Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cầu nối tiếp cận giáo dục

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một lớp học tại vùng cao Yên Bái. Ảnh: Mạnh Dũng

Với mong muốn những đề xuất về chính sách được Nhà nước chấp nhận, tạo điều kiện thuận lợi cho những người yếu thế và ngoài nhà trường được tiếp cận và hưởng thụ giáo dục, Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam (VCEFA) đã được thành lập. Đại hội thành lập Hiệp hội đã diễn ra sáng 5/2 tại Hà Nội.

Ưu tiên nhóm trẻ yếu thế

Vậy là tâm huyết của những người hưởng ứng sáng kiến của Chiến dịch Giáo dục toàn cầu (Global Education Campaign) vận động thành lập Liên minh Vì giáo dục cho mọi người của Việt Nam đã thành hiện thực. Tuy đến ngày 17/1 vừa rồi mới có quyết định thành lập, song từ năm 2009, Ban vận động đã khởi động và dồn nhiều tâm sức cho buổi đầu của Hiệp hội. PGS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Trưởng Ban vận động chia sẻ: “Nhà nước chủ trương giáo dục là quốc sách hàng đầu. Tuy nhiên, mấy năm qua chưa đủ sức để tập trung đầu tư cho hết các đối tượng, trong đó có nhóm yếu thế. Do đó, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến đối tượng này bằng cách đưa ra mô hình hoạt động thí điểm trên diện nhỏ, khi thành công sẽ triển khai rộng hơn, sau đó đúc rút và đề xuất chính sách với Nhà nước”.
Một lớp học tại vùng cao Yên Bái.      Ảnh: Mạnh Dũng
Kinhtedothi - Một lớp học tại vùng cao Yên Bái. Ảnh: Mạnh Dũng
Hiện nay, đối với giáo dục mầm non, Nhà nước đang ưu tiên cho nhóm trẻ 5 tuổi, như thế số trẻ từ 0 đến dưới 5 tuổi chưa được quan tâm đầy đủ. Trong khi nghiên cứu giáo dục sớm chỉ ra rằng, trẻ em từ 0 - 3 tuổi là “giai đoạn vàng” của phát triển con người. Từ thực tế này, Hiệp hội đã nghiên cứu và triển khai mô hình câu lạc bộ các bà mẹ có con từ 0 - 3 tuổi tham gia sinh hoạt một tuần/lần về chế độ dinh dưỡng cho bà bầu, cách chăm sóc thai nhi… Hiện, mô hình này đang thí điểm tại 2 xã của huyện Gia Lâm (Hà Nội) và tỉnh Thanh Hóa. Bên cạnh đó, trong phổ cập giáo dục, có một tỷ lệ nhỏ trẻ câm điếc chưa được tiếp cận với các thông tin xã hội. Hiệp hội đã xây dựng bộ ký hiệu ngôn ngữ dạy cho người khuyết tật có công cụ giao tiếp và sau đó là học nghề nuôi sống bản thân. Hiện nay, một lớp học về ngôn ngữ ký hiệu đang được triển khai ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) trong thời gian 3 tháng. Tiếp đến, Hiệp hội sẽ tập trung giúp trẻ bị khuyết tật vận động, trí tuệ, cách tiếp cận thông tin…

Vì chất lượng giáo dục

Một nền giáo dục có chất lượng cũng có nghĩa tất cả mọi người đều có cơ hội tiếp cận giáo dục. Thế nên, Hiệp hội đặt ra mục tiêu xóa mù cho những người không biết chữ. PGS Trần Xuân Nhĩ giải thích: Bộ GD&ĐT quy định, miền núi, vùng sâu xa muốn hoàn thành xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học thì căn cứ trên số người dưới 25 tuổi đạt 75% biết chữ. Như vậy, sẽ còn 25% người trong độ tuổi này và một số người trên 25 tuổi không biết chữ. “Chúng tôi đã tìm ra mô hình trường phổ thông dân tộc nội trú đào tạo những người làm công tác xóa mù. Việc này hết sức khả thi bởi học sinh dân tộc ở trường 7 ngày/tuần. Bộ GD&ĐT chỉ cần điều chỉnh chương trình ở trường nội trú theo hướng bổ sung kiến thức dạy xóa mù cho học sinh để các em về xóa mù cho người thân. Khi các em làm công tác xóa mù sẽ được hưởng chính sách để trang trải dầu đèn, sách vở… Đây là cách xóa mù bền vững và mang lại kết quả khả quan” – ông Nhĩ khẳng định.

Yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục là đội ngũ giáo viên. Hiệp hội đã kiến nghị tập trung vào các trường sư phạm trọng điểm và đến nay có 20 trường được Bộ GD&ĐT quy hoạch. Hiệp hội đang nghiên cứu cách tuyển sinh, đào tạo cũng như bồi dưỡng giáo viên mang lại hiệu quả cao nhất, đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Đặc biệt, mặc dù Nhà nước đầu tư 20% ngân sách cho giáo dục, nhưng số tiền tuyệt đối lại rất ít. Vừa rồi, Hiệp hội đã tổ chức hội thảo về mối quan hệ công - tư trong giáo dục để đề xuất mô hình xã hội hóa. Ngân sách chỉ tập trung vào giáo dục tiểu học và THCS, còn các bậc học khác, kể cả mầm non cũng được tự chủ thu - chi. Nhà nước tạo điều kiện bằng cách cho đất, mượn vốn xây trường… Với mô hình này, Nhà nước không phải đầu tư nhiều ngân sách mà lại giúp hoạt động giáo dục phát triển tối đa. Đương nhiên, học sinh, sinh viên nghèo thuộc chính sách vẫn được cấp học bổng, vay vốn lãi suất thấp. Còn số tiền Nhà nước đầu tư dư ra nên tập trung cho các trường trọng điểm.

Nhiều mô hình hoạt động khác nằm trong 8 nhiệm vụ trọng tâm được Hiệp hội đề ra thực hiện trong nhiệm kỳ đầu tiên 2015 - 2020 với hy vọng sẽ tư vấn cho Nhà nước những chính sách giáo dục khả thi, giúp mọi người được tiếp cận và hưởng thụ giáo dục.