Công trình của Đại học Tổng hợp London dựa trên các kết quả nghiên cứu của Dự án Khảo sát Sức khỏe Anh, thu thập dữ liệu hàng năm từ 7.000 gia đình. Từ năm 2001 đến 2006, những người tham gia được phỏng vấn ghi lại chiều cao và cân nặng của cha mẹ và hai con nhỏ, từ đó tính ra chỉ số khối cơ thể BMI (cân nặng chia cho bình phương chiều cao). "Các nghiên cứu trước đây chi ra rằng cân nặng của trẻ có liên quan với cân nặng của cha mẹ chúng, nhưng khi ấy người ta chỉ tập trung vào nhóm béo phì, chứ không xem xét nhóm ngược lại", trưởng nhóm khảo sát Katriina Whitaker cho biết. Chỉ số BMI khỏe mạnh là 18,5 - 24,9; nhóm thừa cân có BMI là 25 - 29, và nhóm béo phì là từ 30 trở đi. Những trẻ được coi là gầy khi có chỉ số BMI là 18,5 hoặc thấp hơn. Theo Times of India, kết quả nghiên cứu cho thấy, khi cả cha và mẹ đều ở nửa dưới của dải BMI khỏe mạnh, cơ hội để con họ gầy là 16,2%, so với 7,8% khi cả bố và mẹ đều ở nửa trên. Trong khi đó, nếu cả cha mẹ đều thừa cân, cơ hội để con gầy chỉ là 5,3%, và còn xuống 2,5% nếu cha mẹ đều béo phì. Các công trình nghiên cứu trước kia cho thấy béo phì có tính di truyền theo gia đình, thì nay, phát hiện mới cũng tìm thấy trẻ gầy cũng được thừa kế của cha mẹ theo cách y như vậy.