70 năm giải phóng Thủ đô

Câu chuyện nhân văn qua mỗi chiếc bánh bao

Trần Phương - Vân Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một tiệm bánh bao trên phố Đại Từ (quận Hoàng Mai, Hà Nội) trở nên đặc biệt trong lòng các thực khách không chỉ nhờ hương vị thơm ngon, mà ẩn chứa sau những chiếc bánh lại là câu chuyện nhân văn mang ý nghĩa sâu sắc.

Anh Phạm Xuân Tùng là người sáng lập của tiệm bánh. Ảnh: Duy Trần
Anh Phạm Xuân Tùng là người sáng lập của tiệm bánh. Ảnh: Duy Trần

Lan tỏa thông điệp tích cực về lòng nhân ái

Tiệm bánh bao Nghệ nhân Meko có địa chỉ tại phố Đại Từ, quận Hoàng Mai. Những chiếc bánh bao mềm xốp, thơm ngon tại đây được làm nên từ những nhân viên "đặc biệt" có tâm huyết với nghề làm bánh.

Điều khiến Meko trở nên đặc biệt hơn cả chính là câu chuyện phía sau những chiếc bánh bao nóng hổi. Tại đây, những người khiếm khuyết về thể chất, người lang thang cơ nhỡ... được tạo điều kiện làm việc trong một môi trường ấm áp, thân thiện. Họ được đào tạo, hướng dẫn tận tình để có thể tự tin thực hiện các công đoạn sản xuất bánh bao, từ nhào bột, gói nhân đến hấp bánh.

Người sáng lập của tiệm bánh là anh Phạm Xuân Tùng, người luôn có đam mê tham gia các hoạt động tình nguyện, hỗ trợ người khuyết tật. Anh Tùng nhận thấy sự quan tâm dành cho những người có hoàn cảnh khó khăn không dừng lại ở việc bày tỏ lòng thương cảm dành cho họ mà cần thể hiện điều đó qua những hành động cụ thể.

Hiện thực hóa ý tưởng này, ngay khi bắt đầu mở cửa hàng bán bánh bao, anh đã quyết định mời những người khuyết tật có khả năng lao động về làm nhân viên tại tiệm bánh của mình.

Anh Phạm Xuân Tùng chia sẻ, lý do khiến anh đào tạo những nhân viên "đặc biệt" này trở thành những “nghệ nhân” bánh bao xuất phát từ mong muốn mang đến cho họ cơ hội việc làm phù hợp với điều kiện sức khỏe. Bên cạnh đó là hướng tới giá trị thiết thực và lâu dài, thay vì chỉ đơn thuần tặng quà, ủng hộ tiền mà tạo ra môi trường làm việc để họ có thêm niềm tin vào cuộc sống, thúc đẩy hòa nhập xã hội.

“Hiện tại, nhân sự sản xuất bánh bao của tiệm đa phần là các bạn khuyết tật, tự kỷ, những người yếu thế khó tìm việc làm... Thời điểm đầu khi dạy nghề cho 2, 3 bạn nhân viên đặc biệt đầu tiên, tôi thấy mô hình này rất phù hợp nên đã cố gắng phát triển lên. Đó cũng là cái duyên khi tôi có điều kiện gặp gỡ và dạy nghề cho các nhân viên” - anh Phạm Xuân Tùng nói.

Luôn đồng hành và hỗ trợ con trai trên hành trình mở cửa tiệm bánh bao nhân văn, bà Trịnh Thị Phương, mẹ của Phạm Xuân Tùng cho biết, mỗi nhân viên đặc biệt tại xưởng đều là mảnh ghép không thể thiếu trong quá trình tạo nên một chiếc bánh bao hoàn chỉnh.

“Với mỗi nhân viên khuyết tật mới vào làm, chúng tôi luôn ân cần, nhẹ nhàng hướng dẫn, chỉ dạy các bạn từng công đoạn làm bánh, từ bước đơn giản nhất. Tùy vào sự tiếp nhận của mỗi người khả năng nắm bắt, thành thạo các kỹ năng là khác nhau. Tuy nhiên, sau một khoảng thời gian nhất định, tất cả đều có thể xử lý công việc của mình một cách nhanh chóng” - bà Phương cho biết thêm.

Trong cảm nhận của những nhân viên khuyết tật tại quán, tiệm bánh bao Nghệ nhân Meko đã thật sự trở thành mái ấm thứ hai, nơi mang đến cho họ những trải nghiệm quý giá, là môi trường để họ được khai phá, phát huy tiềm năng của bản thân.

Bởi lẽ mỗi nhân viên đều đảm nhiệm một công đoạn quan trọng. Để đem đến một chiếc bánh bao ngon yêu cầu cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các khâu trong quá trình làm bánh. Điều này đã tạo nên sợi dây gắn kết giữa các thành viên trong xưởng giúp họ mở lòng giao tiếp, hoà nhập và giúp đỡ lẫn nhau trong công việc và cuộc sống.

Xưởng bánh bao Nghệ nhân Meko luôn đem đến cơ hội việc làm cho đa dạng các đối tượng.
Xưởng bánh bao Nghệ nhân Meko luôn đem đến cơ hội việc làm cho đa dạng các đối tượng.

Thêm niềm tin vào cuộc sống

Anh Bàn Văn Linh (quê Lào Cai) là một nhân viên có khuyết tật ở chân. Trong quá trình làm việc Linh luôn niềm nở giới thiệu với khách ghé thăm về công việc ủ bánh, hấp bánh của mình. Dù gặp khó khăn trong việc đi lại, anh vẫn không bỏ cuộc mà ngày càng yêu thích công việc này. Với sự kiên trì học hỏi và làm việc, chàng trai trẻ đã đam mê và gắn bó với công việc này hơn 2 năm.

“Thời gian đầu, khi mới học nghề, tôi cũng gặp một số khó khăn. Nhưng dần dần, tôi đã thích nghi với công việc và hòa nhập với mọi người ở đây. Qua 2 năm làm việc tại xưởng bánh, cuộc sống của tôi đã ổn định và tích cực hơn rất nhiều” - anh Bàn Văn Linh bày tỏ.

Tại tiệm bánh bao, mỗi người đều mang trong mình một câu chuyện riêng. Có những bạn gặp khó khăn về vận động, có bạn lại gặp khó khăn về giao tiếp. Tuy nhiên, tất cả đều làm việc hòa hợp và hỗ trợ lẫn nhau. Họ thường giao tiếp với nhau thông qua ngôn ngữ ký hiệu, viết ra giấy hoặc tin nhắn điện thoại.

Giống như Linh, từ khi vào làm tại tiệm bánh, chị Nguyễn Thị Hương cũng có nhiều thay đổi về đời sống vật chất và tinh thần. Bị câm điếc bẩm sinh, không thể nói chuyện nhưng Hương luôn chú tâm quan sát và học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp. Những lúc cần trợ giúp, chị thường viết ra giấy hoặc gõ chữ vào điện thoại để mọi người có thể hiểu ý mình.

Sau vài tháng gắn bó, chị Hương đã thuần thục với công việc nhào bột và nặn bánh, tạo nên những chiếc bánh bao đầy đặn, đẹp mắt. Đến nay, Hương luôn được anh chị em trong tiệm yêu quý bởi sự nhanh nhẹn cùng tinh thần tích cực luôn hiện hữu trên khuôn mặt. Công việc tại Meko đã giúp chị trang trải chi phí sinh hoạt cũng như vượt qua rào cản ngôn ngữ, giúp cuộc sống của cô gái trẻ trở nên ý nghĩa hơn.

Vượt lên hoàn cảnh của chính mình, các nhân viên tại tiệm bánh đều để lại ấn tượng đối với mọi người bởi tinh thần làm việc hăng say và nụ cười luôn nở trên môi. Là người đồng hành và chỉ dạy cho từng nhân viên, bà Trịnh Thị Phương chia sẻ: “Vào đây, các bạn phải thích, phải yêu nghề mới có thể chú tâm làm được. Khi đã làm quen tay và có được công việc phù hợp với sức khỏe, điều kiện của mình, tất cả các bạn đều phấn khởi và rất kiên trì làm việc.”

Chia sẻ thêm về dự định trong tương lai, anh Phạm Xuân Tùng mong muốn nhân rộng mô hình nhân ái này ra khắp các tỉnh thành, sao cho mỗi tỉnh có thể mở một cơ sở sản xuất nhỏ để giúp nhiều người, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn, có cơ hội ổn định cuộc sống.