Nỗi lo về pháo sáng không chỉ ở trận đấu giữa Hà Nội FC và CLB Hải Phòng mà là sự việc lặp đi lặp lại, gây tai tiếng ra cả thế giới.
Đốt pháo thành thói quen
Việc đốt pháo sáng được xem là một trong những phong cách cổ vũ đặc trưng của các nhóm ultras (CĐV quá khích), tập hợp các CĐV trung thành và có phần cứng đầu nhất của đội bóng. Các hội ultras thì hầu như nền bóng đá nào cũng có, đặc biệt ở Đông Âu và Nam Mỹ. Với các nền bóng đá Tây Âu, một số quốc gia và giải đấu vẫn còn tồn tại việc đốt pháo sáng như: San Siro (Italy) hay Velodrome (Pháp). Nhưng đốt pháo sáng cũng thường chỉ tập trung ở một khu vực khán đài vốn dành riêng cho nhóm ultras.
Về bản chất, pháo sáng được sử dụng trong hoạt động cứu nạn trên biển, khi đốt có thể cháy lên đến nhiệt độ 1.600oC và làm nấu chảy thép. Vì thế, đốt pháo sáng luôn chứa đựng nguy cơ gây nguy hiểm, thậm chí có cả những trường hợp tử vong. Tuy nhiên, hiện nay việc các CĐV Việt Nam lạm dụng pháo sáng tại các sân cỏ ngày càng phổ biến.
Cách đây một năm, V-League 2018 mở màn bằng trận cầu tệ hại đối với CĐV Hải Phòng khi hàng chục quả pháo sáng cùng tiền âm phủ được ném xuống sân. Các CĐV còn hô vang thách thức lực lượng an ninh: "Đốt pháo sáng, đốt pháo sáng".
Ban Kỷ luật Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã phạt mức tối thiểu là 20 triệu đồng và chủ động tuyên truyền, nhắc nhở, mong muốn CĐV đất Cảng nêu cao ý thức tự giác. Tính riêng mùa bóng 2018, CĐV Hải Phòng đã khiến đội nhà phải nộp phạt tới 310 triệu đồng vì đốt pháo sáng trong các trận đấu.
Và điều tương tự lại xuất hiện trên sân hàng Đẫy vào tối 21/4. Trong một trận đấu giữa CLB Hải Phòng và Hà Nội FC, bên cạnh sự quan tâm về chất lượng chuyên môn thì “cầu thủ thứ 12” của Hải Phòng gây chú ý bằng hình ảnh phản cảm. Hàng chục quả pháo sáng, chai lọ và tiền âm phủ tiếp tục được ném xuống sân tạo nên một “cơn mưa” pháo tại Hàng Đẫy.
Ngay sau trận đấu, Tổng cục Thể dục thể thao (TDTT) đã ra công văn số 568/TCTDTT-VP gửi VFF về việc chấn chỉnh hiện tượng đốt pháo sáng. Bên cạnh đó, Tổng cục TDTT cũng yêu cầu VFF chỉ đạo Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), Ban tổ chức giải và Ban tổ chức sân Hàng Đẫy nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân có liên quan, trên cơ sở đó có biện pháp kỷ luật nghiêm minh đối với các tập thể, cá nhân vi phạm.
Chế tài cần phải đủ mạnh
Nhìn ra các nước bạn trên thế giới, tại các khán đài của sân vận động sẽ có camera giám sát, nếu như có CĐV đốt pháo sáng bị phát hiện sẽ bị cấm tới sân. Ở Việt Nam bài toán này chưa có lời giải.
Theo chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương, việc đốt pháo sáng tại các trận đấu dường như đã thành thói quen đối với CĐV Hải Phòng và lỗi đầu tiên thuộc về khâu kiểm soát của Ban tổ chức. Ngoài ra, các án phạt chưa đủ sức răn đe đối với những CĐV quá khích.
“Cần phải tăng cường công tác an ninh, lực lượng công an, giám sát CĐV. Cùng với đó, phải phạt thật nặng Ban tổ chức sân Hàng Đẫy, CĐV Hải Phòng, CLB Hải Phòng như Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đã phạt Viêt Nam để răn đe. Thậm chí, có thể phạt Hải Phòng đá sân trung lập, sân không có CĐV” – ông Đoàn Minh Xương nói.
Trong khi đó, chuyên gia bóng đá Nguyễn Thành Vinh – cựu HLV trưởng CLB Sông Lam Nghệ An cho rằng, bản thân VFF không cương quyết xử lý nên các CĐV không sợ. “Bóng đá không thể là môn chơi mang tính bạo loạn. Vì hình ảnh phản cảm từ CĐV sẽ ảnh hưởng đến nhiều mặt của bóng đá nước nhà. Tôi nghĩ công an cần điều tra bắt được CĐV vi phạm” – ông Nguyễn Thành Vinh nhấn mạnh.
Tại trận bán kết ASIAD 2018 giữa Việt Nam và Hàn Quốc, một số CĐV quá khích đến từ Việt Nam đã đốt pháo sáng trên khán đài, ăn mừng bàn thắng của Minh Vương ở phút 71. Ngay sau đó VFF đã bị phạt 12.500 USD. Đồng thời AFC cũng đưa ra cảnh báo, nếu còn tiếp diễn trong các trận đấu quốc tế của các ĐTQG Việt Nam, bóng đá Việt Nam sẽ phải đối diện với hình thức kỷ luật nặng hơn. Một trong những trường hợp có thể xảy ra là đưa sang sân trung lập hoặc đóng cửa sân thi đấu. |