Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chăm lo tốt cho người có uy tín

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người có uy tín đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, ổn định chính trị - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Thủ đô. Chính bởi vậy những năm qua, TP đặc biệt quan tâm, chăm lo thực hiện chính sách dân tộc cho nhóm đối tượng này.

Những đóng góp thiết thực
Ở thôn Hoàng Long, xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì), nhắc tới Trưởng thôn Trương Đức Hiệu, ai nấy đều biết. Là người có uy tín, 10 năm qua, ông Hiệu đã trực tiếp tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước; là cầu nối phản ánh tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc lên các cấp chính quyền.
Ông Hiệu còn tích cực vận động người dân địa phương đóng góp, ủng hộ hàng chục triệu đồng mỗi năm, hỗ trợ cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Không chỉ làm tốt công tác xã hội, ông Hiệu còn là tấm gương trong phát triển kinh tế. Từ năm 2005, gia đình ông bắt tay vào chăn nuôi gà, vịt. Đến nay, nông trại gần 1ha của ông Hiệu duy trì gần 5.000 con gà, vịt. Mỗi năm, trừ chi phí sản xuất, cho thu về hàng trăm triệu đồng.
Công tác biểu dương, khen thưởng người có uy tín được Ban Dân tộc TP Hà Nội thực hiện đầy đủ, kịp thời. Ảnh: Lâm Nguyễn
Ông Trương Đức Hiệu là một trong số 152 người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô đã và đang có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của địa phương. Cùng với tích cực tuyên truyền, phổ biến để đồng bào vùng dân tộc nắm được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, người có uy tín còn tham gia cùng chính quyền giải quyết các mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư. Vận động Nhân dân nâng cao ý thức phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự xã hội; gìn giữ, phát huy các bản sắc văn hóa. Đặc biệt là phát triển kinh tế, tạo việc làm cho lao động địa phương…
Tiếp tục hoàn thiện chính sách
Thực hiện các chính sách dân tộc cho người có uy tín, năm 2019, Ban Dân tộc TP Hà Nội đã tổ chức 5 chương trình đưa người có uy tín đi tham quan, trao đổi kinh nghiệm. Đồng thời tổ chức 7 lớp tập huấn bồi dưỡng và cung cấp các ấn phẩm báo chí để người có uy tín có thêm kênh tiếp nhận thông tin…
Năm 2019, Ban Dân tộc TP Hà Nội đã tặng hàng trăm phần quà nhân dịp lễ Tết, thăm hỏi người có uy tín bị ốm đau, hỗ trợ gia đình người uy tín khó khăn. Tổng kinh phí đã bố trí cho việc thực hiện các chính sách dân tộc lên tới gần 1,1 tỷ đồng.
Phó trưởng Ban Dân tộc TP Nguyễn Ánh Dương cho rằng, thực tế đã khẳng định, người có uy tín là lực lượng nòng cốt, cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với Nhân dân, có đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.
Để tiếp tục phát huy vai trò của người có uy tín, ông Dương đề nghị Ủy ban Dân tộc tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chính sách quy định chế độ phụ cấp và mua bảo hiểm y tế nhằm khuyến khích, động viên người có uy tín thực hiện tốt hơn nữa vai trò, trách nhiệm với cộng đồng.
“Về phía Ban Dân tộc TP, trong năm 2020, sẽ tiếp tục triển khai, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, có hiệu quả các cơ chế, chính sách của T.Ư và Hà Nội cho người có uy tín. Nhân rộng những điển hình tiên tiến và tạo điều kiện tốt nhất để người có uy tín phát huy vai trò trong cộng đồng" – ông Dương cho hay.

Giai đoạn 2018 - 2023, TP Hà Nội phê duyệt danh sách 152 người có uy tín vùng dân tộc thiểu số. Trong đó, dân tộc Mường có 101 người, dân tộc Kinh 48 người và dân tộc Dao 3 người. Trong số người có uy tín, có 38 người là trưởng thôn, 43 cán bộ đã nghỉ hưu, ngoài ra là thầy mo, thầy cúng, già làng…