Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chậm hoàn thuế: Lỗi do ai?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ, trong năm 2015, ngành Thuế phải đảm bảo 90% hồ sơ hoàn thuế GTGT được hoàn đúng hạn và thực hiện công khai thủ tục, kết quả giải quyết hoàn thuế cho người nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử của cục Thuế.

Đây là thách thức đối với ngành Thuế khi mà nhìn lại năm 2014 có nhiều cục Thuế chậm trễ trong giải quyết hồ sơ hoàn thuế, gây bức xúc cho doanh nghiệp.

 
Để chống thất thu hoàn thuế GTGT thì cơ quan Thuế cần kiểm chặt các khâu phát hành và sử dụng hoá đơn . Ảnh: S.T
Để chống thất thu hoàn thuế GTGT thì cơ quan Thuế cần kiểm chặt các khâu phát hành và sử dụng hoá đơn . Ảnh: S.T
Gần 3% hồ sơ bị chậm hoàn

Tại Hội nghị tổng kết công tác hoàn thuế GTGT do Tổng cục Thuế tổ chức mới đây, đại diện 2 cơ quan Thuế lớn trong cả nước là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội cho biết, vẫn còn để xảy ra việc tồn đọng hồ sơ hoàn thuế. Hiện TP. Hồ Chí Minh có 157 hồ sơ hoàn thuế giải quyết chậm so với thời gian quy định và TP. Hà Nội còn 37 hồ sơ. Ngoài ra, còn có các địa phương như: Cà Mau có 112 hồ sơ giải quyết chậm, Đồng Nai có 159 hồ sơ, Hải Dương có 103 hồ sơ, An Giang là 46 hồ sơ...

“Chúng tôi xin nhận khuyết điểm của cơ quan mình về thiếu sót trong công tác hoàn thuế khi để tồn tại nhiều hồ sơ hoàn thuế. Một số trường hợp giải quyết chậm gây phản ứng, khiếu nại của người nộp thuế. Tới đây, Cục Thuế TP.Hồ Chí Minh quán triệt các cán bộ công chức không được đặt ra bất cứ một thủ tục, quy trình, giấy tờ gì ngoài các văn bản đã quy định. Cam kết không gây thêm phiền hà và sách nhiễu cho người nộp thuế”- Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh Trần Thị Lệ Nga chia sẻ.

Trong năm 2014, cơ quan Thuế trong cả nước đã tiếp nhận mới 22.074 hồ sơ hoàn thuế GTGT, với tổng số tiền đề nghị hoàn là 98.970,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong tổng số hồ sơ được hoàn thuế thì có 647 hồ sơ chậm so với thời hạn quy định, chiếm tỷ lệ 2,9% hồ sơ đã giải quyết. Trong đó, có 544 hồ sơ thuộc diện hoàn trước kiểm tra sau (bị chậm quá 6 ngày làm việc, chiếm 3,4% hồ sơ); 103 hồ sơ kiểm tra trước khi hoàn (chậm quá 40 ngày quy định, chiếm 2,1%).

Nguyên nhân của sự chậm trễ này là do hầu hết các hồ sơ này có vướng mắc trong quá trình giải quyết như: Hoá đơn mua vào của doanh nghiệp đang bị cơ quan Công an điều tra chưa có kết luận; cơ quan Thuế đang chờ xác minh hoá đơn của doanh nghiệp bán ra đang bị đình chỉ sử dụng do có thông báo bỏ địa chỉ kinh doanh và kết quả đối chiếu tờ khai xuất khẩu với cơ quan Hải quan cửa khẩu...

“Trong khi đó, việc phối hợp, xác minh thông tin về hoá đơn, đối chiếu quá trình luân chuyển hàng hoá từ khi doanh nghiệp mua hàng đến khi xuất khẩu hoàn thành giữa các cơ quan Thuế còn chậm. Do đó, cơ quan Thuế - nơi ban hành quyết định hoàn thuế không đủ thời gian và căn cứ để ra quyết định hoàn dẫn đến việc giải quyết hồ sơ của doanh nghiệp không đảm bảo thời gian theo quy định”- ông Nguyễn Đại Trí -Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế nói.

Ngoài ra, trong quá trình cải cách thủ tục hành chính, nhiều mẫu biểu tờ khai đã được giảm và thay đổi theo hướng đơn giản cho người nộp thuế nhưng chưa có dữ liệu thay thế nên thiếu thông tin về người nộp thuế, khó khăn cho cán bộ thuế thực hiện theo dõi công tác hoàn thuế, khó kiểm tra, kiểm soát, đối chiếu, phân tích để xác định số thuế đủ điều kiện hoàn một cách chặt chẽ đối với các hồ sơ hoàn trước.

Cơ quan Thuế cũng nhìn nhận một thực tế, năm 2014 là năm đầu tiên triển khai hoàn thuế GTGT theo dự toán và phân bổ hạn mức trong khi phương pháp dự báo, phân tích dự báo của ngành Thuế còn hạn chế dẫn tới việc giao hạn mức chi hoàn thuế chưa đảm bảo được đầy đủ theo thực tế phát sinh. Từ đó, xảy ra tình trạng chậm trễ trong việc giải quyết hoàn thuế cho doanh nghiệp (đặc biệt vào thời điểm cuối năm) đã gây nên phản ứng của doanh nghiệp với cơ quan Thuế.

Ứng dụng CNTT trong tiếp nhận và trả hồ sơ hoàn thuế

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, công tác hoàn thuế phải đảm bảo mục tiêu: Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hoàn thuế. Đồng thời phục vụ người nộp thuế tra cứu thông tin về tiến độ giải quyết hồ sơ hoàn thuế của cơ quan Thuế trên Trang thông tin ngành Thuế và thực hiện thanh, kiểm tra chống gian lận hoàn thuế.

“Trước mắt Tổng cục Thuế phải nhanh chóng hoàn thiện Thông tư về quản lý rủi ro, xây dựng cơ sở dữ liệu cho 488.000 DN đang hoạt động, với các chỉ tiêu từ hoàn thuế, hoá đơn, quản lý hộ kinh doanh... Qua đó, xác định doanh nghiệp nào cần phải thanh, kiểm tra; doanh nghiệp nào chấp hành tốt chính sách pháp luật thì phải nhanh chóng hoàn thuế. Để làm sao quản lý 22.000 bộ hồ sơ hoàn thuế GTGT mỗi năm và đảm bảo tối thiểu 90% hồ sơ được giải quyết đúng thời gian quy định.”- Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn chỉ đạo.

Được biết, Tổng cục Thuế đang tiến hành xây dựng, kết nối trao đổi thông tin với các cơ quan như: Sở Tài chính về tình hình thanh toán vốn NSNN đối với các dự án đầu tư thuộc nguồn vốn NSNN; Sở Kế hoạch và Đầu tư về giấy phép đầu tư được cấp, sửa đổi bổ sung, vốn đầu tư đăng ký, vốn đầu tư thực hiện; cơ quan Hải quan về tình hình xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp trên địa bàn; Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn để thu thập thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu, tình hình thực hiện các dự án đầu tư,… để lập dự toán hoàn thuế GTGT một cách đầy đủ, chính xác và kịp thời. Đối với doanh nghiệp có dự án đầu tư lớn, có số tiền đề nghị hoàn thuế lớn, phải có sự phối hợp với doanh nghiệp để xây dựng kế hoạch hoàn thuế, đảm bảo dự toán hoàn thuế cho doanh nghiệp.

Tổng cục Thuế đề xuất phương án nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Thông tư 150/2013/TT-BTC về quản lý quỹ hoàn thuế GTGT của Bộ Tài chính theo hướng đảm bảo kinh phí hoàn thuế GTGT để hoàn thuế kịp thời cho doanh nghiệp ngay khi có quyết định hoàn thuế để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc luân chuyển vốn kinh doanh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra bất thường qua theo dõi, đánh giá tình hình chi hoàn thuế GTGT; nâng cao năng lực của cơ quan thuế trong việc dự báo tình hình thực hiện hoàn thuế GTGT, đảm bảo sát với thực tế phát sinh để chủ động nguồn kinh phí hoàn thuế GTGT…