Do đó, cần phải lảy hết lá vào tháng chạp âm lịch, để kích thích cho cây mai ra hoa rộ vào dịp Tết Nguyên Đán. Yêu cầu trước tiên là phải chăm sóc bón phân và tưới nước quanh năm, thiếu nước lá mai dễ bị lão hóa khô dần và rụng sớm.
Ông Trần Văn Kim nông dân trồng mai hơn bốn mươi năm cho biết: Qua nhiều năm kinh nghiệm, năm nào nắng nhiều thì mai nở sớm, ngược lại lạnh nhiều thì mai nở muộn. Tùy theo loại mai mà lảy lá, thông thường loại có nhiều cánh thì lại nở trễ hơn loại có 5 cánh. Tùy theo vùng, miền, như ở Huế chẳng hạn, phải nảy lá mai trước tết khoảng 1 tháng. Còn ở miền Nam, thông thường lảy lá mai vào ngày Rằm tháng Chạp âm lịch đối với loại mai vàng 5 cánh. Cây mai có ghép nhiều loại khác nhau thì phải lảy lá riêng theo từng loại. Chú ý, khi lảy lá mai phải lảy hết lá già lẫn lá non, cách 1 – 2 ngày sau cho khô nhựa ta mới tưới nước.Thời gian để lảy lá mai không nhiều, hoàn thành trong ngày mới tốt, nếu kéo dài thì mai sẽ nở hoa không đúng ngày. Muốn cây mai trổ sai hoa thì phải trẩy hết lá non lẫn lá già, miễn là đừng gẫy ngọn cành là được.
Kỹ thuật trồng cây mai vàng
Hoa mai thường mọc ra từ nách lá, mới đầu là một hoa to, gọi là hoa cái, có vỏ lụa (vỏ trấu) bọc bên ngoài. Khi vỏ lụa bung ra, thì xuất hiện một chùm hoa con, từ một nụ đến mười nụ, tăng trưởng rất nhanh, độ bảy ngày sau là nở. Trong chùm hoa này, hoa to nở trước hoa nhỏ nở sau, đến vài ba ngày mới nở hết. Mỗi hoa bên ngoài có 5 đài màu xanh, bên trong có 5 cánh màu vàng, ở giữa là một chùm nhụy (hoa đực) mang phấn màu vàng sậm hơn, hoa nào đậu thì bầu noãn phình to lên và kết hạt. Hạt non màu xanh, hạt già màu đen, hạt chín rụng xuống đất, mọc lên cây con, cây con độ hai, ba năm mới ra hoa và tiếp tục ra hoa mỗi năm.
Khi đến 23 tháng Chạp, nụ mai chưa nở bung vỏ lụa, từ đó ta thấy rằng mai nở trễ, cần đem phơi nắng và tuới nước vào giữa trưa, không tưới vào sáng sớm cũng như chiều tối. Nếu vỏ lụa chưa nở bung, ta nên tuới nước nóng 40 độ C hoặc xịt thuốc Methyl Parathion hay Malathion, cũng có thể đốt bóng đèn tròn trong ban đêm. Như vậy mai có thể nở đúng vào ngày tết. Nếu chưa đến 23 tháng Chạp mà hoa mai đã nở bung vỏ lụa tức nó nở sớm. Ta nên chuyển các cây vào chỗ mát hoặc lấy vải đen trùm cây mai lại và tưới nước vào lúc chiều tối để làm lạnh cây mai. Có thể pha thêm ureé với nồng độ 1gram/lít để kích thích cho cây ra lá, khi ra lá nhanh thì hoa sẽ chậm nở độ vài ngày.
Cây mai không hợp với vùng đất thấp, nếu trồng mai thì phải lên líp, thông thường bề ngang líp rộng từ 1-1,2 m, ương mai con (khi lớn bứng trồng vào chậu). Giữa hai líp mai sát nhau nên có mương thoát nước tránh bị ngập úng. Cây mai chịu hạn, nhưng không có khả năng chịu hạn cao và kéo dài nên trong mùa nắng phải tưới nước. Với mai trồng đại trà ngoài vườn, mỗi ngày hoặc cách ngày tưới nước một lần, xịt nước với tia nhỏ lên khắp tán lá tốt hơn. Nên tưới vào lúc sáng sớm (trước 9 giờ) hoặc tưới vào lúc chiều mát. Mai kiểng trồng trong chậu thường bị khô nước vì đất chứa trong chậu quá ít nên không giữ ẩm được lâu. Do đó, mai trồng trong chậu phải tưới nước mỗi ngày, chú ý độ thoát nước của chậu, nếu thấy có tình trạng úng phải thông ngay, để lâu bộ rễ bị hư cây sẽ bị chết.
Trồng mai phải bón phân, nhất là đối với cây trồng trong chậu, sau khi tỉa cành tạo dáng cho chúng ta cần bón phân cho mai sinh trưởng tốt. Thời điểm này cây cần đạm và lân, kali ít, dùng NPK 20-20-15TE, xới đất lên bón, lấp đất lại. Lượng bón mỗi lần khoảng 40-50 gram/chậu chứa 50-60 kg đất (đối với cây trồng ngoài đất lượng bón tương tự như trong chậu nhưng bón xa gốc, khoảng rìa ngoài của tán cây), mỗi tháng bón 2-3 lần, quan sát thấy cành lá xum xuê là được. Chú ý, khi thay đất hoặc sau 3-4 tháng kể từ khi thay đất có thể bón thêm phân chuồng kết hợp với tro trấu cho đất tơi xốp. Cũng cần làm cỏ dại, nên diệt cỏ vào trước mùa mưa hàng năm. Về sâu bệnh, cây mai có đặc tính kháng bệnh cao. Một số sâu, rầy chính hại cây mai: Sâu đục thân, rầy bông, sâu tơ, sâu nái. Đặc biệt là cây mai có nhiều kiến và rầy bông, rầy bông và kiến là hai loại sinh vật sống cộng sinh, kiến tha rệp bông đem lên ngọn cây để rệp hút nhựa cây mà sống, sau đó tiết ra một chất sữa ngọt để nuôi lại kiến. Trường hợp này phải xịt thuốc rầy mạnh (Bi 58, supracide, và thêm chất keo dính, vì loại rầy này không thấm nước, và phải xịt nhiều lần mới hết).
Xác định ngày nảy lá mai
Mai vàng cũng như một số loại cây trồng khác, khi các lá trên cành đã già sẽ tổng hợp các chất kháng trổ hoa. Vì vậy muốn điều khiển cho cây mai vàng nở hoa đúng tết thì phải lảy bỏ tất cả các lá già, kết hợp với việc tính toán kỹ về thời tiết; từ ngày 10 tháng Chạp nên chú ý những điều sau: Nếu đoán trước nửa tháng cuối năm nắng sẽ tốt, trời ấm áp thì chắc chắn hoa mai sẽ nở sớm, sẽ lảy lá trễ. Nếu nửa tháng cuối năm sẽ có mưa to hay khí trời chuyển lạnh thì năm đó mai sẽ nở hoa trễ, ta phải lảy lá sớm. Điều quan trọng là quan sát nụ hoa trên cây, cần xem nụ hoa đã xuất hiện trên cây trước khi trẩy lá ra sao để định ngày trẩy lá cho đúng: Với mai vàng 5 cánh nếu thấy nụ hoa còn nhỏ, phải nảy lá vào ngày 13 tháng Chạp. Nếu thấy nụ hoa hơi lớn, phải lảy lá vào ngày Rằm hoặc sang ngày 16 tháng Chạp. Còn thấy nụ hoa đã lớn, độ 3-4 ngày nữa sẽ bung vỏ lụa nên lùi ngày lảy lá đến 20 tháng Chạp. Tóm lại từ ngày 10 tháng Chạp chúng ta nên quan sát nụ hoa từng cây mai lớn nhỏ ra sao rồi kết hợp với thời tiết để tính toán ngày nào tiến hành trảy lá mai. Việc tính toán sao cho đúng ngày 23 tháng Chạp (ngày đưa ông Táo về trời) hoa cái bung vỏ lụa là được.
Vài yếu tố khiến hoa mai không nở: Đối với cây mai mua về chưng tết mà hoa không nở bung ra được là do mua nhầm cây mai mới bứng lên trồng vào chậu, cây bị thiếu nước, trường hợp này phải tưới nước cho thật nhiều. Tránh để ngay dưới quạt trần, quạt làm khô hết nước nụ mai nên không nở được. Cũng do cây mai có sâu tơ li ti chui vào trong nụ hoa cắn phá hoa không nở được, trường hợp này phải rãi thuốc Basudin trước khi cây mai có nụ hoặc phun ngừa một lần thuốc trừ sâu trên tàn lá trước khi lảy lá.
Trúng mùa hoa mai: Ảnh: Ngọc Huệ.
|