Theo báo Thư tín Địa cầu số ra mới đây, những hạn chế về xuất khẩu, sản lượng suy giảm, chi phí vận chuyển và giá hàng hóa cao đã làm tiêu tan "kỷ nguyên thực phẩm giá rẻ" tại Canada. Cơ quan thống kê Canada cho biết trong tháng 11/2011 người tiêu dùng Canada đã phải chi thêm 4,8% thu nhập cho thực phẩm so với cùng kỳ năm 2010. Giá thực phẩm mua tại cửa hàng đã tăng 5,7%, trong khi giá tại các tiệm ăn tăng 3%. Trong nhiều năm qua, người dân Canada được tiếp cận thực phẩm rẻ và chi ít ngân sách gia đình cho hàng tạp phẩm hơn so với người dân của các nước khác. Nhưng giờ đây, thực phẩm đang ngốn nhiều ngân sách của họ hơn khi giá sữa, bánh mì và trứng tăng cao. Lạm phát giá thực phẩm diễn ra liên tục suốt năm qua và giá các mặt hàng đều tăng từ thịt bò, đến bánh ngọt, cà phê, mì ống và khoai tây. Điều này báo hiệu điềm xấu khi thu nhập không tăng và giúp giải thích lý do chi tiêu tiêu dùng sụt giảm trong năm nay. Douglas Porter, nhà kinh tế cao cấp thuộc Ngân hàng Montreal (BMO) nói: "Đây là một sự thay đổi cơ bản, sau nhiều năm phần chi cho thực phẩm ngày càng giảm trong ngân sách của các hộ gia đình." Sức ép đối với giá thực phẩm sẽ không giảm khi giá một số mặt hàng nguyên liệu thô tiếp tục tăng lên, trong bối cảnh đồng đôla Canada giảm giá khiến hàng nhập khẩu trở nên đắt hơn. Theo Giáo sư Sylvain Charlebois thuộc trường đại học Guelph, trung bình người Canada dành khoảng 10% tổng thu nhập của họ cho thực phẩm, giảm mạnh so với mức 25% của ba thập kỷ trước đây. Nhưng giờ đây, phần chi cho thực phẩm đang tăng lên do kỷ nguyên thực phẩm rẻ đã chấm dứt. Điều mà người ta chứng kiến trong vài năm gần đây là sự bắt đầu của một kỷ nguyên mới, khi người tiêu dùng bị buộc phải đầu tư cho chế độ dinh dưỡng của họ. Chi phí thực phẩm và xăng dầu có thể là những dấu hiệu lạm phát rõ ràng nhất đối với người dân Canada, nhưng các chi phí khác cũng đang leo thang, từ các dịch vụ tài chính đến giá vé máy bay. Giá các mặt hàng thực phẩm cơ bản tăng mạnh hơn so với cùng kỳ năm trước, với giá trứng tăng 12,3%, mức cao nhất kể từ năm 1981, giá khoai tăng 20,3%, do mùa xuân mưa nhiều tại Maritimes, Ontario và Manitoba làm khoai giảm năng suất. Ngoài ra, theo ông Ryan Cardwell, Phó giáo sư kinh tế nông nghiệp thuộc trường đại học Manitoba, những hạn chế xuất khẩu tại một loạt các nước, từ đậu tương của Argentina, đến gạo của Việt Nam và lúa mì của Nga đang khiến giá lương thực thế giới tăng lên và cũng góp phần làm tăng giá thực phẩm tại Canada.