Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Chấm điểm” tuân thủ pháp luật thuế: Sát thực tế để giảm áp lực

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ghi nhận ý kiến của nhiều DN về Bộ tiêu chí đánh giá tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế (NNT) mà Tổng cục Thuế vừa xây dựng cho thấy, DN mong muốn Bộ tiêu chí cần được rà soát chặt chẽ, sát thực tế hơn để hỗ trợ thay vì để DN cảm thấy thêm áp lực.

Minh bạch, hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn

Ông Bùi Khánh Toàn – phụ trách Ban quản lý rủi ro, Tổng cục Thuế cho biết, Bộ tiêu chí được xây dựng dựa trên các nguyên tắc trong hoạt động của DN như đăng ký, kê khai, hoàn thuế; chấp hành quy định về thanh tra kiểm tra thuế; quy định có liên quan (như kế toán, hải quan; các vụ việc vi phạm pháp luật về thuế khác)… Bộ tiêu chí được chia thành 2 nhóm gồm: Nhóm “Tiêu chí và chỉ số đánh giá DN tuân thủ pháp luật tốt” và nhóm “Tiêu chí và chỉ số đánh giá DN tuân thủ pháp luật ở mức độ thấp”. Tại mỗi nhóm DN đều đưa ra các tiêu chí và chỉ số đánh giá chi tiết, cụ thể. Với nhóm DN tuân thủ pháp luật tốt sẽ được đánh giá bởi 9 tiêu chí và 15 chỉ số. Cơ chế này được nhận xét là sẽ giúp cơ quan thuế phân NNT ra từng nhóm theo mức độ tuân thủ khác nhau, từ đó có những biện pháp hỗ trợ, giúp cho NNT tuân thủ pháp luật thuế tốt hơn.
Làm thủ tục hoàn thuế tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Làm thủ tục hoàn thuế tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho rằng, mục đích của việc đưa ra Bộ tiêu chí lần này là để phân loại DN, hỗ trợ các DN thực hiện tốt sẽ đỡ gặp phiền hà trong thanh, kiểm tra thuế và thực hiện các thủ tục hành chính.

Tiêu chí đánh giá cần cụ thể, rõ ràng
Cơ quan chức năng đưa ra 2 bộ chỉ tiêu “tốt” và “thấp” nhưng lại phân loại DN theo 3 loại là tốt, trung bình, thấp, theo tôi là cảm tính.

Ông Nguyễn Văn Thanh Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam

Theo ghi nhận một số ý kiến của DN, Bộ tiêu chí này góp phần làm minh bạch hóa, giống như thang điểm để DN vươn tới.  Luật sư Trần Vũ Hải - Đại học Luật Hà Nội cho biết, chắc chắn kết quả đánh giá của Bộ tiêu chí sẽ tác động tới các đơn vị. Vì vậy, cần xem lại cách tiếp cận khi đưa ra Bộ tiêu chí và phải định lượng rõ ràng.

Còn theo Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc, Bộ tiêu chí về chỉ số đánh giá DN tuân thủ tốt có nhắc tới điều kiện "DN có số thuế VAT nộp trên vốn chủ sở hữu tại kỳ tương ứng lớn hơn mức trung bình của các DN sản xuất kinh doanh có cùng quy mô, lĩnh vực đầu tư". Đây là vấn đề sẽ không bao giờ làm được: “DN cùng quy mô nhưng đơn vị sản xuất hàng không chịu thuế, hàng xuất khẩu có thuế bằng 0% thì làm sao có thuế. Một DN dệt may xuất khẩu nhiều thì nộp thuế VAT ít nhưng một DN nội địa cùng quy mô thì nộp thuế VAT nhiều”.

Một chỉ số khác cũng khiến bà Cúc băn khoăn là tiêu chí, tại thời điểm đánh giá, không có thông tin DN nợ thuế, tiền phạt; các khoản phí và lệ phí; các khoản thu thuộc ngân sách Nhà nước. Việc "có thông tin", theo bà Cúc là chung chung và không rõ ràng.

Lắng nghe ý kiến của các DN và chuyên gia, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, nguyên tắc quan trọng trong việc ra đời Bộ tiêu chí mới là không làm phát sinh thủ tục hành chính với DN. Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục mở rộng lấy ý kiến và lắng nghe phản hồi các bên để xây dựng Bộ tiêu chí hoàn thiện trong thời gian tới.