Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cha dượng

Khánh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuổi thơ bị ám ảnh bởi những trận đòn roi mẹ phải chịu từ cha, ám ảnh bởi thái độ kỳ thị của cả nhà nội, như thể mẹ là người ở đợ còn nó là đứa cháu rơi vãi ở đâu nhặt về. Mỗi khi nhắc về tuổi thơ, nó buồn, buồn đến mức không muốn nhắc về sự tồn tại của nhà nội.

Thậm chí nó cũng không còn nhớ gương mặt cha nó như nào, bà nội nó ra sao. Hôm nọ nó về quê, mang đồ ra chợ cho mẹ, đi đường thấy có 2 người phụ nữ cứ nhìn nó chằm chằm. Tối đó cô Tư lên nhà nó kể rằng nay có 2 người cô bên nội ra gặp cô nói nhà đó muốn chia đất cho nó và muốn nó nhận lại máu mủ, vì cha nó đang bệnh nặng. Nó phán ngay “Con chỉ có duy nhất một người cha hiện tại đang sống cùng mẹ con con thôi".
Là cha Hậu của nó, người đã mang lại cho mẹ con nó cuộc sống đủ đầy êm ả như bây giờ, người yêu thương và cho nó tất cả như một đứa con ruột từ khi nó về đây.
 Ảnh minh họa.
Ngày mẹ mới cưới cha Hậu, mẹ không dám mang nó về sống cùng, nó phải sống với ông bà ngoại. Nhưng rồi chính cha Hậu đã xuống đón nó về ở cùng. Những ngày đầu tiên về sống cùng cha Hậu nó lầm lì ít nói, nhưng chính sự cởi mở quan tâm của cha đã giúp nó hòa đồng vui vẻ hơn. Ngày ấy, vợ cũ cũng mới bỏ cha đi, mang theo cả những đứa con.
Vậy là cha ở một mình, suốt ngày chỉ buồn bã, không buồn làm ăn gì cả, thậm chí đến bữa cơm cũng có người chị ruột của cha mang lên cho, nếu không cha cũng nhịn luôn. Cho đến khi có mẹ và nó về ở cùng, cha vui vẻ, cha bắt đầu tính chuyện làm ăn với mẹ. Hai người chăm chỉ làm ăn, rồi cũng cất được cái nhà, mua được thêm đất, nó cũng có thêm đứa em gái.
Dù có thêm em, nhưng tình thương của cha dành cho nó không hề giảm. Đi học nó không thua bạn bè bất cứ thứ gì, thậm chí còn được lo lắng đầy đủ hơn. Cha cũng chính là người luôn động viên nó phải học thật giỏi, ngày nó khăn gói lên thành phố học đại học, chính cha là người chuẩn bị cho nó từng bịch đồ ăn mang theo, cha cũng dúi cho nó thêm tiền ngoài khoản mẹ đưa.
Suốt những năm đi học, tuần nào cha cũng gọi điện hỏi thăm rồi hẹn nó cuối tuần về nhà cha nấu món này món kia cho ăn. Năm cuối đại học, cha cùng mẹ dành dụm mua chiếc xe máy đầu tiên trong gia đình dành tặng nó.
Người ta luôn bảo “Chim hồng, chim hộc bay đi/Cha dượng, con vợ làm gì thương nhau”. Trường hợp của nó thì hoàn toàn ngược lại, nó thậm chí còn tâm sự với cha dượng nhiều hơn với mẹ và ngược lại, cha dượng hễ có chuyện lại gọi tâm sự với nó.
Từ ngày nó ra trường, cha và cả mẹ vẫn luôn mong muốn nó chuyển về làm việc gần nhà, cha nó còn nhờ người quen kiếm việc cho nó. Nhưng nó muốn tự lập và cũng không muốn họ hàng bên nhà cha nghĩ nó muốn về để được chia đất đai.
Cha giờ đã không còn đi làm nhiều được nữa vì tuổi cao sức yếu. Mỗi lần về nhà nó lại lén giấu mẹ cho cha ít tiền tiêu vặt. Nó phải giấu mẹ, vì nếu mẹ biết sẽ không cho cha cầm tiền, vì mỗi lần có tiền là cha lại mang đi mua chim với hoa, mà nhà nó thì đã có quá nhiều rồi.
Thi thoảng nó bảo “thấy thương cha quá, giờ bị mẹ quản lý tiền bạc chặt nên nhiều khi ông uống chút rượu vào là gọi điện cho nó kể lể mẹ thế này thế kia, nó nghe vừa buồn cười vừa thương, cũng chỉ mong cha mẹ cứ vui vẻ như vậy mãi".
Nó luôn bảo nó và cả mẹ nó thật may mắn khi gặp được người chồng, người cha như cha Hậu. Thế nên nó không hề có ý định nhận lại cha ruột hay nguồn gốc xuất xứ của mình. Thậm chí người nhà dưới ấy vài lần nhờ mẹ nó thuyết phục, cùng mẹ nó về thăm cha ruột, dù gì cũng mang dòng máu nhà người ta. Nhưng nó nhất quyết không, vì ngày xưa nó cũng từng cùng mẹ quay về nhà đó một lần cùng mẹ để thắp nhang khi ông nội mất.
Nhưng chính những người trong gia đình ấy đã xua đuổi mẹ con nó, vì họ cho rằng nó về nhận tổ tông để được chia tài sản đất đai. Cái cảm giác ấy theo nó suốt đời, nó không thể quên và cũng không thể tha thứ. Nó được chọn lựa và nó chọn người cha duy nhất là người đã và đang sống cùng mẹ con nó bao nhiêu năm qua.
Thế mới biết, con người sống nhau chỉ cần đủ yêu thương tử tế với nhau thì dù là người dưng cũng sẽ trở thành người nhà. Máu mủ ruột già mà vô tình vô nghĩa thì thà không có còn hơn.q