Đúng như những người làm nghề nói, những chiếc đèn cổ này không những góp phần xác lập một hệ thống tiêu chí chuẩn để phân loại, giám định cổ vật mà còn giúp soi sáng nhiều vấn đề lịch sử, văn hóa, xã hội khác.
Những câu chuyện văn hóa
50 chiếc đèn trong gian trưng bày lần này có niên đại cách ngày nay khoảng 2.500 năm đến đầu thế kỷ XX. Kỹ lưỡng ngắm nhìn những cây đèn cổ trong sự sắp đặt của người làm bảo tàng sẽ thấy, ngoài giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật cao với nhiều tính năng sử dụng, chúng còn kể những câu chuyện về đời sống, văn hóa, kỹ thuật chế tác của người xưa.
Đèn thuộc văn hóa thời sơ sử (có niên đại từ khoảng thế kỷ V TCN đến thế kỷ 4 SCN) là sưu tập đèn sớm nhất Việt
Riêng đèn thuộc thời phong kiến Đại Việt (thế kỷ XI đến đầu thế kỷ XX) cho thấy sự phát triển cao cả về kỹ thuật chế tác lẫn nghệ thuật trang trí, bằng các chất liệu như gốm, đồng, sắt, gỗ… Đặc biệt, từ cuối thời Trần về sau, nhiều loại chân đèn có kích thước lớn, phong phú về kiểu dáng, đa dạng về hoa văn trang trí, được chế tác qua nhiều công đoạn và bằng những kỹ thuật phức tạp, tỉ mỉ, vượt qua giá trị của một vật dụng thông thường trở thành các tác phẩm nghệ thuật. Đáng chú ý, nhiều chân đèn được đặt làm riêng để cung tiến vào các đình, chùa, quán… có ghi, khắc minh văn chữ Hán Nôm cho biết về niên đại, nghệ nhân, địa điểm chế tác, người đặt làm và nơi sử dụng.
Và Bảo vật quốc gia
Đặc biệt nhất trong trưng bày lần này là cây đèn đồng hình người quỳ thời Đông Sơn - một trong 11 Bảo vật quốc gia của Bảo tàng được Thủ tướng Chính phủ công nhận đợt đầu tiên (ngày 1/10/2012). Cây đèn được các nhà khảo cổ tìm thấy khi khai quật ngôi mộ cổ, cách đây hơn 2.000 năm an táng một vị già làng tại khu mộ ở Lạch Trường (Thanh Hóa), bên bờ biển Đông. Đã có nhiều nghiên cứu, nhiều lời lý giải, nhưng cây đèn hình người quỳ vẫn mang ánh hào quang của bí ẩn, khó hiểu như nụ cười của người đàn ông trên thân đèn. Gần đây nhất, TS Phạm Quốc Quân đưa ra một lý giải dựa trên thực tế của quá trình nghiên cứu bộ sưu tập hơn 20 cây đèn cùng niên đại với cây đèn hình người quỳ. Ông chỉ ra rằng, từng chi tiết trên cây đèn Lạch Trường này, không hề Tây, không hề Hán. Đây là sản phẩm của Đông Sơn. Có thể bắt đầu từ quan điểm tôn giáo thần bí phương Đông, nên ánh sáng đóng vai trò cơ bản. Ánh sáng phát ra từ cây đèn này mang lại cho con người sự tôn kính. Cũng có thể coi đây là một phần của sự luân hồi trong tạo hóa: Cây đèn là sự chỉ đường dẫn lối cho người chết khi về thế giới bên kia…
Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Quốc gia cho biết, thông qua trưng bày này, Bảo tàng muốn mang đến cho công chúng cái nhìn khái quát và hệ thống về cây đèn Việt Nam qua các thời kỳ; cung cấp nhiều khía cạnh khác nhau trong đời sống xã hội, tâm linh của người Việt cùng những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật ẩn chứa trong sưu tập. Từ đó góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống văn hóa Việt