Cầu thang văn hóa: 15 năm gắn kết cộng đồng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy sẽ thấy nhiều khu chung cư treo tấm biển “Cầu thang an ninh - văn hóa” ngay lối vào.

Bà Đinh Thị Thi ngồi đọc báo tại cầu thang văn hóa A3 Bắc Nghĩa Tân.  	Ảnh: Thanh Hải
Bà Đinh Thị Thi ngồi đọc báo tại cầu thang văn hóa A3 Bắc Nghĩa Tân. Ảnh: Thanh Hải
Để có được không gian sinh hoạt cộng đồng khi kết hợp xây dựng thư viện ngay tại cầu thang của tòa nhà, 15 năm qua, rất nhiều người đã góp công, góp của vì một mô hình văn minh thanh lịch nơi thành thị.

15 năm và 100 triệu đồng

Theo trí nhớ của ông Đào Văn Thụ - Tổ trưởng Tổ dân phố 27 (tổ 35 cũ), phường Bắc Nghĩa Tân, 15 năm trước theo cảm nhận của nhiều người, lối sống nơi thành thị đang thiếu sự gắn kết cộng đồng, nên một số cán bộ cao tuổi đã đưa ra ý tưởng xây dựng “Cầu thang văn hóa” khu dân cư. Thời gian đầu gặp rất nhiều ý kiến phản đối của bà con lối xóm, bởi không gian chung của tòa nhà A3 chỉ hơn 10m2 vốn đã chật chội, giờ lại biến thành nơi kê bàn đọc sách là rất khó. Chưa kể nguồn kinh phí lấy ở đâu, ai trông coi thư viện... Tuy nhiên, các ông bà Nguyễn Thị Hải, Đỗ Minh Thủy, Trần Chất - các thành viên tích cực nhất, đều đặn hàng ngày góp 4 - 5 đầu báo cho thư viện. Khi góc sinh hoạt nhỏ nhắn này bắt đầu thành nơi đông vui nhất của người lớn tuổi sau khi con đi làm, cháu đi học, thì 18 hộ dân của khu tập thể nhà A3 đã hồ hởi tham gia xây dựng thư viện. Cho đến nay, hàng ngày thư viện đều đặn nhận được hơn 30 đầu báo cùng nhiều loại tạp chí và hơn 400 cuốn sách. “Để có kinh phí mua sách báo, các đảng viên, các cựu chiến binh là những người tự nguyện đi trước ủng hộ thành lập quỹ. Đến nay, mỗi quý các hộ dân trong khu nhà A3 ủng hộ từ 1,5 - 2 triệu đồng để mua sách báo. Trong 15 năm qua, người dân đã ủng hộ hơn 100 triệu đồng” - ông Đào Văn Thụ “khoe”.

Bà Nguyễn Thị Hải, ở khu A3 cho biết, dù là không gian mở, không có cửa, không có khóa, nhưng số báo bị “mất tích” không nhiều, ai cũng có tinh thần đóng góp, gìn giữ như tài sản của mình. Mọi người đọc báo xong, gấp gọn, cất về đúng chỗ, người sau đỡ mất công tìm. Để duy trì mô hình “Cầu thang văn hóa”, một bản nội quy được xây dựng khá chặt chẽ và chi tiết. Theo đó, tất cả các hộ gia đình nhà A3, luân phiên một tuần đảm nhiệm việc quét dọn cầu thang sạch sẽ. Hàng ngày, có tổ phụ trách mua sách báo. Ngoài ra, tại đây còn đặt một bảng tin để thông báo cho người dân trong tổ những công việc của tổ, của phường và những thông tin cần thiết trong cuộc sống.

Mô hình được nhân rộng

Từ thành công của mô hình cầu thang văn hóa A3, tổ dân phố 35 (nay là tổ 27) - phường Nghĩa Tân đã nhân rộng thêm 20 cầu thang văn hóa khác tại nhà A5, A2… tạo nếp sống văn minh, thanh lịch trong khu tập thể Bắc Nghĩa Tân.

Theo các nhà nghiên cứu xã hội học, các khu đô thị, tòa nhà chung cư hiện nay mọc lên rất nhiều với sự đa dạng của các thành phần dân cư, nên trong cùng một không gian chung có sự pha trộn về phong tục, tập quán, cách sinh hoạt. Bởi vậy, để xây dựng cuộc sống văn minh ở các khu đô thị, các tòa nhà chung cư, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi người dân khi sinh hoạt ở các không gian chung như thang bộ, thang máy...

Hiện nay, toàn phường Nghĩa Tân có 176 cầu thang đăng ký xây dựng “Cầu thang văn hóa”. Trong thời gian qua, mô hình này góp phần tạo sự đồng thuận trong người dân và có sức lan tỏa mạnh.