Câu chuyện kể sau 90 năm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dành trọn ngày 18/11 để ghi dấu chặng đường 90 năm nghiên cứu lịch sử văn hóa Đông...

Kinhtedothi - Dành trọn ngày 18/11 để ghi dấu chặng đường 90 năm nghiên cứu lịch sử văn hóa Đông Sơn, những "người trong cuộc" khẳng định: Văn hóa Đông Sơn có vị trí vô cùng quan trọng trong tiến trình lịch sử dân tộc, là cơ sở vật chất cho việc hình thành Nhà nước đầu tiên Văn Lang - Âu Lạc, là nền tảng cho sự hình thành bản sắc văn hóa Việt cổ cũng như văn minh Đại Việt sau này.

Lời nói từ trong lòng đất

Phải nói rằng, văn hóa Đông Sơn là "góc khám phá" mà các nhà nghiên cứu khoa học, đặc biệt là giới khảo cổ học và sử học miệt mài theo đuổi suốt 90 năm qua. Không đếm xuể đã có bao nhiêu cuộc khai quật khảo cổ mở ra dọc theo hai bờ sông Hồng để đi tìm dấu vết của thời kỳ này còn lưu dấu lại trong lòng đất. Cũng không kể hết được đã có bao nhiêu công trình nghiên cứu mở ra trên các trang sách, bao nhiêu cuộc trưng bày để khẳng định vị trí quan trọng của văn hóa Đông Sơn trong lịch sử. Tuy nhiên, như PSG. TS Bùi Văn Liêm - Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam cho biết: Chỉ trong khoảng thời gian từ năm 1998 - 2008 đã có 178 di tích Đông Sơn được phát hiện và nghiên cứu ở 22 địa phương. Những phát hiện ở vùng núi phía Bắc chủ yếu là về trống đồng, các tỉnh trung du và đồng bằng sông Hồng mà nổi bật là Hà Nội có số lượng di tích được phát hiện và nghiên cứu khá lớn. Hầu hết các di tích có giá trị lớn đều được khai quật lại như: Làng Cà, Gò De, Đông Lâm, Đình Tràng, Dương Xá, Đông Sơn, Làng Vạc, Đồng Mòm. Các di tích mộ thuyền phát hiện được nhiều tạo thành một hệ thống loại hình di tích mộ thuyền, nhiều di tích mới cũng được phát hiện có giá trị lớn như Đền Thượng, Núi Sen…
 
Khách tham quan một số hiện vật tại triển lãm.     Ảnh: Nguyệt Thu
Khách tham quan một số hiện vật tại triển lãm. Ảnh: Nguyệt Thu
 
Điều đáng nói, những di vật tìm thấy trong lòng đất, qua "giải mã ngôn ngữ" của các nhà khoa học, đã "nói" rằng: Các cư dân Đông Sơn - đặc biệt là ở vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng - đã có quá trình mở rộng chinh phục các vùng đồng bằng thấp, đồng bằng ven biển. Ở đó nổi lên một số trung tâm văn hóa - kinh tế - chính trị lớn, mà mỗi trung tâm có một di tích lớn và các di tích nhỏ xung quanh; hoặc trung tâm gồm nhiều di tích phân bố tập trung. Ví như trung tâm Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) là trung tâm có quy mô lớn, toàn diện với các di tích thành lũy, với những chứng cứ của lò đúc đồng, kho chứa vũ khí - một trung tâm đứng đầu về mặt chính trị, quân sự của văn hóa Đông Sơn. Rồi những di chỉ xưởng đúc đồng Đền Thượng, khuôn đúc trống đồng Luy Lâu, di tích đúc đồng Đình Tràng… còn cho người ta biết: luyện kim là một thành tựu kỹ thuật cao nhất, tiêu biểu nhất trong thủ công nghiệp thời Đông Sơn… Và trong quá trình phát triển, văn hóa Đông Sơn cũng có mối giao lưu với văn hóa Sa Huỳnh (miền Trung), các khu vực Nam Trung Quốc và các văn hóa ở Đông Nam Á lục địa và hải đảo… Nói như TS Nguyễn Văn Cường - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam: "Những di vật của văn hóa Đông Sơn từ trong bóng tối của lòng đất được phát hiện, nghiên cứu, trưng bày khoa học đã trở thành những tư liệu sống động phản ánh cuộc sống sôi động, hào hùng của chủ nhân văn hóa Đông Sơn từ hơn 2 ngàn năm trước".

Còn những ưu tư

Đầy hào hứng với kho di vật và tư liệu đã khám phá được sau gần 1 thế kỷ nghiên cứu văn hóa Đông Sơn, những người làm bảo tàng, các nhà khảo cổ, nghiên cứu lịch sử cũng phấn chấn không ít trước trưng bày chuyên đề "Văn hóa Đông Sơn" (khai mạc sáng 18/11 tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam) và Hội thảo "90 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Đông Sơn" (chiều 18/11). 

Đấy là hoạt động kỷ niệm chặng đường 90 năm họ đã đi qua, song cũng như một cuộc "báo công" trước công chúng về những điều họ đã khám phá được từ quá khứ. 

Tuy nhiên, ưu tư vẫn còn đọng lại trong những trái tim tâm huyết với nghề. PGS.TS Bùi Văn Liêm chia sẻ: "Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn rất nhiều vấn đề đang bỏ ngỏ cần được tiếp tục nghiên cứu và bổ sung trong tương lai. Ví dụ như vấn đề thời điểm ra đời, mô hình Nhà nước sớm thời Đông Sơn như thế nào; hay sự lan tỏa của trống đồng Đông Sơn ở miền Trung, đặc biệt là Tây Nguyên; rồi những đóng góp của văn hóa Đông Sơn với văn minh Đại Việt - văn hóa Việt Nam sau này…". Đấy là những trăn trở khơi lên từ trong hành trình làm khoa học, song còn có cả ưu tư, bức xúc nảy sinh từ những gì "tai nghe mắt thấy" trong đời sống. Cụ thể là tiếng chuông gióng lên cảnh báo về hiện trạng các di tích thời đại kim khí Việt Nam đang bị xâm hại nặng nề, trong đó có văn hóa Đông Sơn và bản thân di tích Đông Sơn; Là những di vật khảo cổ học Việt Nam, trong đó có văn hóa Đông Sơn đang hàng ngày, hàng giờ thành món hàng trên thương trường; Là nỗi buồn về cơ sở vật chất để bảo quản các hiện vật đã được tìm thấy - nỗi ưu tư lớn của hầu hết các bảo tàng trong nước hiện nay.  

Còn nhớ, hơn 10 năm trước, người làm nghề đã từng đề xuất lập đề án xây dựng Bảo tàng Văn hóa Đông Sơn để bảo tồn, gìn giữ và phát huy những di vật, tư liệu quý về một giai đoạn phát triển, dựng nước và giữ nước của dân tộc. Ở thời điểm này, đây có lẽ vẫn là một gợi ý hay để bảo tồn và quảng bá kho tư liệu quý này, đồng thời xóa nhòa những ưu tư còn đọng lại.