Top 10 Công ty Bán lẻ uy tín năm 2021 được xây dựng dựa trên nguyên tắc khoa học và khách quan. Các công ty được đánh giá, xếp hạng dựa trên các tiêu chí: Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất; Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; Khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan được thực hiện trong tháng 8 và 9/2021.
Kết quả đánh giá cho thấy, trong nhóm hàng tiêu dùng nhanh và siêu thị, top 3 doanh nghiệp dẫn đầu về uy tín bao gồm các tên tuổi như Tập đoàn Central Retail Việt Nam, Công ty cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp Wincommerce, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh.
Từ những ngày đầu có mặt tại Việt Nam, tập đoàn Central Retail liên tục mở rộng hệ thống cửa hàng và đa dạng hóa các hạng mục kinh doanh với 3 lĩnh vực chính: Bán lẻ thực phẩm; khối gia dụng, nội thất, giải trí; và trung tâm thương mại, với các thương hiệu nổi bật như: GO!, Tops Market, Big C, go!, Lan Chi Mart, Nguyen Kim, Supersports, LookKool, Kubo, BIPBIP, và Robins…
Tính đến nay, Central Retail đã từng bước trở thành một trong những nhà bán lẻ đa lĩnh vực có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, với hơn 290 cửa hàng và 38 trung tâm thương mại trải dài khắp 39 tỉnh thành trên cả nước. Tổng diện tích bán lẻ lên đến hơn 1 triệu m2 qua đó tạo công ăn việc làm cho khoảng 15.000 lao động.
Tổng Giám đốc tập đoàn Central Retail Olivier Langlet cho biết, doanh nghiệp rất lấy làm vinh dự khi được một tổ chức xếp hạng uy tín như Vietnam Report vinh danh ở vị trí quán quân trong Top 10 Công ty uy tín ngành Bán lẻ năm 2021. Có được kết quả này, trước hết là nhờ sự nỗ lực của toàn thể nhân viên không quản ngại khó khăn, nguy hiểm do dịch Covid-19 gây ra nhưng vẫn chăm chỉ, phục vụ người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, Central Retail rất tin tưởng vào môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Do đó, trong năm 2021 Central Retail không ngừng phát triển mở rộng các trung tâm thương mại và đại siêu thị mới, như GO! Thái Nguyên, GO! Bà Rịa - Vũng Tàu, và sắp tới đây là GO! Thái Bình.
Thông tin từ Ban tổ chức cho thấy, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng ngành bán lẻ vẫn tăng trưởng khả quan trong những tháng đầu năm 2021. Tuy nhiên làn sóng Covid-19 lần thứ tư quay trở lại từ tháng 5/2021 mang theo biến thể mới với cường độ lớn hơn, nhiều tỉnh, thành kinh tế trọng điểm thực hiện siết chặt giãn cách và phong tỏa từ tháng 7 đã hạn chế rất nhiều dịch vụ trực tiếp tại các cửa hàng, khiến cho tốc độ tăng trưởng của ngành bán lẻ so với cùng kỳ năm trước bị giảm mạnh.
Tuy vậy, kênh bán lẻ vẫn đang khẳng định vai trò quan trọng trong phân phối hàng hóa, kết nối giữa sản xuất và tiêu dùng. "Trước đây, hệ thống bán lẻ hiện đại chỉ chiếm 30% nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, nhưng khi nhiều chợ truyền thống vẫn còn đóng cửa, các cửa hàng, siêu thị đã và đang nỗ lực thích ứng kịp thời, chung tay cùng chính quyền và các đơn vị liên quan để phục vụ cho người dân các loại hàng hóa thiết yếu, nhu yếu phẩm", báo cáo cho hay.
Nhưng trước những diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19, nguy cơ lạm phát gia tăng, các chuyên gia cũng như doanh nghiệp trong khảo sát của Vietnam Report cũng thận trọng và dè dặt hơn trong nhận định về triển vọng của ngành bán lẻ trong những tháng cuối năm.
Theo đó, có 61,9% doanh nghiệp và chuyên gia đánh giá nhóm ngành hàng lâu bền sẽ khó khăn hơn rất nhiều, trong khi nhóm bán lẻ hàng tiêu dùng có phần tươi sáng hơn. Cụ thể, 56,52% ý kiến cho rằng ngành bán lẻ tiêu dùng sẽ khó khăn hơn một chút, 26,09% đánh giá khó khăn hơn nhiều và có 8,7% đánh giá khả quan hơn một chút.
Bên cạnh đó, khoảng gần 40% doanh nghiệp bán lẻ trong khảo sát của Vietnam Report cho rằng, phải mất đến 7 - 12 tháng thì doanh thu của ngành bán lẻ mới có thể phục hồi sau làn sóng Covid-19 lần thứ tư. Ngoài ra, có 20% doanh nghiệp thuộc nhóm hàng tiêu dùng nhanh nhận định thị trường sẽ phục hồi sau khoảng 6 tháng, sau khi du lịch mở cửa và người dân hoạt động nhộn nhịp trở lại.