Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cầu Thăng Long - công trình thế kỷ

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cận Tết Tân Sửu 2021, cầu Thăng Long đã chính thức được thông xe trở lại sau nhiều tháng “đại tu”. 36 năm vận hành, trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, cây cầu thế kỷ thể hiện tình hữu nghị Việt - Xô ngày càng khẳng định rõ vai trò, tầm quan trọng trong giao thông của Thủ đô.

Trường kỳ xây dựng “giấc mơ vượt sông Hồng”
Đầu Xuân, mưa lất phất bay, dòng ô tô nườm nượp nối đuôi nhau lưu thông trên cầu Thăng Long. Mặt cầu vừa được sửa bằng công nghệ chế tạo và thi công bê tông siêu tính năng, thảm mịn nên xe chạy êm ru. Sau khi sửa chữa, cầu Thăng Long như được khoác lên mình chiếc áo mới, rộn ràng đón Xuân.

Ngược dòng thời gian, ngày 9/5/1985, nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng phát xít, ở phía Tây Bắc Hà Nội, một công trình lớn được khánh thành long trọng. Đó chính là cầu Thăng Long, gồm hai tầng bắc qua sông Hồng. Tầng trên dành cho ô tô, xe máy và các loại phương tiện khác; tầng dưới dành cho đường sắt. Chiều dài cầu đường sắt hơn 5km; cầu đường bộ cho ô tô dài trên 3,1km. Tổng chiều dài của toàn bộ cầu xấp xỉ 10,7km, dài nhất trong những cây cầu tại Việt Nam lúc đó.

 Biểu tượng của tình hữu nghị giữa Liên Xô và Việt Nam tại cầu Thăng Long. Ảnh: Phạm Hùng
Ngoài chiều dài cầu, công nghệ sử dụng để xây dựng cầu Thăng Long cũng được đánh giá là hiện đại nhất vào thời điểm bấy giờ. Để hoàn thành công trình hiện đại này là cả một quá trình nhiều trắc trở, chông gai, thậm chí từng có lo ngại dự án sẽ không thể xây dựng được. Đây cũng chính là lý do khiến cầu Thăng Long vẫn đang nắm giữ kỷ lục về thời gian xây dựng dài nhất, khoảng 11 năm.
Giai đoạn đầu tiên, cây cầu được thiết kế và thi công bởi các kỹ sư Trung Quốc. Tuy nhiên, khi công trình mới thi công được khoảng 20% khối lượng, năm 1978, phía Trung Quốc đột ngột ngừng lại, cắt viện trợ và rút hết chuyên gia về nước, để lại bên sông Hồng một cây cầu dở dang.

Những tưởng giấc mơ về cây cầu hiện đại nhất nước bắc qua sông Hồng thời điểm đó phải bỏ dở thì không lâu sau đó, Liên Xô quyết định vào cuộc giúp Việt Nam viết nốt câu chuyện cổ tích mang tên cầu Thăng Long. Ngày 3/11/1978, Hiệp định liên Chính phủ Việt Nam - Liên Xô được ký kết. Phía Liên Xô cung cấp cho Việt Nam các vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng mác cao, dầm thép, máy móc thiết bị thi công, cử chuyên gia sang làm việc.
Đến tháng 6/1979, dự án xây dựng cầu Thăng Long được tái khởi động. Và với sự giúp đỡ nhiệt thành của những người bạn Liên Xô, năm 1985, cầu Thăng Long chính thức hoàn thành và đưa vào khai thác. Công trình này không chỉ là một biểu tượng vững bền cho tình hữu nghị Việt Nam - Liên Xô mà còn là bằng chứng cho tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước ta vào thời điểm đó.

Tầm nhìn thế kỷ

Gian nan, trường kỳ là thế nhưng sau khi khánh thành, cầu Thăng Long lại rơi vào tình trạng vắng vẻ do lượng người và phương tiện đi qua không nhiều. Cả một công trình kỳ vĩ bắc ngang sông Hồng vào thời điểm đó rơi vào cảnh hoang vắng, lạnh lẽo. Nguyên nhân được chỉ ra là vào thời điểm khánh thành cầu Thăng Long, phương tiện phổ biến của người dân Hà Nội cũng như các địa phương chỉ là xe đạp (xe máy rất ít và ô tô lại càng hiếm) trong khi cầu Thăng Long là công trình xây dựng kiên cố, hiện đại, phù hợp với ô tô, xe máy nên nhu cầu sử dụng cầu lúc này không lớn. Hơn nữa, phía dưới sông Hồng, gần ngay khu vực có cầu Thăng Long, bến phà Chèm vẫn đang hoạt động.
Tuy nhiên, ít ai biết được rằng, chỉ một năm sau khi khánh thành cầu Thăng Long, năm 1986 nước ta bước vào thời kỳ đổi mới toàn diện. Công cuộc đổi mới mang lại những thành quả to lớn làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội của toàn quốc. Nền kinh tế phát triển, đời sống người dân được nâng cao, phương tiện cơ giới được mua sắm nhiều hơn, những chuyến bay lên xuống sân bay Nội Bài cũng ngày một lớn. Những dòng xe máy, ô tô đi qua cầu Thăng Long đến sân bay cũng ngày một dày hơn. Từ đó đến nay, trải qua 35 năm khai thác, vai trò, giá trị của cầu Thăng Long đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung càng thể hiện một cách rõ rệt.

Một chi tiết khá đặc biệt trong Lễ thông xe dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long diễn ra hôm 7/1/2021, khi Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đang phát biểu đột nhiên từ phía dưới cầu phát ra tiếng ồn lớn. Sau một hồi ngỡ ngàng, mọi người mới nhận ra, âm thanh đó xuất hiện bởi một đoàn tàu đi qua cầu. Phó Thủ tướng tạm dừng phát biểu và nở nụ cười tươi. Chi tiết này càng làm nổi bật lên sự đặc biệt của cầu Thăng Long bởi đây là cây cầu duy nhất của Việt Nam đảm nhiệm nhiều vai trò, vừa là đường bộ, vừa là đường sắt, đồng thời cũng trở thành cầu nối của đường dẫn nước sạch nối liền đôi bờ sông Hồng.
 Cầu Thăng Long trong ngày thông xe sau 5 tháng ''đại tu''. Ảnh: Phạm Hùng
Mấy chục năm qua, cây cầu này đã hoạt động hết công suất nên bề mặt mới nhiều lần xuất hiện hư hỏng xuống cấp. Vừa qua, cây cầu đã được “đại tu” bằng công nghệ hiện đại do chính những nhà khoa học “nội” của trường Đại học GTVT nghiên cứu trên cơ sở công nghệ gốc từ châu Âu. Cầu được đưa vào thông xe ngay trước thời điểm Tết Nguyên đán Tân Sửu càng có giá trị quan trọng trong thông thương, như một món quà Xuân đầy ý nghĩa.

Hiện nay, đường nối lên sân bay Nội Bài đã không còn bó hẹp mỗi cầu Thăng Long nữa. Tuy nhiên, với ý nghĩa, tầm vóc quan trọng của “cây cầu hữu nghị” này, việc khai thác, bảo vệ cầu Thăng Long sẽ luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Như Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã khẳng định tầm quan trọng của công trình này bằng một câu ngắn gọn nhưng súc tích: “Cầu nối Hà Nội với sân bay Nội Bài nên không thể để hư hỏng”.