Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Câu chuyện mộc mạc về thế giới phụ nữ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 20 bức sơn mài mộc trong triển lãm "Đàn bà" của tác giả Nguyễn Thị Mai tại Trung tâm Văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, Hà Nội) mang đến nhiều cảm xúc cho người mê chất liệu sơn ta.

Đây không chỉ là câu chuyện mộc mạc về thế giới phụ nữ qua tranh mà còn thể hiện cá tính, sự dấn thân, niềm đam mê hội họa của nữ họa sĩ "tay ngang" tuổi Ngọ này.

Một thế giới sống động

"Mai rất biết kết hợp giá trị nguồn cội với sự mạnh mẽ bản năng, hòa cùng những rung động tinh tế, tơ vương rất đỗi đàn bà. Vẫn là những đường cong phụ nữ, hoang thú, cỏ cây, hoa lá… nhưng gợi cảm, đơn sơ một cách tự nhiên; bí ẩn và phồn thực đến ma mị" - họa sĩ Vũ Đình Tuấn - giảng viên ĐH Mỹ thuật Việt Nam đã nhận xét như vậy khi xem triển lãm "Đàn bà". Có lẽ vì yêu thích màu thiên nhiên, màu thời gian bàng bạc, cũ kỹ, màu của những mảng tường mốc lâu ngày chưa được sơn mới; thích hình thể người đàn bà, mềm cong uốn lượn, nên cô họa sĩ tuổi Ngọ (1978) đã kết hợp chúng với kỹ thuật làm tranh sơn mài của riêng mình để làm nên những tác phẩm có chất, hình và nét thô mộc. Bảng màu Mai dùng hết sức giản dị và kiệm vàng son đến mức hiếm thấy. Tạo hình cũng không cầu kỳ, kiểu cách, nhưng đẹp và lạ. Người xem không khó để nhận biết điều đó qua các tác phẩm "Đàn bà", "Cô ấy và quá khứ"…

 
Tranh của Nguyễn Thị Mai chinh phục người xem vì nét thô mộc nhưng đầy chất đàn bà.	Ảnh: Linh Thùy
Tranh của Nguyễn Thị Mai chinh phục người xem vì nét thô mộc nhưng đầy chất đàn bà. Ảnh: Linh Thùy

Hé lộ "bí kíp" để tạo nên chất mộc cho người phụ nữ bằng sơn mài, Mai chia sẻ: "Có lẽ, kỹ thuật phủ sơn và mài màu của tôi khác so với nhiều họa sĩ. Trước tiên, tôi tạo một lớp màu (pha đặc) bằng bay, bút để tạo sự kết dính. Sau đó phủ một lớp sơn màu đều lên mặt vóc và rắc bạc, rắc còn kẽ hở để tạo chất xốp và tạo màu của bạc. Tôi thường kết thúc tranh bằng mài giấy ráp 2.000 mịn nhất, tôi không toát, không đánh bóng mà mài nhiều lần, thật lâu để tất cả các lớp sơn màu gắn kết hòa quyện, thống nhất, mài đến lúc bề mặt tranh mịn nhẵn, bóng mờ là hoàn thiện". Tranh của Mai thực sự là những giấc mơ đẹp mà giản dị tới mức ở thời buổi cuộc sống có ngàn vạn giá trị đổi thay, ít ai đủ bình yên trong tâm hồn để mơ những giấc mơ như thế. Tuy nhiên, họa sĩ Vũ Đình Tuấn cho rằng: "Đâu đó trong tranh của Mai vẫn "thèm" một chút nữa vàng son; một tí đậm đà, một thoáng buông thả để thêm vẻ quyến rũ lòng người".

Dấn thân vào khổ nghiệp

Người am hiểu mỹ thuật thường nói, đến với hội họa bằng con đường tự học là một sự dấn thân. Đặt chân vào thế giới quyến rũ đầy trắc trở của sơn mài thì không chỉ là dấn thân mà còn là khổ nghiệp. Khổ nghiệp bởi có quá nhiều kẻ đi trên con đường ấy, nhưng chẳng bao giờ tới đích. Nhưng Mai là số ít người dám đánh cược thời gian, đối mặt với thách thức để yêu nghệ thuật sơn mài một cách trọn vẹn. Tốt nghiệp ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Huế, nhưng vì yêu hội họa nên cô gái tuổi Ngọ quyết theo nghiệp vẽ. Thử nghiệm trên nhiều chất liệu sơn dầu, giấy dó, lụa, acrylic… nhưng chỉ sơn mài mới cho chị đủ tự tin khám phá bằng một tinh thần quyết liệt. Họa sĩ Nguyễn Huy Hoàng, người thầy sơn mài của chị nhận xét: "Những tay bút mê sơn mài thường không thể chối cãi cái bản sắc lộng lẫy, vàng son đến mức quý phái của sơn mài. Cũng ít ai dám khước từ vẻ bóng láng bề mặt như một yếu tố mặc định cho sự hoàn thiện của kỹ thuật chất liệu sơn ta. Nhưng Mai lại ngang nhiên chối bỏ những nét độc đáo ấy một cách chủ động và bản lĩnh để đắm đuối với cảm quan mới: Mộc mạc, tinh khôi và gần gũi. Không bóng mà vẫn gợi ra được phẩm chất sang trọng cần thiết". Họa sĩ "tay ngang" cũng thừa nhận: "Có thời kỳ, tôi cũng đánh bóng sơn mài, nhưng nó không làm tôi thỏa mãn và thấy không phù hợp với cá tính của mình. Và tôi quyết tâm hoàn thiện mình trong cái mà nhiều người cho là dang dở".

Tin rằng, với tình yêu và niềm đam mê sơn mài, Nguyễn Thị Mai sẽ còn tiến xa hơn nữa và góp phần gìn giữ giá trị chất liệu sơn ta đặc trưng của Việt Nam. Triển lãm "Đàn bà" mở cửa tự do đến hết ngày 31/3.