Tuy có chút mạo hiểm nhưng bằng niềm đam mê và tâm huyết, "cha đẻ" của phần mềm Monkey Junior Đào Xuân Hoàng (SN 1982) đã biến giấc mơ khởi nghiệp từ giáo dục thành hiện thực.
Ý tưởng từ khi có... con gáiVốn là du học sinh ngành Công nghệ thông tin ở Australia, anh Hoàng luôn muốn làm gì đó có tính thử thách, đột phá hơn, mang lại giá trị cao và rộng khắp cho xã hội. Vì thế, khi đang là ông chủ của Công ty Phần mềm và Thương mại điện tử BH Media, trong đó có trang Vietbao.vn với hơn 100 nhân viên, anh Hoàng đã từ bỏ để khởi nghiệp lần 2 với một lĩnh vực hoàn toàn mới - phát triển phầm mềm dạy tiếng Anh cho trẻ. Và động lực lớn nhất để anh viết phần mềm này là sự có mặt của con gái nhỏ đầu lòng. “Xuất phát từ tình yêu của một người cha, từ nhu cầu muốn dạy ngoại ngữ cho con ngay từ nhỏ, tôi đã nảy ra ý tưởng xây dựng chương trình dạy học với những ứng dụng khoa học công nghệ trên nền tảng đa phương tiện. Từ đó, tôi bắt đầu nghiên cứu sâu về các phương pháp giáo dục sớm cho các bé từ 0 - 6 tuổi và đã nhận thấy được giá trị tuyệt vời đối với sự phát triển của trẻ” - anh Hoàng chia sẻ. Từ những kinh nghiệm dạy con gái học ngoại ngữ hàng ngày, anh đã tự mày mò, viết chương trình giáo dục Monkey Junior - phần mềm học tiếng Anh cho trẻ. Sau một thời gian dài ấp ủ, nghiên cứu, năm 2014, Monkey Junior chính thức ra đời.Đào Xuân Hoàng (ngoài cùng, bên phải) trong lễ trao giải 10 Gương mặt trẻ Việt |
Nhưng để có được thành công như hiện tại, "cha đẻ" của Monkey Junior đã trải qua không ít khó khăn, tự mày mò cách thức, tìm hiểu về phương pháp, thậm chí “đập đi xây lại” rất nhiều lần. “Đến nay, tôi đã bỏ ra hơn 10 tỷ đồng để làm startup và thậm chí liều lĩnh rao bán nhà để phát triển Monkey Junior. Nhiều người nói tôi quá mạo hiểm, nhưng tôi chỉ mong có thể giúp trẻ em Việt Nam được tiếp xúc sớm với tiếng Anh, mở cánh cửa giao tiếp cho trẻ với thế giới bên ngoài một cách khoa học” -anh Hoàng tâm sự.
Nói về "đứa con tinh thần" của mình, anh Hoàng tiết lộ: “Monkey Junior là một trong những chương trình học tiếng Anh đang có trên chợ ứng dụng App Store và Google Play. Chương trình có thể áp dụng với các bé từ 4, 5 tháng tuổi cho đến các bé mẫu giáo và tiểu học. Monkey Junior chú trọng đầu tư vào phương thức truyền đạt để tạo tính vui vẻ, hấp dẫn trẻ nhỏ cho mỗi bài học. Sử dụng một kho dữ liệu đa phương tiện khổng lồ lên tới hàng chục nghìn hình ảnh, video và âm thanh kết hợp với các trò chơi tương tác để em bé có thể học hàng ngày, theo một lộ trình với dữ liệu khổng lồ”.Sự đam mê không có điểm dừngSau vài tháng ra mắt, Monkey Junior đã bắt đầu sinh lời, khi lọt vào top 100 ứng dụng được tải về nhiều nhất với hơn 500.000 lượt download từ nhiều quốc gia trên thế giới. “Là phần mềm học liệu có tính ứng dụng cao, khoa học và tổ chức, Monkey Junior có thể sử dụng trên các thiết bị smartphone, máy tính để bàn, laptop với các ngôn ngữ: Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Việt… Mỗi ngôn ngữ được xây dựng với 1.000 bài học khác nhau, mỗi bài học kéo dài từ 5 - 7 phút giúp bố mẹ tương tác với con. Tới đây, tôi sẽ phát triển thêm kho truyện tranh tiếng Việt và tiếng Anh. Sau truyện tranh, có thể là sự ra đời của chương trình học liên quan đến IQ giúp các em nhỏ vừa học vừa chơi nhằm phát triển tư duy” - anh Hoàng chia sẻ thêm.Không chỉ nhận nhiều giải thưởng quốc gia, quốc tế (giải Nhất cuộc thi Sáng kiến toàn cầu 2016 tại Mỹ), Monkey Junior còn khá phổ biến tại Mỹ, là một trong 10 chương trình được tải nhiều nhất tại Mỹ, Canada và một số nước khác. Chỉ sau hơn một năm ra mắt, Monkey Junior thu hút hơn 2 triệu người dùng tại Việt Nam. Tính đến nay, đã có hơn 1,5 triệu người cài đặt trên toàn thế giới. Trong đó, người dùng chủ yếu đến từ Mỹ (chiếm khoảng 43%), người Việt Nam cài đặt chiếm khoảng 10 - 20%.Bỏ số tiền lớn để đầu tư, tất cả doanh thu từ dự án lại dồn để tiếp tục phát triển ý tưởng khởi nghiệp này trong tương lai, để trở thành ứng dụng giáo dục hàng đầu thế giới, giúp trẻ em học ngoại ngữ. Theo anh Hoàng, đây là cách đầu tư cho tương lai, cho chính con em mình. Với ước mong ấy, anh xứng đáng được nhận giải thưởng "Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2016”.