CEO VNPT chia sẻ quyết tâm giành lại vị trí “anh cả” ngành công nghệ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm Ất Mùi khép lại với hàng loạt sự thay đổi của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) sau tái cấu trúc. Từ một đơn vị trì trệ, doanh nghiệp này đã có những “khởi động đẹp như mơ” khi cả doanh thu và lợi nhuận đều tăng so với 2014.

Nhân dịp đầu Xuân Bính Thân, ông Phạm Đức Long, Tổng Giám đốc VNPT đã có sự chia sẻ thẳng thắn về những khát khao, quyết tâm giành lại vị trí “anh cả” của ngành viễn thông, công nghệ thông tin nước nhà.

- Thưa ông Phạm Đức Long, cuộc tái cấu trúc VNPT theo chỉ đạo của Chính phủ đã tạo ra một bước ngoặt lớn cho VNPT. Ông nghĩ gì về sự thay đổi này?

Ông Phạm Đức Long: ​Hai mươi năm trước, VNPT tiền thân là Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam đã đi vào chiến dịch tăng tốc, xây dựng hạ tầng viễn thông vững mạnh cho đất nước.

Sau 20 năm, VNPT đã bộc lộ nhiều dấu hiệu trì trệ. Có thể thấy, VNPT từ nhà mạng thị phần số 1, có vị trí chủ đạo trong các dịch vụ then chốt dần dần mất đi vị thế, thị phần giảm xuống, thu nhập người lao động thấp đi…

Công cuộc tái cơ cấu lần này chính là bản thân người VNPT thấy cần phải làm. Thay đổi để phát triển. Do vậy, VNPT đã đề xuất với Chính phủ và thực hiện quyết tâm tái cơ cấu mạnh mẽ chứ không làm hình thức, hướng tới “người thật-việc thật.”

Chúng tôi không tự tuyên bố tái cơ cấu thành công hay không, mà chính là khách hàng, xã hội nhìn nhận việc này.
VNPT đang chuyển mình với mục tiêu giành lại vị trí đầu đàn trong ngành công nghệ thông tin Việt Nam. (Nguồn: TTXVN)
VNPT đang chuyển mình với mục tiêu giành lại vị trí đầu đàn trong ngành công nghệ thông tin Việt Nam. (Nguồn: TTXVN)
- Trong những năm đầu đổi mới (1986), với cơ sở vật chất còn thiếu thốn, VNPT đã bước vào quá trình mới, tạo ra một doanh nghiệp vững mạnh. Vậy trong giai đoạn đổi mới này, VNPT có định hướng gì để chiếm lĩnh thị trường?

Ông Phạm Đức Long: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ của VNPT xác định một chủ đề quan trọng là đột phá năng lực cạnh tranh. Tức là, giai đoạn sau tái cấu trúc, VNPT sẽ phải đột phá, tăng tốc mới chứ không phải là việc phát triển đều như những năm qua.

Quay lại 20 năm trước, có những năm tốc độ tăng trưởng 30-40%, con người của VNPT đã dũng cảm đột phá và đạt được kết quả tăng tốc. VNPT hôm nay tái cấu trúc cũng đồng hướng với Nghị quyết Đại hội Đảng XII, định hướng của Chính phủ, phải đột phá trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin.

Trong 2 năm vừa qua (2014-2015), cùng với tái cấu trúc, VNPT đã đạt mức độ tăng trưởng lợi nhuận từ 20-25%/năm. Điều này nói lên là việc tái cấu trúc hướng tới một mô hình hoàn chỉnh hơn, tạo đà phát triển với kỳ vọng đạt được đột phá mới trong những năm tiếp theo.

Với VNPT, bên cạnh việc đẩy mạnh dịch vụ truyền thống, mục tiêu chiến lược của VNPT là chuyển dịch mô hình tăng trưởng từ các dịch vụ viễn thông truyền thống sang dịch vụ công nghệ thông tin, giá trị gia tăng. Về vấn đề này, đội ngũ của VNPT có thế mạnh và hoàn toàn phù hợp để chuyển dịch.

Bên cạnh đó, VNPT vẫn tiếp tục phát triển hạ tầng, phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

- Người VNPT không hề giấu tham vọng trở lại ngôi vị số 1 trong bản đồ viễn thông, công nghệ thông tin nước nhà. Để đạt được mục tiêu này, VNPT sẽ phát triển trên những trụ cột chính nào, thưa ông?

Ông Phạm Đức Long: Thứ nhất, VNPT sở hữu hạ tầng rất mạnh và đây là lợi thế. Với hạ tầng mạnh này, VNPT mong muốn được tiếp tục đầu tư, chia sẻ để làm sao sử dụng tốt nhất, tránh lãng phí, chồng chéo về hạ tầng.

Thứ hai là dịch vụ chủ lực. Mũi nhọn của VNPT là di động và băng rộng cố định. Chúng tôi mong muốn năm 2016 trở thành doanh nghiệp viễn thông được khách hàng đánh giá có chất lượng tốt nhất và có chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt nhất.

Thứ ba là chuyển dịch từ viễn thông truyền thống sang công nghệ thông tin và giá trị gia tăng. Công nghệ thông tin là thế mạnh của VNPT nên đây sẽ là trụ cột để thực hiện Nghị quyết 36a về xây dựng Chính phủ điện tử.

VNPT mong muốn khi triển khai chuyển dịch sang Chính phủ điện tử phải đi tới người dân, chính quyền cấp xã. Với một thế mạnh hạ tầng băng rộng, siêu rộng tới xã, với với một đội ngũ kỹ thuật phủ tuyến huyện, xã, VNPT đủ sức chuyển dịch sang lĩnh vực công nghệ thông tin.

Bên cạnh đó, VNPT chủ yếu phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng trên các dịch vụ truyền thống như MyTV và các dịch vụ mang tính xã hội cao như giáo dục, y tế…

Thứ tư là công nghệ công nghiệp. Trong bối cảnh vấn đề an ninh mạng ngày càng bức thiết, các thiết bị đầu cuối tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn, tin cậy nên VNPT chuyển hướng sang loại hình này. Hiện nay, đối với thiết bị đầu cuối cho băng rộng, VNPT đã sản xuất 100%.

Qua thực tiễn, chúng tôi thấy người Việt Nam sẽ làm được khi chúng ta đầu tư một cách nghiêm túc đối với nghiên cứu và phát triển, sản xuất.

VNPT rất nghiêm túc trong vấn đề nghiên cứu phát triển nên gần đây đã đầu tư gấp 17 lần những năm trước cho khoa học và công nghệ. Chúng tôi mong muốn đi theo hướng từ thiết bị đầu cuối đi lên công nghệ lõi. Bởi, nếu không làm được cái đơn giản thì sẽ không có nền tảng để làm những thứ phức tạp hơn.

- Theo ông, đến năm 2020, VNPT sẽ mang dáng vóc thế nào?

Ông Phạm Đức Long:​ VNPT sẽ là một doanh nghiệp đã được cổ phần hóa và quy mô doanh nghiệp sẽ được tăng trưởng nhiều lần.

VNPT sẽ lột xác từ một đơn vị tính cách già cỗi, thụ động, công chức thành doanh nghiệp trẻ trung, năng động, sáng tạo nhưng vẫn giữ truyền thống nhân văn.

Khi đó, VNPT sẽ cung cấp cho xã hội một nền tảng hòa quyện giữa công nghệ thông tin và viễn thông. Chúng tôi kỳ vọng đến 2020 sẽ quay lại dẫn đầu khối này.

Tuy nhiên, dẫn đầu không có nghĩa là một lĩnh vực mà là tổng thể các dịch vụ trên khía cạnh viễn thông, công nghệ thông tin cung cấp cho khách hàng. Và, số 1 lớn nhất là hình ảnh của VNPT trong lòng khách hàng.

- Còn trong năm mới Bính Thân…?

Ông Phạm Đức Long: Năm 2016, VNPT phấn đấu hai thành tích: Một là được khách hàng khen, hai là lãnh đạo được người lao động khen.

- Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần