Lạc quan hơn Mới đây, 10 phụ nữ khuyết tật trong Hội Người khuyết tật huyện Ba Vì đã tham gia triển lãm những bức ảnh mà họ chụp tại trường Đào tạo bồi dưỡng chính trị của huyện. 10 nhiếp ảnh nghiệp dư đã quan sát cuộc sống với ánh nhìn tươi tắn và kể những câu chuyện từ buồn đến vui trong hành trình đi tìm hạnh phúc của họ. Căn nguyên là giữa tháng 4/2013, chương trình Photovoice 2013 đã dừng chân tại Ba Vì và trao máy ảnh cho các "tay máy" không chuyên này. Cuộc sống của họ bỗng thêm những nét mới: "3 tháng nay, từ ngày có chiếc máy ảnh trong tay, tôi thấy cuộc sống này có thật nhiều điều tươi đẹp, tôi sẽ lạc quan để sống vì tôi tin mọi sóng gió rồi sẽ qua" - chị Trần Thị Ngà (xã Tản Hồng, huyện Ba Vì) chia sẻ. Hơn ai hết, ông Đào Văn Tuấn - Chủ tịch Hội Người khuyết tật Ba Vì là người hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của hội viên. Ông tâm sự: "Là phụ nữ, ai cũng muốn được thực hiện thiên chức làm mẹ. Với những người khuyết tật quanh năm vò võ chống chọi với những cơn đau khi trái gió trở trời, thì khát khao có một đứa con để xớt chia buồn vui và phụng dưỡng khi về già lại càng lớn".
Vượt lên số phận
Điều đặc biệt của cuộc chơi ảnh này là những tay máy tham gia đều là những phụ nữ nông thôn cả đời quanh quẩn trong xóm làng với nỗi mặc cảm về dị tật trên cơ thể. Với họ, việc cầm một chiếc máy ảnh là chuyện lạ trong đời, chụp được một bức ảnh lại khó hơn gấp bội. Bởi lẽ, việc giữ thăng bằng cơ thể trên chiếc chân trụ còn lại để chụp, hay nâng máy ảnh trên một cánh tay tật nguyền để bấm... không hề giản đơn. Thế nên, mỗi bức hình đều thấm đẫm mồ hôi và nỗi lòng. Cũng vì thế mà những bức ảnh của họ đẹp lạ thường, chứa đựng khát khao sống và được yêu thương mãnh liệt. Chuyện đời của chị Phùng Thị Hậu (xã Đồng Thái, huyện Ba Vì) khá thương tâm. Với một bên chân bị liệt, chị cố kiếm một đứa con ở tuổi 31 để chăm sóc mình khi về già. Nhưng gia đình theo Công giáo nên mọi người quay lưng với hai mẹ con chị. Suốt 12 năm chị bán rau, rồi làm may để sống qua ngày. Sống lay lắt trong căn nhà dột nát, gom góp được chút tiền, chị đánh liều vay thêm một khoản để có chỗ ra vào khá hơn cho con trai ở, song cho đến giờ, căn nhà của chị vẫn dang dở vì hết tiền. Chị Hậu tâm sự: "Tôi mong mọi người hiểu rằng, những người phụ nữ khuyết tật chăm sóc và yêu con của họ có khi còn hơn cả người bình thường, dù một cử động của họ cũng khó khăn. Bởi đứa con là cả giấc mơ của cuộc đời họ". Khó khăn là vậy, nên các thành viên Hội Người khuyết tật Ba Vì coi nhau như ruột thịt. Những người biết làm may, làm nón đã dạy các nữ hội viên khác để ai cũng có nghề, nhưng thu nhập của họ vẫn chẳng đáng là bao. Vậy nhưng, đằng sau nỗi lo "cơm áo gạo tiền", họ vẫn muốn thêm một lần được tham gia chụp và triển lãm ảnh để được sẻ chia, tâm sự cùng mọi người.
![]() |
Bức ảnh “Giấc mơ của tôi” được trưng bày trong triển lãm. |
Photovoice là chương trình kết hợp giữa Trung tâm hành động vì cộng đồng ACDC và Viện Nghiên cứu xã hội kinh tế và môi trường iSEE, thực hiện với nhóm đối tượng là phụ nữ khuyết tật ở Ba Vì. Chương trình nằm trong chuỗi hoạt động của iSEE kết hợp với các tổ chức xã hội dân sự ở 3 miền (Bắc, Trung, Nam) nhằm đưa đến cho cộng đồng một cái nhìn toàn diện về vai trò của các tổ chức trong xã hội. |