Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Câu chuyện về Hà Nội một thế kỷ trước

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Cuộc triển lãm "Một vài nét về đời sống thị dân và nông dân Bắc Bộ đầu thế kỷ XX qua tranh khắc của Henri Oger" đang là điểm nhấn thu hút sự chú ý của công chúng Hà Nội.

56 pano in trên giấy dó, 71 hiện vật và 4 video minh họa tựa như câu chuyện kể sinh động về cuộc sống của một bộ phận cư dân Hà Nội và các vùng phụ cận cách đây gần một thế kỷ.

Từ “Kỹ thuật của người An Nam”

Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã "bắt tay" với Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp thực hiện cuộc trưng bày độc đáo này. Ý tưởng của triển lãm được khơi nguồn từ cuốn sách "Kỹ thuật của người An Nam" mà nhà khảo cổ học người Pháp Henri Oger sưu tầm, tích lũy và xuất bản từ hơn 100 năm trước. Cuốn sách gồm 4.200 bức vẽ, phản ánh các lĩnh vực của đời sống vật chất, tinh thần của người Hà Nội và vùng phụ cận. Những người làm triển lãm đã chọn 56 tranh vẽ tiêu biểu từ bộ sách này, in trên nền giấy dó để giới thiệu trước công chúng. TS Philippe Le Failler, nhà nghiên cứu lịch sử Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp bày tỏ: "Triển lãm nhằm mục đích giới thiệu cho người xem cái nhìn tổng quan về cuộc sống hàng ngày của Hà Nội và các vùng lân cận như Henri Oger đã tìm hiểu cách đây hơn một thế kỷ. Thợ thủ công và nông dân đã thu hút sự chú ý của ông, vì vậy ông đã dành một năm ghi lại công việc của họ...".

Câu chuyện về Hà Nội một thế kỷ trước - Ảnh 1

Khách tham quan triển lãm

Dù chỉ là những hình ảnh khắc in trên giấy dó, nhưng câu chuyện về cuộc sống của thị dân Hà Nội những năm đầu thế kỷ XX đã rành mạch và rõ nét đến không ngờ. Câu chuyện ấy dẫn người xem đi theo 3 mạch kể: Đời sống vật chất gồm ăn, mặc, ở, sinh hoạt, đi lại; Đời sống tinh thần gồm tôn giáo, tín ngưỡng, nghi thức vòng đời, phong tục truyền thống, trò chơi dân gian; Đặc biệt nhất là mạch kể như thể điểm nhấn của câu chuyện về kỹ thuật, nghề thủ công truyền thống và nông nghiệp. Người xem có thể nhìn thấy ở đây những chi tiết rất nhỏ trong cuộc sống hàng ngày, từ cách chế biến thức ăn, đồ uống đến y phục, trang sức, cách búi tóc, vấn tóc. Hay những hình ảnh như chơi đàn, chọi gà, thả chim, mua bán hàng hóa, đan thừng, hái sen, cấy lúa, thờ cúng tổ tiên, đón Tết… Ấy là cuộc sống đời thường với đủ đầy nhịp điệu của những người chuyên làm nông nghiệp và nghề thủ công.

Điều đáng nói, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long đã đưa vào bên cạnh những pano giấy dó này 71 hiện vật, hình ảnh video, các bài viết… làm đối chứng với những tranh khắc của Henri Oger. Cụ thể như trưng bày kỹ thuật và nguyên phụ kiện, dụng cụ làm nón, làm giấy, làm hương, trưng bày vật dụng gia đình, trưng bày nhạc cụ dân tộc… khiến câu chuyện kể càng thêm rõ nét và sinh động.

Không chỉ là ký ức

Không ít người "đọc được" ý tưởng sâu xa của những người làm triển lãm khi nhận ra thủ công, mỹ nghệ và quy trình sản xuất là mạch kể chủ đạo của câu chuyện cách đây một thế kỷ.

Bản thân 56 tranh in trên giấy dó đã là một sự độc đáo và ý nghĩa giữa chốn "Kinh đô Thăng Long" (Thành cổ Hà Nội), bởi bây giờ kỹ thuật làm giấy ở Yên Thái chỉ còn trong ký ức, còn tranh Đông Hồ còn rất ít người giữ nghề. Thế nhưng, bức thông điệp mà cuộc triển lãm muốn gửi đến công chúng không chỉ dừng ở đó. Những bức ảnh, phim tài liệu cùng thời kỳ, hiện vật, dụng cụ, nguyên liệu và thành phẩm được sưu tập công phu từ chính các làng nghề, được trưng bày bên cạnh tranh giấy dó, lại như muốn nói một điều ngược lại rằng: Dẫu có như vậy, nghề truyền thống vẫn đang sống. Nghề không chỉ được lưu truyền, mà còn được cải tiến kỹ thuật, sáng tạo cho phù hợp với đời sống hiện tại. Không phải ngẫu nhiên mà TS Philippe Le Failler nói: "Các đồng nghiệp của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã sáng tạo vượt ra ngoài các bản vẽ của Oger".

Cuộc triển lãm thú vị này còn tiếp tục đón người xem đến hết 15/10.