Sau nhiều năm trồng, không ít vườn mắc ca ở các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai đã tươi tốt nhưng lại chẳng ra trái. Nhiều người nghi ngờ do giống cây không bảo đảm chất lượng. Chả thấy hiệu quả! Ông Vũ Yên Bình (thôn 8B, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) trồng xen với cây cà phê từ năm 2010 rồi chuyển dần sang chuyên canh mắc ca. Sau 3 năm, vườn mắc ca gần 1,5ha của ông lác đác đơm hoa. Ông nghĩ rằng cây sẽ cho trái nhiều trong những năm sau nhưng đến nay, cả vườn mắc ca chỉ cho trái lác đác. “Tôi hy vọng vườn mắc ca sẽ mang lại thu nhập để dưỡng già nhưng đến giờ vẫn không thấy hiệu quả gì” - ông Bình hoang mang.
Nhiều vườn cây mắc ca ở Tây Nguyên cho trái rất ít. |
Bà Nguyễn Thị Thưởng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Liên Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng - nhớ lại: “Năm 2010, gia đình tôi đăng ký mua 100 cây giống mắc ca trồng khảo nghiệm. Lúc đó rộ lên chuyện “cây tỉ đô”, thấy cán bộ trồng, nhiều nông dân trong xã cũng đánh liều mua cây giống trồng. Giờ cây mắc ca không ra trái nhưng chặt bỏ thì không nỡ vì tiếc công sức đầu tư”. Ông Trần Văn Thái - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Liên Hà, cho biết toàn xã có 30 hộ trồng 22ha mắc ca. Trong đó, 10ha trồng khảo nghiệm không hiệu quả. Nguyên nhân vẫn chưa xác định do giống, khí hậu hay kỹ thuật trồng. Trong khi đó, nhiều người trồng khẳng định do giống, bởi cây tăng trưởng tốt, không sâu bệnh thì chẳng lý do gì không ra trái. Ở Tây Nguyên hiện có rất nhiều nguồn cung cấp cây giống mắc ca với giá dao động 40.000 - 60.000 đồng/cây. Ngoài ra, nhiều hộ tự ươm giống để trồng và bán nhưng lại không được kiểm định chất lượng. Ông Trần Văn N. - chủ một cơ sở ươm giống ở TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng - thừa nhận cách đây hơn một năm, số người tìm mua cây giống mắc ca rất nhiều. Thấy vậy, ông mua hạt về ươm gần 3.000 cây vừa trồng vừa bán nhưng cũng không biết chất lượng giống ra sao. Nhiều người khác cũng làm như ông. Thả nổi chất lượng cây giống TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk hiện có cả trăm vườn ươm cây giống mắc ca nhưng không được kiểm soát chất lượng. Chỉ trên đường Nguyễn Lương Bằng (khu vực gần Viện Khoa học Kỹ thuật nông - lâm - nghiệp Tây Nguyên) có gần 100 cơ sở bán cây giống mắc ca. Chủ một vườn ươm ở khu vực này cho biết từ đầu năm đến nay đã bán hơn 1.000 cây giống với giá 40.000 - 50.000 đồng/cây. TS Trần Vinh - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông - lâm - nghiệp Tây Nguyên, nhận định lượng cây giống bán ra cho thấy vài năm trở lại đây, diện tích cây mắc ca đã tăng đột biến, trong khi chưa thấy dấu hiệu loại cây này sẽ phát triển bền vững. Đây là giống cây trồng mới, cần nghiên cứu thêm về đất đai, khí hậu, kỹ thuật, cây giống… để xác định có nên trồng hay không. Theo TS Vinh, thị trường hiện có 2 loại giống là ghép và thực sinh (ươm hạt) nhưng viện đánh giá chỉ có giống ghép mới cho sản lượng cao và ổn định trong nhiều năm. Viện đã trồng thử nghiệm nhiều giống nhưng kết quả không đồng đều, có loại cho khoảng 10kg hạt/cây nhưng có loại chỉ 0,2 - 0,3kg. “Qua nhiều năm nghiên cứu, tôi thấy chất lượng giống quyết định năng suất cây mắc ca” - ông Vinh đúc kết. TS Vinh cho biết nhiều cây giống giả đã xuất hiện. Trên đường Nguyễn Lương Bằng có gần 100 cơ sở kinh doanh cây giống mắc ca lấy thương hiệu Ea Kmát của Viện Khoa học Kỹ thuật nông - lâm - nghiệp Tây Nguyên, trong khi viện không cung cấp giống cho các vườn ươm này. Trong khi đó, không có cơ quan chức năng nào kiểm soát chất lượng cây giống ở các cơ sở ươm giống và hậu quả là người trồng phải gánh chịu.
Giá cây giống ngất ngưởng Ông Nguyễn Trúc Bồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng, cho biết mặc dù Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khuyến cáo nhưng người dân vẫn tự ý tăng diện tích trồng cây mắc ca. “Việc đổ xô trồng bằng các loại giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc khiến giá cây giống mắc ca cao ngất ngưởng, bất lợi cho người trồng” - ông Sơn lo ngại. |