay, ảnh hưởng nghiêm trọng  đến môi trường, cũng như gây hậu quả sạt lở đất đai, ruộng vườn của rất nhiều hộ gia đình tại ấp Lộc Chánh (bờ bên Long An) cũng như áp Phước Trung (bờ bên Tây Ninh). Nhiều năm qua, chúng tôi đã liên tục gửi đơn, kêu cứu lên các cơ quan chức năng để xử lý, nhưng vẫn chưa có hồi âm giải quyết triệt để.
Đi dọc hơn 300m bờ ruộng cập sông Vàm Cỏ Đông, bà T giới thiệu đó là mảnh ruộng của gia đình mình. Chỉ tay ra phía sông cách chân chúng tôi đứng khoảng 7-8m, có điểm cách xa cả chục mét ra phía sông, bà cho biết trước đây phần mép bờ ruộng của gia đình bà ở ngoài đó. “Tôi thuê người lặn xuống sông kiểm tra, hiện nay ở vị trí mà cát tặc hút đã tạo thành hàm ếch ăn sâu vào đất ruộng, gây sạt lở dài hai bên bờ sông. Các nhà dân sinh sống ở gần đây có nguy cơ bị đổ ụp xuống sông bất cứ lúc nào - Bà T cho biết.
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, cuối tháng 2/2014 vừa qua, UBND tỉnh đã phải sử dụng 243 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia để đầu tư xây dựng công trình bờ kè dài 3km khắc phục hậu quả sạt lở tại kênh Thủ Thừa (đoạn nối giữa sông Vàm Cỏ Đông và sông Vàm Cỏ Tây) để bảo vệ cuộc sống của người dân nơi đây.
Trong khi đó, hậu quả sạt lở bờ sông do hoạt động khai thác cát trái phép tại sông Vàm Cỏ Đông khúc chảy qua xã Lộc Giang (Đức Hòa, Long An) và bên kia bờ là xã Phước Chỉ (Trảng Bàng, Tây Ninh) ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của những hộ nông dân nơi đây gần cả chục năm nay. Không rõ các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương có quan tâm và giải quyết triệt để hoạt động hút cát trái phép này?
Khu bãi tập kết cát khai thác trái phép.
Khu bãi tập kết cát khai thác trái phép.
Dân tố cáo là bị… xử
Tại vị trí dọc đoạn sông bị hút cát, bờ sông sụt lở ăn sâu vào ruộng đồng. Có nơi bị sạt lở cả chục mét. “Lúc trước cập bờ sông là bãi bồi, nhưng bây giờ đã thành vực nước sâu, người dân không ai dám xuống tắm. Những người giăng lưới câu cũng không thể cắm cây sào xuống được” - anh T, tay cắm chiếc sào dài gần 6m chống xuống bị hụt bức xúc.
Bà Tr.T.K.T ấm ức: “Hoạt động khai thác cát bừa bãi dưới lòng sông của vợ chồng Hài - Lệ đã gây thiệt hại cho gia đình tôi rất nhiều. Bờ ruộng dài hơn 300m liên tục bị sụt lở. Bà T cho biết đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng từ năm 2008 nhưng đến nay vẫn chưa thấy xử lý nạn hút cát ở đây. Việc hút cát ở đây hàng đêm vẫn ngang nhiên diễn ra. Không những thế gia đình tôi còn bị giang hồ đến dọa… vì việc gửi đơn đến cơ quan chức năng”.
Anh P.V.M (ấp Phước Trung, Phước Chỉ, Trảng Bàng, Tây Ninh) từng bị đánh chấn thương đầu, nằm viện mất một tuần chỉ vì việc trình báo công an. Anh than thở: “Đêm nào bọn chúng cũng đậu ghe trước cửa nhà tôi để hút cát, đất đai nhà tôi bị sạt lở liên tục. Và cứ hễ ra nhắc nhở là chúng dọa…”.
Các hộ nông dân sống hai bờ sông đang cầu mong các cơ quan chức năng sớm hành động quyết liệt, xử lý triệt để đối với bọn “cát tặc” đang “làm mưa làm gió” ở nơi đây, để cuộc sống sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của người dân được yên ổn.

(Còn nữa)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần