Chấm dứt tình trạng cứ giá rẻ là trúng thầu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Luật Đấu thầu năm 2013 đã có nhiều thay đổi và được đánh giá là có bước tiến dài trong việc tăng cường giám sát, xử lý vi phạm pháp luật về đấu thầu.

Từ khi Luật Đấu thầu được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2005, công tác đấu thầu trên cả nước được thực hiện chuyên nghiệp hơn, minh bạch hơn. Tuy nhiên, cái "tội" lớn nhất của Luật Đấu thầu mà dư luận chỉ ra là "chọn giá rẻ" đã dẫn tới tình trạng "nhập siêu" các dự án thầu từ Trung Quốc, trong khi nhiều doanh nghiệp (DN), thậm chí cả những tổng công ty lớn trong nước phải ngậm ngùi với danh phận nhà thầu phụ. Luật Đấu thầu năm 2013 đã có nhiều thay đổi và được đánh giá là có bước tiến dài trong việc tăng cường giám sát, xử lý vi phạm pháp luật về đấu thầu. 

Tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước

Tại Hội nghị giới thiệu những nét mới, cơ bản của Luật Đấu thầu năm 2013 mới đây, ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ KH& ĐT) cho biết: Luật Đấu thầu 2013 được ban hành trên cơ sở yêu cầu khách quan trong việc mua sắm sử dụng vốn Nhà nước, góp phần tăng cường hiệu quả sử dụng vốn của Nhà nước, chú trọng ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, tạo cơ hội cho nhà thầu trong nước. Luật đã phân cấp triệt để trong đấu thầu, tránh tình trạng khép kín trong đấu thầu.
Một buổi đấu thầu thuốc tại Bệnh viện Việt - Đức.      Ảnh: Hồng Vân
Một buổi đấu thầu thuốc tại Bệnh viện Việt - Đức. Ảnh: Hồng Vân
 
Một trong những hạn chế lớn nhất của Luật Đấu thầu năm 2005 là "chọn nhà đầu tư có giá bỏ thầu thấp nhất" cũng đã có nhiều thay đổi. Theo đó, Luật Đấu thầu năm 2013 đã bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về thủ tục, phương pháp lựa chọn nhà đầu tư. Đây được xem là một trong những giải pháp triển khai quyết liệt trong việc thực hiện dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP); đồng thời nhằm thúc đẩy tái cơ cấu đầu tư công, góp phần tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thu hút, lựa chọn nhà đầu tư một cách minh bạch, cạnh tranh; xây dựng niềm tin của nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Hợp đồng trong đấu thầu cũng được quy định chặt chẽ hơn khi sửa đổi một số quy định về ký kết, thực hiện và quản lý hợp đồng nhằm tăng cường trách nhiệm của nhà thầu và chủ đầu tư trong quá trình thực hiện hợp đồng, tránh tình trạng áp dụng loại hợp đồng không phù hợp với tính chất của gói thầu…

Cùng với việc phân cấp triệt để quyết định chỉ định thầu cho các bộ, cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các cấp…, Luật Đấu thầu năm 2013 quy định chặt chẽ về trách nhiệm giải trình của người có thẩm quyền, chủ đầu tư trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.

Với những nội dung được quy định rõ ràng và chặt chẽ, Luật Đấu thầu 2013 cũng sẽ tạo cơ hội để khối DN trong nước được tham gia với vai trò nhà thầu chính ở những dự án lớn và từng bước khẳng định năng lực trong môi trường có sự cạnh tranh của các nhà thầu nước ngoài.   

Tăng đấu thầu qua mạng

Một trong những điểm nổi bật thực hiện quy định đấu thầu mới là việc áp dụng hình thức đấu thầu qua mạng nhằm tăng tính công khai, minh bạch. Tuy nhiên, có một thực tế, hiện không ít đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước đang "ngại" hình thức này. 

Thống kê của Cục Quản lý đấu thầu cho thấy, trong thời gian thí điểm đấu thầu qua mạng từ năm 2009 tới nay, đã có hơn 1.900 bên mời thầu, trên 1.500 nhà thầu đăng ký được phê duyệt và hơn 1.000 gói thầu thực hiện thành công. Tuy nhiên, sau đợt thí điểm, bên cạnh những khó khăn về kỹ thuật cái khó lớn nhất lại chính là tư tưởng của các đơn vị, DN. Ông Lê Văn Tăng bổ sung thêm, bên cạnh những nguyên nhân trên, là do đấu thầu qua mạng có thể đụng chạm tới quyền lợi của người đấu thầu bởi thói quen của nhiều nơi là phải gặp gỡ, nộp hồ sơ… Chính vì thế trong thời gian tới, Cục Quản lý đấu thầu sẽ có lộ trình vừa khuyến khích vừa ép buộc các đơn vị, DN thực hiện đấu thầu qua mạng bởi những lợi ích to lớn của hình thức này.