Cày gãy tại “môm”!

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Cày gãy tại môm, chồng đánh tại mồm” là câu của các cụ ở quê khi nói về những phụ nữ vì lắm mồm mà bị đức lang quân bạo hành...

Bởi thời xưa, trong làng ngoài xóm, phàm những gia đình nào hay lục đục, nguyên nhân có một phần không nhỏ xuất phát từ việc lắm điều của các bà vợ!

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ngày nay không ai “khuyến khích” hay “cổ súy” chuyện đàn ông đánh vợ, bởi pháp luật không cho phép và vi phạm đạo đức. Tuy nhiên trong cuộc sống nói chung và hôn nhân nói riêng, không có điều gì là không thể diễn ra. Tình cảm con người, quan hệ gia đình thì thời nào cũng vậy, lúc vui - lúc buồn, lúc đầm ấm, khi lạnh nhạt; bởi dân gian vẫn có câu “đến bát đũa còn có lúc va chạm”.

Dẫu không còn lam lũ một nắng hai sương như thời trước, nhưng quanh năm phụ nữ ở quê vẫn có phần chịu thiệt thòi, chuyện xích mích của các cặp vợ chồng trẻ thời xảy ra thường xuyên hơn, và tỉ lệ ly hôn ở làng tôi cao hơn trước nhiều lắm. Nguyên nhân dẫn đến sự tan vỡ của nhiều cặp đôi thì nhiều, nhưng trong đó phải kể đến sự mồm năm - miệng mười, cái ngoa ngoắt của không ít chị em…

Khánh và Huyền là cặp đôi đẹp của làng tôi. Cưới nhau hơn 20 năm, con cái thì nếp - tẻ có đủ. Do chịu khó làm lụng, nên kinh tế gia đình họ cũng thuộc hạng có của ăn, của để, người ngoài nhìn vào, ai cũng thầm ghen với hạnh phúc của họ. Vậy mà vừa rồi cái tổ ấm kia tan đàn xẻ nghé, nguyên nhân bắt nguồn từ sự lắm lời của cô vợ.

Khánh làm cai thợ xây, trong tay có tốp thợ hơn chục người. Thời khó khăn, hết ngày, thợ thuyền, chủ tớ, ai về nhà nấy, trừ khi gia chủ mời “bữa vào, bữa ra”. Rồi cuộc sống dần thay đổi, nhưng nghề thợ xây thì vất vả, nên hết ngày làm việc, đám thợ thuyền thường “thư giãn” bằng cốc bia hơi, đĩa lạc luộc… Vậy nên những bữa cơm gia đình hay phải đợi lắm lúc vắng mặt ông chủ.

Ban đầu Huyền chỉ lằn nhằn, lâu dần là cạnh khóe, rồi vợ chồng lục đục. Biết tính vợ, Khánh cũng cố nhịn, và bỏ bớt thú vui. Nhưng những buổi bia cỏ với anh em đã thành lệ, chẳng nhẽ mười bữa mà ông “cai thầu” lại bỏ đi năm sáu… Vậy là những hôm Khánh về muộn, trở thành cái “cớ” cho Huyền chửi chồng.

Vốn ngắn học, nên sự chửi chồng của Huyền rất ngoa ngoắt, do là người biết nghĩ nên Khánh nghe nhưng… để ngoài tai. Nhưng sự đời “con giun xéo lắm cũng quằn”, mà đàn ông khi đã có “tí dấm, tí mẻ” vào rồi thì rất dễ nổi đóa.

Những lần cãi vã, thượng cẳng chân, hạ cẳng tay giữa vợ chồng Khánh - Huyền diễn ra mỗi lúc một dày. Sau nhiều trận “nội chiến”, vài năm “chiến tranh lạnh”, họ chia tay, cả làng ai cũng tiếc cho hạnh phúc gia đình họ một thời.

Với đàn bà ở cái tuổi ngoại 40 như Huyền, việc đi bước nữa nghe ra rất khó, và sau một thời gian suy nghĩ Khánh đã bỏ bớt “tật bia cỏ”, nghe đâu họ sắp quay về với nhau…

Chuyện nhà Khánh - Huyền trở thành đề đàm tiếu tài cho cánh đàn ông mỗi khi rượu vào. Đám trẻ con trong làng truyền tai nhau mấy câu hát xuyên tạc từ bài “Điều đó phụ thuộc hành động của bạn” (một ca khúc về bảo vệ môi trường), chúng hát rằng: “Một tối nhà đang yên ấm, ngoác mồm bạn nói vài câu/ Chồng đánh phụ thuộc vào mồm của bạn/ Chỉ thuộc vào bạn mà thôi”. Cánh đàn ông trong xóm mỗi khi đẫy rượu, vẫn rống lên mấy câu tếu táo trên, cứ như một đám rồ!