Câu chuyện về máy bơm nước và bản quyền truyền hình K+

Chia sẻ Zalo

KTĐT - "Phải tự cứu mình thôi chứ ai cứu mình nữa", ai cũng nghĩ vậy. Vì thế, hộ thứ hai lại ra đường mua một cái máy bơm nước… và đến hộ thứ ba, rồi cả nhà tôi nữa.

KTĐT - "Phải tự cứu mình thôi chứ ai cứu mình nữa", ai cũng nghĩ vậy. Vì thế, hộ thứ hai lại ra đường mua một cái máy bơm nước… và đến hộ thứ ba, rồi cả nhà tôi nữa.

Câu chuyện kênh truyền hình K+ mua bản quyền truyền hình độc quyền giải ngoại hạng Anh và Tây Ban Nha… làm tôi liên tưởng tới những vấn đề xảy ra quanh cái máy bơm nước ngày xưa.

Cách đây 15 năm, tôi sống trong khu tập thể cao tầng được xây dựng từ thời bao cấp. Tầng 3, nơi tôi sống, có 4 hộ gia đình. Thời bấy giờ, mùa hè nước khá khan hiếm, chứ không nhiều và dễ lấy như bây giờ. Cả 4 hộ sống ở đây, mỗi tháng chỉ được cấp tổng cộng 40m3 nước. Với chúng tôi, như vậy cũng gọi là tạm đủ dùng.

Thế nhưng, mùa hè nọ, nguồn cung cấp nước đột ngột giảm. 4 hộ chúng tôi sống ở đây chỉ được phân phối khoảng 20 m3 nước. Thiếu nước nên mỗi hộ gia đình tự nghĩ cách để hút nước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.

Hộ đầu tiên quyết định mua một chiếc máy bơm nước, hút nước trực tiếp từ nguồn về nhà mình. Hộ thứ nhất nhẩm tính chỉ cần họ hút được khoảng 8 m3 là có thể đáp ứng được sinh hoạt. Ba hộ gia đình sẽ phải chia nhau khoảng 12 m3 nước còn lại. Và dĩ nhiên, 3 hộ gia đình còn lại sẽ chẳng ai hài lòng.

"Phải tự cứu mình thôi chứ ai cứu mình nữa", ai cũng nghĩ vậy. Vì thế, hộ thứ hai lại ra đường mua một cái máy bơm nước… và đến hộ thứ ba, rồi cả nhà tôi nữa. Kết quả là nhà nào cũng có một chiếc máy bơm nước, nhưng nhà nào cũng chỉ có khoảng 5 m3, chẳng khác gì so với khi chưa có máy bơm.

Theo lý thuyết trò chơi, trong tình huống kể trên, chẳng có giải pháp nào cho riêng lẻ từng cá nhân ngoài việc phải làm những gì người khác làm. Người đầu tiên mua máy bơm nước thì tất cả những người khác càng phải mua. Nếu họ không làm như vậy thì sẽ phải gánh chịu phần thiệt thòi.

Câu chuyện về kênh truyền hình K+ bây giờ cũng vậy. Một hãng truyền hình vì lợi nhuận sẽ tìm cách lách lên trước, cố giành ưu thế về dịch vụ độc quyền khiến các hãng khác hoàn toàn không thể có năng lực cạnh tranh. Thế nhưng, hệ quả không chỉ là các hãng cạnh tranh khác mất phần mà chính là người mua dịch vụ sẽ phải trả giá đắt.

Tất nhiên, với chi phí tiền lương rất lớn mà các đội bóng Anh, Tây Ban Nha phải trả cho các cầu thủ thì xét đến cùng, người xem phải gánh chịu. Nhưng chi phí đó là bao nhiêu thì hợp lý cũng tùy thuộc vào góc độ từng người.

Với lĩnh vực bản quyền truyền hình, một mặt cần sự can thiệp và điều chỉnh thị trường từ cơ quan quản lý cạnh tranh của nhà nước, điều mà các nước tư bản đã thực hiện từ cả trăm năm nay. Chính đó là một trong những lý do khiến người dân Anh có thể xem truyền hình với một mức giá phù hợp. Nhiệm vụ của những cơ quan này là can thiệp để đảm bảo sự công bằng giữa nhà cung cấp và người mua dịch vụ, để nhà cung cấp không quá chèn ép những người mua.

Mặt khác, những người mua dịch vụ có thể và nên hợp tác với nhau trong một Hiệp hội nào đó để cùng hành động bảo vệ quyền lợi của mình.

Với sự phát triển của công nghệ và những biến chuyển như hiện nay, tôi tin là tới đây, sẽ còn phát sinh nhiều tình trạng như việc bản quyền đá bóng vừa qua. Do đó, cơ quan chức năng cần có những chế tài phù hợp cũng như những người mua cần thống nhất và có tinh thần hợp tác để cùng đạt được một kết quả tốt nhất cho tổng thể.


 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần