Bắt đầu từ trang mạng, câu chuyện lan đi cả cộng đồng, nhưng không một lời trách móc mà hết thảy là những ân cần. Như ai đó gọi tên và cũng như thể lời động viên “người trong cuộc”: Ấy là câu chuyện “định mệnh”!
Chỉ nghe những lời cô con gái động viên người mẹ trong những ngày dài ngóng đợi thông tin tìm đứa con đẻ thất lạc là đủ hiểu ngọn nguồn câu chuyện: “Mẹ yêu con thế này, mẹ đã ban cho con những tình cảm thế này, thì ông trời sẽ không phụ lòng mẹ. Con gái ruột của mẹ cũng sẽ được người ta yêu thương, chăm bẵm như mẹ đã thương con”. Thế thôi cũng đủ để “giải mã” vì sao người mẹ và người bố ấy biết chắc mười mươi không phải con gái mình sinh ra, mà vẫn giấu kín suốt hơn bốn chục năm ròng để thương yêu và dạy dỗ cô nên người. Thế thôi cũng đủ hiểu vì sao cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay, người bố vẫn một mực dặn người mẹ giữ kín chuyện để con không tổn thương. Thế thôi cũng đủ “giải mã” vì sao người mẹ “đứng ngồi không yên” giữa cuộc sống đề huề con cháu để một mình lặng lẽ đi xét nghiệm AND, rồi chọn ngày sinh nhật con để ôm con mà nói sự thật…
Những thông tin “tung” lên mạng xã hội, lá đơn gửi đến Nhà hộ sinh 12 Lê Trực, Trung tâm y tế quận Ba Đình, Sở Y tế Hà Nội… chỉ duy nhất một mục đích xuất phát từ trái tim người mẹ: Tìm lại đứa con thất lạc. Cứ đặt mình vào vị trí của một người mẹ, sẽ hiểu phần nào niềm khoắc khoải của một người phụ nữ đẻ con ra mà suốt mấy chục năm không biết con mình khôn lớn, trưởng thành, cuộc sống ra sao. Và chắc chắn càng “yêu con người ta” bao nhiêu, bà càng đau đáu nhớ thương, lo lắng cho số phận con mình bấy nhiêu. Thế nên, thông tin bung ra, ân cần nhận lại. Mạng xã hội đáp trả những thông tin, dù ít dù nhiều; truyền thông cũng vào cuộc rôm rả. Ngay cả Trung tâm y tế quận Ba Đình, dù chưa mang lại cho người mẹ tìm con này niềm hy vọng, song cũng đã hồi âm bằng những gì thiện chí nhất: “Sau khi nhận được phản ánh, chúng tôi đã chỉ đạo Nhà hộ sinh, phòng Kế hoạch - nghiệp vụ và các khoa phòng chức năng của Trung tâm lục tìm lại toàn bộ hồ sơ lưu tại đơn vị, tìm và trao đổi với những cán bộ lâu năm công tác tại nhà hộ sinh giai đoạn 1974 - 1975. Tuy nhiên, do nhà hộ sinh đã chuyển sang địa điểm mới, và thời gian quá lâu nên không thể tìm lại bất cứ thông tin nào liên quan đến trường hợp đó”… Chẳng ai trách cứ được niềm yêu thương và sự ân cần!
Đã có người lật giở hồ sơ tháng năm để tìm lại những vụ nhầm con tương tự từng xảy ra trong quá khứ. Không ít và cũng lắm lý do, nhất là ở quãng thời gian đất nước chưa thống nhất, Bắc – Nam còn chia cắt. Thì cứ nghe những người đã kinh qua giai đoạn ấy kể chuyện “vượt cạn” sẽ hiểu những gian nan, thiếu thốn và điều kiện sống khi ấy, để mà cảm thông hơn với những nhầm lẫn của quá khứ. Thế nên, ai đó có giở luật ra để “tìm thủ phạm” và “kết tội” trong rối rắm giận dỗi nhất thời, yêu thương, lo lắng… của người trong cuộc, thì cũng thật vô nghĩa và chẳng để làm gì. Bởi mục đích cuối cùng của người mẹ không nằm ở đó… Như bà vẫn nói trong nước mắt những ngày qua: “Chỉ mong trước lúc nhắm mắt, tôi được nhìn thấy con tôi một lần!”.
Ấy đích thị là câu chuyện của định mệnh. Định mệnh đã sắp đặt cho cô con gái tuổi Dần ấy có hai người bố và hai người mẹ. Định mệnh đã sắp đặt cho cô một “gia đình nuôi” đầy tình yêu thương và những người anh chị em nuôi mà cho đến khi đã yên bề gia thất vẫn ở những ngôi nhà gần nhau để gắn bó với nhau. Và định mệnh đã sắp đặt để gia đình có 5 người con ở phố Quán Thánh ấy có thêm một cô con gái nuôi yêu bố mẹ và anh chị em nuôi không khác gì ruột thịt. Thế nên, sự thật có tỏ bày, thì cũng chỉ là để hàn gắn chia ly, để những người ruột thịt tìm thấy nhau. Còn con vẫn là con mẹ, vẫn là em của các anh chị, vẫn là “khúc ruột” của gia đình như… chưa hề có cuộc chia ly. Để rồi sau những phút tủi thân, cô con gái nuôi lại vỗ về mẹ: “Mẹ cố gắng ngủ thêm chút nữa đi, đợi vài ngày nữa sẽ có tin vui với gia đình mình!”.
Vợ chồng chị Trang (hai bên bìa ảnh) và chị cả Tạ Thị Thu Vân.
|
Trong một diễn biến có liên quan đến câu chuyện này, thông tin từ phía gia đình cho biết cơ quan công an hứa sẽ tìm những người sinh vào các ngày từ 8 - 10/10/1974 có đăng ký hộ khẩu tại quận Ba Đình, sau đó sẽ lọc những người có khả năng nhất. Đến ngày 11/3, sau khi tiến hành sàng lọc tàng thư của Công an Hà Nội, Công an quận Ba Đình đã có trong tay danh sách 600 người phụ nữ sinh cùng ngày 10/10/1974. Lãnh đạo Trung tâm y tế quận Ba Đình cũng đến xin lỗi gia đình chị Vân, đồng thời cho biết đã tìm ra được 3 nữ hộ sinh làm việc vào thời điểm bà Hạnh sinh con. Tuy nhiên, do thời gian quá lâu và đến nay ba nữ hộ sinh đều trên 80 tuổi, không còn nhớ được điều gì nên việc tìm người từ đầu mối này khó khả thi. Gia đình chị Vân cũng được chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly của Đài Truyền hình Việt Nam hứa giúp đỡ. |