Đoàn người của nhà thờ Thái Hà đã được Phó Ban tiếp công dân TP Nguyễn Ngọc Hoàn tiếp nhận đơn. Tiếp đó, đoàn giáo sỹ, giáo dân đã tổ chức tuần hành, biểu tình xung quanh hồ Hoàn Kiếm và vừa đi vừa hát thánh ca, trương một số biểu ngữ gây ảnh hưởng đến trật tự công cộng, an toàn giao thông.
Lực lượng giữ gìn trật tự đã kiên trì tuyên truyền, giải thích và yêu cầu những người trên giải tán để đảm bảo trật tự công cộng. Tuy nhiên, họ không những không chấp hành, mà còn tiếp tục có nhiều lời nói, hành động lăng mạ, chống người thi hành công vụ. Để thiết lập và giữ an ninh trật tự, căn cứ Điều 9, Nghị định số 38/2005/NĐ - CP ngày 18/3/2005; điểm 1, điểm n, khoản 3, Điều 7 Nghị định 73/2010/NĐ - CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, lực lượng làm nhiệm vụ đã tổ chức cưỡng chế 31 công dân vi phạm, trong đó có linh mục chính xứ Nguyễn Văn Phượng và đưa về trụ sở phân loại để xử lý. Đây là hành động cần thiết của cơ quan chức năng bởi hoạt động của số giáo sỹ, giáo dân Dòng chúa cứu thế Thái Hà thực chất là lợi dụng các quyền tự do, dân chủ của công dân để lôi kéo, kích động quần chúng tập trung đông người nhằm gây rối trật tự công cộng, tiến hành các hoạt động chính trị với ý đồ xấu, bất chấp các quy định của pháp luật.
Đây không phải là lần đầu tiên các linh mục nhà thờ Thái Hà cố tính kích động giáo dân tập trung đông người, tuần hành biểu tình tự phát. Trước đó, chiều 27/10, khoảng 70 giáo dân tụ tập trước cửa UBND quận Đống Đa với chiêu bài đòi đất cho Tu viện Dòng chúa cứu thế. Gần đây nhất (ngày 18/11), 11 linh mục và hơn 60 giáo dân sau khi cố tình gây áp lực tại trụ sở UBND TP cũng đã đi tuần hành trên một số tuyến phố vừa hát thánh ca, vừa trương biểu ngữ rất phản cảm.
Từ năm 2008, chiêu bài này đã được các linh mục nhà thờ Thái Hà đưa ra để "đòi" khu đất 178 Nguyễn Lương Bằng (quận Đống Đa). Tuy nhiên, ý đồ đã không thực hiện được. Tháng 10/2011, khi thành phố chủ trương xây dựng trạm xử lý nước thải cho Bệnh viện Đống Đa, ý đồ xấu của các linh mục nhà thờ Thái Hà lại tiếp tục được thực hiện. Họ cho lắp bảng điện tử trên nóc nhà 7 tầng của Tu viện; cho treo tranh, ảnh trên bảng tin trong nhà thờ, với nội dung kích động giáo dân, xuyên tạc sự thật. Trước hành vi vi phạm trên, UBND quận Đống Đa đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với linh mục Nguyễn Văn Phượng; yêu cầu tự dỡ bỏ bảng điện tử. Những động thái kiên quyết của cơ quan chức năng cũng như sự phản đối của đông đảo người dân khiến linh mục Phượng đã phải cho người tháo bảng điện tử.
Trở lại nguồn gốc đất của giáo xứ Thái Hà, ngày 24/11/1961, linh mục Vũ Ngọc Bích đã ký biên bản "Hội nghị bàn giao nhà thống nhất quản lý vào Nhà nước" để bàn giao toàn bộ nhà đất do Dòng Chúa cứu thế quản lý tại 116 Nam Đồng (trừ diện tích Nhà thờ) gồm 3.905m2 nhà chính, 945m2 nhà phụ trên diện tích khoảng 60.000m2 đất cho Nhà nước quản lý (trong đó có khu nhà, đất hiện nay do Bệnh viện Đống Đa đang quản lý, sử dụng).
Đối với hành vi đòi đất vô lý của nhà thờ Thái Hà trong những năm qua, các cơ quan chức năng của thành phố đã nhiều lần trả lời bằng văn bản cụ thể, trong đó đều khẳng định không có cơ sở để giải quyết. Gần đây nhất, ngày 23/11/2011, UBND TP tiếp tục ban hành văn bản số 10192/UBND-TNMT trả lời kiến nghị ngày 5/11/2011 của Tổng Giám mục Giáo phận Hà Nội Nguyễn Văn Nhơn. Trong đó, một lần nữa, UBND TP nêu rõ: "Chúng tôi xin trân trọng nhắc lại, căn cứ để UBND TP Hà Nội quyết định giải quyết đối với các nội dung như đã nêu trên là: Luật Đất đai 2003, Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai và khoản 1, Nghị quyết số 23/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc hội khóa XI: "Nhà nước không xem xét lại chủ trương, chính sách và việc thực hiện các chính sách về quản lý nhà, đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà, đất đã ban hành trước ngày 1/7/1991. Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại nhà, đất mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà, đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà, đất".
UBND TP Hà Nội cũng khẳng định, nếu Tòa Tổng Giám mục Hà Nội và các giáo xứ trên địa bàn TP có nhu cầu sử dụng đất thì cần có đơn, lập dự án cụ thể gửi chính quyền theo quy định. Trên cơ sở đó, UBND TP sẽ xem xét, giải quyết theo đúng quy định. Thực tế, UBND TP đã đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng về sử dụng đất của một số giáo xứ trên địa bàn mà văn bản 10192/UBND-TNMT đã công bố rõ như: giao đất tại xã Tri Thủy, huyện Phú Xuyên cho họ giáo xứ Bái Đô để xây dựng nhà nguyện; điều chỉnh quy hoạch cục bộ tại xã Cổ Nhuế, Từ Liêm để cơ sở 2 Đại chủng viện Hà Nội thuận lợi về giao thông; cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất thổ cư để xây dựng nhà nguyện tại xã Hợp Thanh, huyện Mỹ Đức; giao đất cho giáo xứ Thường Lệ, xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh…
Cách giải quyết trên cơ sở luật pháp, có tình, có lý như vậy, nếu là công dân chân chính thì đều hiểu và đồng thuận. Nhưng các linh mục nhà thờ Thái Hà vẫn ngoan cố rêu rao về cái gọi là "đòi đất" để kích động giáo dân gây rối trật tự xã hội. Các hành vi có tính hệ thống trên khiến cho dư luận bất bình, căm phẫn và đề nghị cơ quan pháp luật cần vào cuộc với những hình thức xử lý đích đáng.
Việc cưỡng chế giải tán là cần thiết Sáng 2/12, tôi và một vài người bạn đi chơi tại khu vực hồ Hoàn Kiếm chứng kiến việc một số linh mục, giáo dân tụ tập với biểu ngữ, băng rôn... gây huyên náo, lộn xộn, mất trật tự công cộng. Họ kéo nhau đi, lợi dụng số đông gây áp lực để đòi đất thuộc sở hữu của Nhà nước chứ không chỉ là cản trở việc xây dựng Trạm xử lý nước thải tại Bệnh viện Đống Đa như trước đây. Việc tập trung đông người tuần hành trái phép của họ đã thu hút một số người hiếu kỳ đỗ, dừng phương tiện đứng xem, gây cản trở giao thông, làm mất an ninh trật tự và mỹ quan đô thị. Chính họ không tuân thủ pháp luật là nguyên nhân buộc cơ quan chức năng phải cưỡng chế giải tán và việc này là phù hợp, là cần thiết. Vũ Xuân Ngọc Láng Thượng - Đống Đa Chúng tôi rất bất bình Tôi và nhiều người dân thực sự bất bình khi thấy nhóm giáo sỹ, giáo dân nhà thờ Thái Hà tụ tập, tuần hành xung quanh khu vực Hồ Gươm, trương lên những băng - rôn rất phản cảm, mang tính kích động. Nếu họ đi khiếu nại thực sự, sao không cử đại diện đến làm việc với cơ quan chức năng mà phải kéo đông người như vậy. Hồ Gươm là nơi hàng ngày, hàng giờ có đông du khách ghé thăm. Chứng kiến cảnh tượng mà nhóm giáo sỹ, giáo dân gây ra, người tốt chắc chắn sẽ bất bình, lo lắng. Còn người không hiểu bản chất sự việc sẽ thắc mắc về tình hình ANTT ở Thủ đô. Tôi nghĩ giáo sỹ - giáo dân cũng là công dân, phải làm tốt trách nhiệm của mình, phải chấp hành nghiêm quy định của pháp luật; không thể vì bất cứ lý do gì mà làm xấu đi hình ảnh Thủ đô an toàn, hòa bình. Ông Trịnh Đăng Khoa Ngõ 67, phố Đinh Tiên Hoàng, Hoàn Kiếm |