Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cha mẹ cần đồng hành cùng con

Thủy Trúc thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước những mối hiểm họa khi trẻ em tham gia môi trường mạng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững Nguyễn Phương Linh cho rằng rất cần sự đồng hành của cha mẹ, nhà trường và các bên liên quan để bảo vệ trẻ.

Là chuyên gia nghiên cứu về bảo vệ trẻ em (BVTE) trên môi trường mạng, bà có thể cho biết những nguy hại nào mà trẻ có thể gặp phải khi sử dụng internet?

- Trước hết, tôi muốn nói, khi dịch Covid-19 xảy ra, trẻ em 9 - 10 tuổi sử dụng internet 5 - 6 tiếng/ngày và, trẻ lớp 1 đã dùng internet để học trực tuyến. Khi các em quay trở lại trường học trực tiếp được 2 tháng, nhưng vẫn quen sử dụng internet rất nhiều là thách thức đối với các gia đình.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững Nguyễn Phương Linh
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững Nguyễn Phương Linh

Với những trẻ chưa có sự trang bị kỹ năng sử dụng internet an toàn, đặc biệt với trẻ nhỏ thì việc gặp rủi ro trên mạng là hiện hữu. Các em có thể bị mất thông tin cá nhân, lừa đảo trên mạng, xem những ấn phẩm độc hại. Khi tham gia mạng xã hội (Facebook, Tik Tok…) quá sớm, các em bị lôi kéo vào những thử thách nguy hiểm, bắt chước, trong khi chưa cân nhắc được đúng sai và kiểm soát được bản thân.

Khi trẻ em giao tiếp trên môi trường mạng email, zalo,… quá sớm thì có thể lập các group chat kín mà cha mẹ không thể nào kiểm soát. Các em thể hiện bản thân, chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng, cũng có thể bị xâm hại hình ảnh, bắt nạt.

Làm sao để cha mẹ bảo vệ được con mình trên môi trường mạng?

- Từ trước tới giờ, cha mẹ và người thân chưa tiếp cận nhiều những hoạt động vừa giải trí vừa giao lưu như của trẻ gen Z nên khó có thể quản lý và đồng hành một cách hiệu quả nếu như không tìm được tiếng nói chung với các con. Nhưng, cha mẹ cần hiểu được tâm sinh lý và sự phát triển của trẻ theo từng độ tuổi, nắm được những kiến thức căn bản để hướng dẫn con gia nhập môi trường xã hội số là vô cùng cần thiết.

Ví dụ cha mẹ hướng dẫn con sử dụng máy tính an toàn, thiết lập mạng xã hội đầu tiên, cài đặt an toàn và bảo mật. Hằng ngày cha mẹ theo dõi, hỏi han con để biết những thực hành, hành vi của con trên môi trường mạng; chia sẻ mặt lợi, mặt hại và xem con suy nghĩ thế nào, kể cả những vấn đề mới liên quan đến thử thách.

Về phía trẻ em cần được trang bị những kiến thức và kỹ năng ra sao để sử dụng mạng an toàn?

- Trẻ em rất cần có những kỹ năng nền tảng để học hỏi trên môi trường mạng như quản lý an toàn, giao tiếp trên mạng, phân biệt đúng sai, thấu cảm…, đó là những giải pháp mang tính chất tình thế. Về lâu dài, rất cần có chương trình giáo dục về kỹ năng số, công dân số cho trẻ em được đưa vào chính thức trong trường học học ngay từ cấp tiểu học.

Tôi muốn nhấn mạnh, BVTE trên môi trường mạng là nhiệm vụ của toàn xã hội. Đó là các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan đến chính sách, chương trình quốc gia về phòng ngừa và giáo dục trẻ em; là vai trò của các tổ chức xã hội, nhà trường, DN cung ứng những dịch vụ trên mạng internet. Báo chí là kênh vô cùng quan trọng truyền thông điệp tích cực đối với trẻ em, phụ huynh và các bên liên quan củng cố vai trò trách nhiệm của mình để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Xin cảm ơn bà!