Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

CEO UDIC và triết lý kinh doanh “hướng tới sự bền vững”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những bất ổn của nền kinh tế thế giới trong những năm vừa qua đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) nói chung, trong đó lĩnh vực xây dựng, BĐS đã bị ảnh hưởng nặng nề.

CEO UDIC và triết lý kinh doanh “hướng tới sự bền vững” - Ảnh 1
Đến thời điểm này, có thể nói cơn lốc suy thoái đã qua nhưng giải quyết những hậu quả để lại cần thời gian và nỗ lực không nhỏ. Trong bối cảnh đó, một bộ phận doanh nghiệp đã bị loại khỏi cuộc chơi, một bộ phận doanh nghiệp đang gượng dậy, nhưng  cũng có những doanh nghiệp vẫn sống khỏe, thậm chí còn phát triển rất tốt.

Vậy bí quyết nào giúp doanh nghiệp đứng vững trước sự tàn phá của cuộc suy thoái - Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Quang, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng UDIC - một doanh nghiệp đã phát triển ổn định, bền vững, thậm chí còn mở rộng thị trường trong những năm sóng gió vừa qua của ngành xây dựng.

Trong mấy năm vừa qua, báo cáo hoạt động SXKD của các doanh nghiệp ngành xây dựng thường rất buồn tẻ với những số liệu đi xuống cùng với những lời “than thở” và đề nghị giải cứu. Trong bức tranh chung đó, những con số ấn tượng mà UDIC đã đạt được đã tạo nên sự chú ý. Vậy bí quyết nào đã giúp cho UDIC đứng vững trong bối cảnh đầy thách thức đó thưa ông?

- TGĐ Nguyễn Minh Quang: Nói ngắn gọn, đó là chiến lược đầu tư chiều sâu, phân tích, đánh giá đúng thị trường, đầu tư vào những dự án, những phân khúc mà thị trường đang thiếu, không đầu tư tràn lan, dàn trải. Bên cạnh đó, cần phải có nguồn lực tài chính mạnh, đầu tư bằng nội lực của doanh nghiệp, hạn chế tối đa việc sử dụng vốn vay để đầu tư. 
Phối cảnh N04.
Phối cảnh N04.
Nếu chỉ nhìn vào những con số có thể chủ quan mà cho rằng những khó khăn của thị trường không chạm đến những doanh nghiệp có tiềm lực vững như UDIC. Nhưng thực tế chắc cũng không dễ dàng để chèo lái con thuyền doanh nghiệp trong những năm qua?

- TGĐ Nguyễn Minh Quang: Cũng giống như những doanh nghiệp xây dựng khác, khi thị trường trầm lắng, giá vật tư nguyên vật liệu đầu vào thường xuyên biến động làm cho chi phí thi công xây lắp tăng nhanh trong khi nguồn kinh phí phục vụ cho sản xuất còn hạn hẹp… là những thách thức lớn đối với UDIC. Vì vậy, ngoài việc xác định chiến lược SXKD, xây dựng thị trường mục tiêu, UDIC đã tập trung cơ cấu lại các dự án đầu tư cho phù hợp năng lực và nhu cầu của thị trường. Đối với những dự án đang triển khai thi công có kế hoạch vốn cụ thể, UDIC bảo đảm tiến độ đã cam kết, sớm thu hồi vốn đầu tư. Việc tái cơ cấu trong từng doanh nghiệp, tăng chất lượng dịch vụ, bán hàng, lập hồ sơ thanh quyết toán thu hồi công nợ… là một trong những ưu tiên của Tổng công ty. Đến nay, các nhóm giải pháp đều đã đem lại những kết quả khả quan, Tổng công ty vẫn luôn duy trì sự ổn định, SXKD có lãi, chất lượng sản phẩm - công trình xây dựng được nâng cao, thu nhập của người lao động được bảo đảm. Kết quả SXKD 9 tháng năm 2015 doanh thu đạt 4.231 tỷ đồng bằng  60% so với kế hoạch, nộp ngân sách đạt 495 tỷ đồng.

Thị trường những tháng đầu năm đã có những dấu hiệu khởi sắc, ông đánh giá thế nào về diễn biến thị trường trong thời gian tới?

- TGĐ Nguyễn Minh Quang: Thống kê của Hiệp hội BĐS VN cho thấy, 9 tháng cả nước có khoảng 30.000 lượt giao dịch BĐS được thực hiện - con số này bằng giao dịch cả năm 2014. Những con số này có thể chưa phản ánh được sự phục hồi của thị trường nhưng cũng minh chứng cho thấy niềm tin đã được phục hồi đáng kể. Điều này là cơ sở để chúng ta có thể hy vọng vào một xu hướng mới, xu hướng phát triển của thị trường BĐS trong thời gian tới. Đáng chú ý, thị trường căn hộ cao cấp đã hồi phục mạnh mẽ trong thời gian gần đây với hàng loạt các dự án được bung ra thị trường trong phạm vi cả nước. Có thể thấy thị trường có dấu hiệu phục hồi, bước vào chu kỳ mới, sức mua bắt đầu tăng trở lại. Bên cạnh đó là sự tiếp sức mạnh mẽ từ nguồn vốn tín dụng khi mà việc tiếp cận nguồn vốn vay cũng như lãi suất cho vay đang ở mức phù hợp. Ngoài ra, kể từ ngày 1/7, Luật Nhà ở có hiệu lực, cho phép người nước ngoài và Việt kiều được mua nhà ở Việt Nam đã tạo ra một yếu tố tâm lý tốt đối với phân khúc căn hộ cao cấp.

Trong trung hạn, với những ảnh hưởng tích cực của Luật Kinh doanh BĐS và Luật Nhà ở, đặc biệt là quy định cho phép người nước ngoài và Việt kiều sở hữu nhà ở tại Việt Nam sẽ tạo đột phá cho thị trường ở một số phân khúc nhất định. Tuy nhiên, xu hướng phát triển bùng nổ của thị trường BĐS chưa thể xảy ra trong ngắn hạn và trung hạn.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 104/2014 với khung giá đất tăng gấp hai lần. Nhiều doanh nghiệp rất lo lắng vì tiền sử dụng đất là một bộ phận cấu thành quan trọng của giá BĐS. Việc tăng giá bán sản phẩm lúc này có thể làm “nhụt chí” của người mua dù là để ở hay đầu tư. Trước vấn đề khó khăn này, UDIC có biện pháp nào để hóa giải?

- TGĐ Nguyễn Minh Quang:  Ở góc độ quản lý nhà nước, việc tăng giá đất lên gấp đôi là giải pháp tốt để quản lý đất đai hiệu quả, tăng nguồn thu cho ngân sách. |Còn đứng trên góc độ doanh nghiệp, điều này sẽ gây khó khăn. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh BĐS không có tiềm lực sẽ buộc phải rút khỏi thị trường vì không đủ tài chính để giải phóng mặt bằng và nộp tiền chuyển quyền sử dụng đất.

Đối với UDIC, việc giá đất tăng gấp hai lần sẽ làm tăng chi phí sản xuất trong khi giá bán nhà lại không thể tăng, bởi giá từng phân khúc hầu như thị trường đã ấn định mức giá, nếu tăng hơn so với giá thị trường rất khó giao dịch. Để giải quyết khó khăn này, Ban lãnh đạo đã tập trung chỉ đạo tái cơ cấu lại các dự án đầu tư cho phù hợp với năng lực và nhu cầu của thị trường. Để triển khai dự án, Tổng công ty có kế hoạch vốn cụ thể, đảm bảo đúng tiến độ cam kết với khách hàng. Đồng thời, nghiên cứu, tìm kiếm trên thị trường các dự án có tính khả thi, hiệu quả cao, chi phí hợp lý để đàm phán hợp tác đầu tư hoặc nhận chuyển nhượng lại. Ngoài ra, việc Luật Kinh doanh BĐS và Luật nhà ở có hiệu lực sẽ tạo một nấc thang mới trong tiếp cận vốn đầu tư nước ngoài. Đây cũng là một hướng để hóa giải quy định về khung giá đất mà các doanh nghiệp BĐS có thể nghĩ tới. 

Thị trường đang xuất hiện những yếu tố mới, vậy UDIC sẽ chọn “lối nào” để phát triển trong thời gian tới thưa ông?

- TGĐ Nguyễn Minh Quang: Trong triết lý kinh doanh, chúng tôi luôn hướng tới sự phát triển bền vững, luôn quan niệm uy tín và thương hiệu phải bắt đầu từ chính sản phẩm công trình, dự án của mình. Chúng tôi có đội ngũ chuyên gia giỏi, am hiểu thị trường, nhận biết khách hàng đang cần nhất sản phẩm gì để đầu tư vào phân khúc sản phẩm đó. Hiện nay, UDIC đang đầu tư vào phân khúc nhà ở mức trung bình khá. Với bề dày truyền thống, nguồn lực tài chính lành mạnh và cách làm ăn bài bản, chúng tôi luôn tâm niệm “xây nhà để bán cũng như xây cho mình ở”. Vì vậy các sản phẩm của UDIC luôn phù hợp về nhu cầu, giá cả, đảm bảo chất lượng kỹ - mỹ thuật. UDIC không chỉ luôn tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng mà còn luôn thực hiện đúng cam kết với khách hàng, giữ uy tín, bàn giao công trình đúng tiến độ, đặc biệt là thực hiện đầy đủ việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho khách hàng. Thực tế đã chứng minh, nhiều khách hàng từng mua sản phẩm của UDIC cảm thấy hài lòng và sẵn sàng mua các sản phẩm của những dự án tiếp theo.

Xin cảm ơn ông!