11 năm trường cho một cây cầu
Được khởi công vào ngày 26/11/1974 và khánh thành vào ngày 9/5/1985, Thăng Long là một trong những cây cầu có thời gian thi công dài nhất ở Việt Nam. Quá trình xây dựng cầu Thăng Long cũng trải qua nhiều thăng trầm và có thể chia làm 2 giai đoạn rõ rệt.
Giai đoạn đầu tiên, cây cầu được thiết kế và thi công bởi các kỹ sư Trung Quốc. Thời kỳ đầu, Trung Quốc giúp ta xây dựng nhưng được khoảng 20% khối lượng công trình thì ngừng lại. Đó là thời điểm năm 1978, Trung Quốc đã cắt viện trợ và rút hết các chuyên gia về nước khiến cho công trình bị bỏ dở.
Lúc này, công trình cầu Thăng Long mới xây được 9 trụ cầu ở giữa sông Hồng; 3 trụ đang thi công dở dang trong tổng số 14 trụ chính giữa sông và 2 mố. Đối với cầu dẫn đường sắt, mới thi công được 29 trụ ở phía Bắc, 17 trụ ở phía Nam trong tổng số 119 trụ của toàn bộ cầu dẫn đường sắt. Cầu chính hoàn toàn chưa có gì, cầu đường ô tô cũng chưa được thi công… Có thể nói, vào thời điểm các chuyên gia của Trung Quốc rút đi, dự án cầu Thăng Long vẫn chỉ là một công trường ngổn ngang, hỗn độn.
Rất may sau đó, vào tháng 6/1979, với sự giúp đỡ của những người bạn Liên Xô, dự án xây dựng cầu Thăng Long được tái khởi động. Trước đó, vào ngày 3/11/1978 Hiệp định liên Chính phủ Việt Nam - Liên Xô được ký kết. Đây chính là cơ sở để Liên Xô nhận cung cấp viện trợ cho Việt Nam để xây dựng hoàn thành cầu Thăng Long (gói viện trợ không hoàn lại). Với Hiệp định trên, phía Liên Xô cung cấp cho Việt Nam các vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng mác cao, dầm thép, máy móc thiết bị thi công, cử chuyên gia sang làm việc.
Với sự giúp đỡ tận tình của những người bạn Liên Xô, năm 1985, cầu Thăng Long chính thức hoàn thành và đưa vào khai thác. Từ đó, cây cầu này trở thành một biểu tượng vững bền cho tình hữu nghị Việt Nam - Liên Xô. Hiện trên hai đầu cầu vẫn còn những biểu tượng về tình hữu nghị này dù Liên bang Xô Viết đã tan rã được ngót 30 năm nay. Đây cũng là lý do, ngoài tên gọi chính thức như chúng ta vẫn biết tới thì cầu Thăng Long còn có một tên gọi khác là cầu Hữu Nghị.
Ông Hoàng Minh Chúc (người đứng giữa) cùng với chuyên gia Liên Xô thực hiện dự án xây cầu Thăng Long. Ảnh tư liệu |
Cùng nhau chia ngọt sẻ bùi
Nhớ lại quãng thời gian tham gia xây dựng cầu Thăng Long, ông Hoàng Minh Chúc - nguyên Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vẫn chưa quên được cảm giác choáng ngợp của những người cán bộ, công nhân Việt Nam lần đầu được tham gia xây dựng một cây cầu có quy mô lớn vào loại bậc nhất Việt Nam và vùng Đông Nam Á lúc bấy giờ. Năm 1979, khi dự án xây dựng cầu Thăng Long được tái khởi động, đơn vị được giao nhiệm vụ thi công cầu là Liên hiệp các xí nghiệp xây dựng cầu Thăng Long do ông Hoàng Minh Chúc làm Tổng Giám đốc.
Ông Hoàng Minh Chúc nhớ lại, một trong những công đoạn tốn nhiều thời gian và công sức nhất của dự án chính là công tác giải phóng mặt bằng. Có tới hơn 190ha đất của 8 xã thuộc 2 huyện Đông Anh và Từ Liêm nằm trong diện phải giải phóng để phục vụ dự án. Bên cạnh đó, có tới gần 50km đường sắt, 20km đường ô tô và hơn 10.000m2 lán trại, nhà ở cho công nhân, người lao động phải hoàn thành trước khi dự án được khởi công. Đây là khối lượng công việc không hề nhỏ.
Có những thời điểm, nhiều cán bộ, công nhân của Liên hiệp các xí nghiệp xây dựng cầu Thăng Long phải làm việc, sinh hoạt dưới những hố móng sâu hàng chục mét trong cái rét như cắt da cắt thịt của mùa Đông cũng như cái nóng như thiếu đốt của mùa Hè. Điều kiện làm việc khó khăn, khắc nghiệt là thế, những cán bộ, công nhân và người lao động tham gia xây dựng cầu Thăng Long còn phải làm việc trong điều kiện thiếu thốn vật chất trăm bề. Thậm chí, có những thời điểm họ phải gồng mình làm việc trong tình trạng thiếu đói. Tuy nhiên, tất cả những khó khăn đó đều đã được khắc phục để hoàn thành mục tiêu cao nhất là sớm hoàn thành dự án, đưa cây cầu Thăng Long vào khai thác.
Cùng với sự cố gắng của cán bộ, công nhân, người lao động Việt Nam, không thể không nhắc đến sự giúp đỡ tận tình của những chuyên gia Liên Xô. “Trong lúc công trình cầu Thăng Long ở vào giai đoạn khó khăn nhất, chúng ta đã nhận được sự giúp đỡ rất nhiệt thành của những người bạn Liên Xô” - ông Hoàng Minh Chúc khẳng định.
Trong trí nhớ của ông, một trong những kỷ niệm đẹp nhất của khoảng thời gian thi công cầu Thăng Long chính là những lần ông và đoàn cán bộ, công nhân của Liên hiệp các xí nghiệp xây dựng cầu Thăng Long sum vầy bên mâm cơm gia đình cùng với những người bạn chuyên gia Liên Xô nhân ngày Tết cổ truyền của dân tộc.
“Những người bạn Liên Xô cùng quây quần với chúng tôi bên mâm cơm gia đình. Lúc đó, không còn khoảng cách, ranh giới của những người bạn ở hai đất nước cách xa hàng nghìn cây số” - ông Hoàng Minh Chúc nhớ lại.
Cầu Thăng Long có 2 tầng dùng chung cho đường sắt và đường bộ, trong đó cầu dành cho ô tô lưu thông ở tầng 2, phần đường ô tô rộng 16,5m gồm 4 làn xe, chiều rộng hành lang bộ hành hai bên 2m. Những ngày cả nước và Thủ đô đang kỷ niệm 75 năm Ngày Quốc khánh (2/9), cây cầu lịch sử đang được sửa chữa sau một chặng đường phục vụ sự phát triển của đất nước.
Trong lần đại tu thứ 3 này, cầu Thăng Long được bóc sạch lớp bê tông, lớp keo dính hiện hữu để phủ lại bề mặt bằng công nghệ mới. Tổng kinh phí sửa chữa lên tới gần 270 tỷ đồng. Người dân Thủ đô hy vọng, đợt sửa chữa này, cầu Thăng Long sẽ mang một diện mạo mới, đồng thời phục vụ tốt hơn nhu cầu giao thông vận tải của Thủ đô cũng như các địa phương lân cận.
Cầu Thăng Long là cây cầu có nhiều nét đặc thù so với tất cả những cây cầu khác ở Việt Nam. Một trong những nét đặc thù đó là việc cây cầu này tham gia vào tất cả các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội. Cây cầu này không chỉ là cầu dành cho ô tô mà còn tích hợp cả cầu đường sắt, cầu hỗn hợp dành cho các loại xe thô sơ và thậm chí vừa rồi còn được trao thêm nhiệm vụ “cõng” hai đường ống nước. Tất cả những gì nặng nhọc nhất, đông đúc nhất đều dồn cho cầu Thăng Long. So sánh như thế mới thấy lâu nay cầu Thăng Long đã luôn phải mang trên mình sứ mệnh đặc biệt và những nhiệm vụ hết sức nặng nề. GS.TS Trần Đức Nhiệm - Trường Đại học GTVT |