Kiểm tra, chấm bài giữa kỳ môn tích hợp lớp 6 như thế nào?

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtdothi – Năm học 2021-2022, Chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018 bắt đầu thực hiện với lớp 6. Nếu như đầu năm học, việc triển khai học các môn tích hợp (Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Nghệ thuật) khá lúng túng thì sau gần 2 tháng triển khai, cả thầy- trò đã bớt “rối”, sẵn sàng cho bài kiểm tra định kỳ đầu tiên.

Đề kiểm tra cũng “tích hợp”
Trong 3 môn tích hợp thì Khoa học Tự nhiên (Sinh học- Vật lý- Hóa học) là môn học gây nhiều khó khăn cho không chỉ nhà trường, giáo viên mà cả học sinh ở giai đoạn đầu tiếp cận. Về phía giáo viên, mặc dù đã qua các khóa tập huấn nhưng do đa phần đều được đào tạo đơn môn nên khi bắt đầu năm học mới, nhà trường rất vất vả trong phân công giáo viên và phải thay đổi thời khóa biểu thường xuyên để phù hợp với nội dung từng phân môn. Thời lượng 4 tiết/tuần với 3 phân môn, việc dạy song song hay nối tiếp cũng được các trường khá “đau đầu” lựa chọn.
Về phía học sinh, vì mới chuyển từ cấp I lên, phải làm quen với chương trình và phương pháp học mới đúng giai đoạn học trực tuyến nên không thể tránh khỏi bỡ ngỡ. Còn phụ huynh thì không phải tất cả đều quan tâm và nắm được về chương trình đổi mới nên vẫn có hiện tượng “hỏi đi hỏi lại”. Tuy nhiên, sau gần 2 tháng tiếp cận, giảng dạy, cùng sự nỗ lực của nhà trường - giáo viên – học sinh – phụ huynh, việc dạy và học các môn tích hợp, đặc biệt là Khoa học Tự nhiên đã “trơn tru” hơn, không còn hiện tượng lúng túng như ban đầu.
 Với môn tích hợp lớp 6, đề kiểm tra cũng tích hợp
Do học từ đầu tháng 8/2021 nên trường THCS&THPT Lương Thế Vinh (quận Cầu Giấy) đã và đang tổ chức kiểm tra giữa kỳ I cho học sinh. Với các môn tích hợp lớp 6 cũng áp dụng đề kiểm tra tích hợp (trừ môn Nghệ thuật). Cụ thể: Khoa học Tự nhiên thi chung một đề (trong đó gồm kiến thức ba phân môn Hóa học, Vật lý, Sinh học); Lịch sử và Địa lý kiểm tra chung một đề (gồm kiến thức môn Địa lý và Lịch sử). Hình thức thi trắc nghiệm được thực hiện trên phần mềm bản quyền riêng của trường. “Trước khi kiểm tra, chúng em được giáo viên bộ môn gửi để cương, ôn tập và dặn dò rất kỹ về hình thức đề thi, cách thức thi nên khi làm bài, em và các bạn không có bỡ ngỡ hay gặp sự cố nào cả”- em Phạm Ngọc Minh, học sinh lớp 6 trường THCS&THPT Lương Thế Vinh cho biết.
Theo cô Lê Thị Lâm - Hiệu trưởng trường THCS Vân Hồ (quận Hai Bà Trưng) thì trường đang học tuần thứ 9 và đã chủ động xây dựng hai phương án kiểm tra giữa kỳ I là trực tuyến- trực tiếp; đồng thời giao bộ phận chuyên môn chuẩn bị ngân hàng đề tương ứng với hai hình thức thi kể trên. Căn cứ kế hoạch đã xây dựng, trong tuần 10 trường sẽ cho học sinh kiểm tra giữa kỳ I. Tuy nhiên, nếu thời gian tới, dịch bệnh được kiểm soát, TP cho phép mở cửa trường học thì trường sẽ cho học sinh ôn tập trực tiếp rồi mới kiểm tra định kỳ.
Hiệu trưởng trường THCS Vân Hồ cũng cho hay: Riêng lớp 6, các cô giáo phụ trách có trách nhiệm nhắc các con và phụ huynh nhớ về những thay đổi của SGK, chương trình học năm lớp 6. Với môn tích hợp, học sinh sẽ kiểm tra trong một bài thi; trong đó có phần nội dung chung và riêng của các phân môn. Nội dung thi nằm trong phần kiến thức đã học; học sinh được ôn tập, dặn dò hàng ngày, thầy cô bộ môn đã vững vàng với cách thức giảng dạy nên việc thực hiện bài kiểm tra giữa kỳ I trực tuyến, nhất là với môn tích hợp lớp 6 khá thuận lợi.
Thầy và trò sẵn sàng
Với nhiệm vụ dạy- học và kiểm tra định kỳ môn tích hợp lớp 6, việc chấm bài với các trường trở nên đơn giản nếu lựa chọn thi trắc nghiệm 100% qua hình thức trực tuyến bởi sau khi học sinh bấm nút hoàn tất, điểm số sẽ hiện ra ngay mà không cần phải chờ đợi; giáo viên môn tích hợp cũng không phải phân công nhiệm vụ chấm bài kiểm tra.
 Nhiều trường chuẩn bị hai phương án kiểm tra giữa kỳ I: Trực tuyến và trực tiếp 
Ở các trường THCS trên địa bàn TP, hầu hết môn tích hợp Khoa học Tự nhiên có ba giáo viên; môn Lịch sử và Địa lý có hai giáo viên phụ trách; đồng nghĩa với việc một bài kiểm tra sẽ có ba giáo viên chấm (với Khoa học Tự nhiên) và hai giáo viên chấm (với Lịch sử và Địa lý). Có trường đề phân bố 30% tự luận, 70% trắc nghiệm; sau khi kiểm tra xong, học sinh sẽ chụp phần tự luận gửi cô giáo chấm điểm; trường hợp này sẽ liên quan đến phân công nhiệm vụ giáo viên chấm thi.
Đã lập kế hoạch rất kỹ càng cho bài kiểm tra giữa kỳ I, cô Bùi Tố Hoa – Hiệu trưởng trường THCS Ngọc Hòa (huyện Chương Mỹ) cho hay: Trường chuẩn bị tổ chức cho học sinh kiểm tra giữa kỳ I với hình thức trực tuyến, đề thi hoàn toàn trắc nghiệm; thời gian 90 phút (50 câu hỏi) với các môn tích hợp (trừ môn Nghệ thuật).
“Học sinh vùng nông thôn có nhiều hạn chế về thiết bị, đường truyền; khả năng tiếp thu kiến thức không đồng đều… Vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi nhất, trường cho học sinh làm bài kiểm tra thử trước giúp học sinh tập dượt, nhớ lại về cách thức, thao tác làm bài trực tuyến đã thực hiện cuối học kỳ II năm học trước, tránh việc lúc vào phòng kiểm tra chính thức lại lúng túng dẫn đến kết quả không như mong đợi của các em”- cô Bùi Tố Hoa chia sẻ.
Trong văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, THPT năm học 2021-2022 ứng phó với dịch Covid-19 của Bộ GD&ĐT nêu rõ: Đối với lớp 6 thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện dạy học theo chương trình, bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình các môn học/hoạt động giáo dục trong điều kiện phòng, chống Covid-19. Trong đó, những nội dung phù hợp và thuận lợi cho học sinh khai thác, sử dụng hiệu quả sách giáo khoa và học liệu dạy học trực tuyến, các nhà trường tổ chức dạy học đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình.
Đối với những nội dung yêu cầu học sinh thực hành, thí nghiệm, nhà trường tổ chức lựa chọn, sử dụng học liệu dạy học trực tuyến để dạy học, hoặc hướng dẫn học sinh tự thực hiện ở nhà phù hợp với điều kiện thực tế.
Văn bản cũng yêu cầu không kiểm tra, đánh giá định kì những nội dung hướng dẫn học sinh tự đọc, tự học, tự làm, tự thực hiện, không yêu cầu và những nội dung yêu cầu học sinh thực hành, thí nghiệm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần