Cầu thủ thứ 12 "vô hình" trên sân của U23 Việt Nam

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trên sân tập, đã có lúc anh là một tiền đạo kỳ bí với những pha ghi bàn chuẩn mực. Trên sân đấu, anh là cầu thủ thứ 12 "vô hình" của U23 Việt Nam. Một "tiền vệ" có khả năng phát động tấn công không kém bất cứ tiền vệ thực thụ nào.

KTĐT - Trên sân tập, đã có lúc anh là một tiền đạo kỳ bí với những pha ghi bàn chuẩn mực. Trên sân đấu, anh là cầu thủ thứ 12 "vô hình" của U23 Việt Nam. Một "tiền vệ" có khả năng phát động tấn công không kém bất cứ tiền vệ thực thụ nào.

Phút thứ 8 trong trận đấu với U23 Trung Quốc, từ một đường bóng dài tấn công sang cánh trái, tiền vệ Ma Leilei đưa bóng như đặt vào trong cho tiền đạo Zhou Liao, anh này khống chế một nhịp rồi tung cú sút ở cự ly gần. Tất cả tưởng rằng sau cú sút ấy, tỷ số đã được mở cho U23 Trung Quốc. Nhưng một nhịp chân di chuyển trước đó đã đưa cả cơ thể Tấn Trường thóp lại, ôm gọn trái bóng trong lòng rồi đổ người nằm xoài ra phía trước.

Vẫn còn đang hoài tiếc cơ hội vừa bỏ lỡ và chưa kịp quay người về phần sân nhà, các cầu thủ U23 Trung Quốc đã phải giật mình lao về chống đỡ đường lên bóng của Thanh Bình bên cánh trái. Bóng sau đó được tiền đạo người Đồng Tháp rẽ ngang, cắt mặt các trung vệ U23 Trung Quốc. Cú sút xa của Thanh Bình không đi trúng đích vì một cái chân hậu vệ bạn cản lại nhưng đổi hướng thành đường chuyền dọn cỗ cho Mai Tiến Thành băng xuống mở tỷ số.

Tua ngược lại tình huống, bóng chỉ lăn trên sân bằng sự dẫn dắt, kết thúc của 3 con người. Trong đó một người đã dùng tay để phát động tấn công. Không ai khác chính là thủ thành Tấn Trường.

Không gì phủ nhận được khả năng bắt bóng bổng của Tấn Trường là ưu điểm nội trội nhất nhưng cũng không thể phủ nhận được khả năng phát động tấn công bằng những đường ném bóng lên rất nhanh là một vũ khí lợi hại của thủ thành người Đồng Tháp.

Phút 34, Tấn Trường bắt gọn một đường treo bóng bên cánh phải của U23 Trung Quốc rồi ném một đường bóng thẳng tới gần vòng tròn trung tâm để Trọng Hoàng dẫn bóng lao lên. Trong thế 3 đánh 3, tiền vệ của Sông Lam Nghệ An chỉ cần chuẩn xác hơn một chút nữa trong việc chọc khe cho Thành Lương thì khung thành Gu Chao khó tránh khỏi sự chao đảo hay mảnh lưới rung.

Tiếp đến ở phút 45, U23 Việt Nam có thêm đợt phản công "rẽ đất" và Thanh Bình lại là người nhận bóng lao lên. Trong tình thế 2 đánh 2, cơ hội cho Việt Nam sẽ rõ ràng hơn nếu Thanh Bình không quá vội vã đưa bóng xuống cho Tiến Thành, để rồi đẩy tiền vệ của T.Ninh Bình vào thế việt vị đầy đáng tiếc. Nhưng điều đáng nói trong tình huống phản công chớp nhoáng này vẫn là sự góp mặt của Tấn Trường với một cú ném bóng chéo sân chuẩn mực.

Sang hiệp 2, không dưới 3 lần U23 Việt Nam lặp lại những đoạn đường phản công tương tự. Sự thiếu sắc sảo và quyết đoán trong những tình huống cuối cùng vẫn là điều cơ bản làm lãng phí những cơ hội mà Tấn Trường góp tay tạo dựng.

Cầu thủ thứ 12 "vô hình" trên sân của U23 Việt Nam - Ảnh 1
Chiều cao, sức bật cùng khả năng chọn chỗ giúp Tấn Trường gần như một mình làm phá sản bài tấn công biên của U23 Trung Quốc (Ảnh: Quang Minh)


Ở vai trò thực của mình, Tấn Trường cũng liên tục khiến hàng ngàn người có mặt trên sân Mỹ Đình vỗ tay khen ngợi. Nếu không có chiều cao, sự ra vào chắc chắn và cả lòng quả cảm trong những tình huống tung người đấm bóng trên đầu đối phương thì có lẽ U23 Việt Nam đã không thể cản được đối phương chơi bài tạt cánh đánh đầu.

Sau trận đấu, HLV Li Xiaoquang của U23 Trung Quốc đã phải thốt lên lời khen ngợi hàng thủ Việt Nam, trong đó có thủ thành Tấn Trường. Nhưng điều mà HLV Li Xiaoquang nhìn thấy và cất lời khen ngợi có lẽ chỉ là những cuộc chiến trên không với phần thắng nghiêng về thủ thành của U23 Việt Nam.

Ngược lại, HLV Calisto biết mình đang nắm trong tay một "tiền vệ trụ vô hình" thứ 2 trên sân với khả năng phòng ngự bóng bổng và giành bóng phát động tấn công cực kỳ lợi hại. Đó thực sự là một vũ khí mới ở U23 Việt Nam. Cầu thủ "vô hình" thứ 12 này sẽ góp phần đa dạng hóa ngón nghề sở trưởng 4-5-1 đã và đang gặt hái về nhiều kỳ tích cho bóng đá Việt Nam gần một năm trở lại đây.