Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cây tầm gửi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một thực tế đã được nhắc đến rất nhiều lần với nhiều lời cảnh báo, nhưng vẫn ngày càng có nhiều gia đình do điều kiện kinh tế, do lo sợ những va vấp ngoài xã hội mà luôn “ủ” con thật kỹ trong vòng tay.

Và với những đứa trẻ được cưng chiều quá mức, nếu may mắn không hư hỏng cũng trở thành những người không thể tự chăm lo cho mình.

 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Nhiều người bạn vẫn hay gọi Thanh là “tiểu thư” có lẽ cũng không sai. Mười mấy năm đi học từ lớp mầm non cho đến đại học, bố mẹ vẫn dùng ô tô đưa đi đón về đều đặn; về nhà ngoài học và chơi ra cũng chưa từng làm một việc nhỏ nhất. Rồi đến lúc cô lấy chồng, do sợ con không biết lo toan nhà cửa, sợ chồng “chán” rồi bỏ, nên mẹ cô ngày nào cũng sang nhà nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa cho hai đứa. Gần 30 tuổi, cô vẫn chỉ là “búp bê bé bỏng của mẹ”.

Có lẽ mọi việc cứ thế đều trôi nếu không có ngày mẹ cô ốm nặng, không thể phục vụ bản thân mình. Bà nằm đấy cay đắng nhận ra rằng, “búp bê” của mình đến bát cháo cũng không biết làm sao có được để mang vào cho mẹ.

Nhiều người hay phàn nàn về việc thế hệ trẻ bây giờ không biết làm gì, thậm chí không thể kiểm soát nổi những cảm xúc của bản thân hoặc nhanh chóng thất bại trước sức ép của cuộc sống. Điều ấy hình thành một phần từ chính cách chăm sóc, nuôi dạy con của nhiều gia đình. Mỗi người một hoàn cảnh, một cách “cưng chiều”, nhưng hậu quả đổi lại gần như ai cũng phải kêu “trời”.

Một người phụ nữ kể, cậu  con trai “bé nhỏ” của chị coi bố mẹ không khác gì người hầu, nhất là khi ý thức vị thế của mình. Nó liên tục la hét: “Tại sao mẹ không giặt cái áo này cho con?”, “Tại sao mẹ lại chuẩn bị sách này, hôm nay con học Toán chứ không phải Vật lý, bực cả mình”. Mỗi khi có bạn rủ đi chơi, cũng ngồi một chỗ mà kêu “áo đâu?”, “giày đâu?”, “mũ đâu?”, còn chị phải loay hoay tìm đồ cho con. Nhiều lúc chị thấy mệt vì cậu ấm, nhưng đó là “quả” mà anh chị đã “gieo nhân” mà.

Có nhiều bậc phụ huynh luôn cố tạo cho con một môi trường sống “vô trùng”. Sáng đưa con đến trường, chiều đón về, đi đâu phải có bố mẹ theo. Việc nhà đã có người giúp việc, học hành có gia sư kèm cặp. Nhưng kết quả của việc nuông chiều ấy nhiều khi không được như ý muốn. Một câu chuyện có thật khi một cô bé quyết định rời bỏ giảng đường đại học vì không chịu nổi sức ép của việc bị bố mẹ nuôi như “gà công nghiệp”. Nhiều ông bố bà mẹ phải thốt lên rằng: “Lúc mình ốm mà con vẫn ngồi chờ bố mẹ phục vụ ăn uống, đưa đón. Buồn như muốn khóc, lúc ấy mới ân hận vì đã biến nó thành một cái cây tầm gửi có biết làm gì đâu”. Thế mới nói rằng, kỹ năng sống không được hình thành đâu xa, có ngay trong cách sống của mỗi gia đình, con trẻ có thể vững vàng trước cuộc sống hay không bắt nguồn từ chính cách nuôi dạy của cha mẹ.