Có thể thấy, tháng 3 là tháng của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet Air. Trong ngày cuối cùng tháng 2, cổ phiếu VJC của Vietjet Air giao dịch ở Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM. Ngay ngày đầu chào sàn, VJC khiến cổ đông kiếm bộn khi tăng trần. Cổ đông được hưởng lợi nhất chính là bà Thảo.
Khi cổ phiếu VJC gây ấn tượng, bà Thảo đã đánh bật nhiều tỷ phú Việt để trở thành người giàu thứ 4 trên sàn chứng khoán Việt Nam, chỉ sau ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị FLC, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup và ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát.
Chỉ sau ngày VJC chào sàn gần 1 tháng, bà Thảo đã vượt qua ông Long và lọt vào Top 3 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Bà Thảo dễ dàng vượt qua ông Long một phần do cổ phiếu VJC tăng khá mạnh, một phần do bà có cơ hội “mua rẻ” cổ phiếu VJC.
Mới đây, công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny, công ty riêng của bà Thảo đã mua thành công gần 22,4 triệu cổ phiếu VJC với mức giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Trong khi thị giá VJC đạt trên dưới 120.000 đồng/CP, Hướng Dương Sunny mua vào với giá chỉ 84.600 đồng/CP.
Như vậy, công ty riêng của bà Thảo đã chi ra 1.894 tỷ đồng để sở hữu lượng cổ phiếu này trong khi giá trị thị trường của chúng là 2.687 tỷ đồng. Có thể thấy, ngay sau khi cổ phiếu được chuyển chủ sở hữu, công ty của bà Thảo đã lãi 793 tỷ đồng.
Có cơ hội “mua rẻ” Vietjet Air và cổ phiếu VJC tăng đáng kể, tuần này, bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã lọt vào Top 3 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, chỉ đứng sau ông Trịnh Văn Quyết và ông Phạm Nhật Vượng.
Cụ thể, sau 1 tuần giao dịch, VJC tăng 10.500 đồng/CP. VJC giúp giá trị cổ phiếu VJC thuộc sở hữu của bà Thảo có thêm 1.418 tỷ đồng. Chốt tuần này, tổng tài sản trên thị trường chứng khoán của bà Thảo đạt 17.288 tỷ đồng.
Bà Thảo đã vượt xa ông Trần Đình Long về mức độ giàu có. Hiện tại, ông Long “chỉ” nắm giữ khối tài sản trên thị trường chứng khoán trị giá 9.126 tỷ đồng. Vì vậy, ông Long rất khó để trở lại Top 3 người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
Bà Thảo là người được hưởng lợi nhất khi cổ phiếu VJC tăng mạnh. Nhưng bà Thảo sẽ giàu hơn nếu tính cả lượng cổ phiếu VJC do em trai và con trai bà Thảo nắm giữ.
Tuần này, ông Nguyễn Cảnh Sơn, em trai bà Thảo chứng kiến khối tài sản trên thị trường chứng khoán tăng 5,6 tỷ đồng lên 68 tỷ đồng. Ông Sơn cũng là một doanh nhân nổi tiếng ở Việt Nam.
Nguyễn Phước Hùng Anh Victor, con trai bà Thảo nắm giữ lượng cổ phiếu VJC khá khiêm tốn. Vì vậy, tuần này, tài sản của anh chỉ tăng 432 triệu đồng lên 5,3 tỷ đồng.
Tuần này, bên cạnh sự kiện bà Nguyễn Thị Phương Thảo vượt qua ông Trần Đình Long để lọt vào Top 3 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, việc ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Chủ tịch hội đồng quản trị Hoàng Anh Gia Lai bất ngờ về lại Top 10 người giàu nhất cũng nhận được sự quan tâm từ dư luận.
Trong nhiều quý trở lại đây, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai chìm trong khủng hoảng. Hoàng Anh Gia Lai liên tục đối mặt với những khoản nợ khổng lồ. Nợ trở thành “vấn nạn” của bầu Đức. Nợ lớn khiến cổ phiếu HAG “rơi tự do” và giao dịch dưới dưới mệnh giá. Có thời điểm, HAG không giữ nổi mốc “đáy” 5.000 đồng/CP. Điều đó có nghĩa vốn hóa thị trường Hoàng Anh Gia Lai và tài sản của cổ đông mất hơn 50% giá trị.
Nhưng bước sang năm 2017, tín hiệu khả quan đã trở lại với Hoàng Anh Gia Lai và bầu Đức. Khoản nợ lớn của Hoàng Anh Gia Lai được cơ cấu lại, nhờ đó cổ phiếu HAG bật tăng. Chỉ riêng tuần này, HAG đã tăng 800 đồng/CP lên 9.900 đồng/CP, gần về mệnh giá.
HAG giúp tài sản của bầu Đức tăng 278 tỷ đồng lên 3.443 tỷ đồng. Như vậy, bầu Đức đã bật tăng từ Top 20 lên Top 10. Đây được xem là bước đi đáng nể của ông bầu nổi tiếng này.