Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi: Thách thức ngày càng lớn

Bảo Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội nghị T.Ư 6 Khóa XII đặt ra mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn diện cho Nhân dân, trong đó chú trọng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (NCT) trong tình hình ứng phó với dân số già.

 Tuy nhiên, Việt Nam hiện có 67% NCT sống không khỏe mạnh, công tác chăm sóc sức khỏe NCT lại đối mặt với muôn vàn khó khăn.
Tuổi thọ cao, bệnh tật nhiều

Trong những năm qua, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam được nâng lên mức cao (73,4 tuổi) nhưng tuổi thọ khỏe mạnh lại thấp (64 tuổi). Điều đó có nghĩa là mỗi NCT có khoảng 10 năm sống không khỏe, con số này cao hơn hẳn so với nhiều quốc gia phát triển.

Khám mắt cho người cao tuổi tại Bệnh viện Mắt Hà Nội.           Ảnh: Hải Lý

GS.TS Phạm Thắng - Giám đốc Bệnh viện (BV) Lão khoa T.Ư cho biết, NCT Việt Nam phải chịu gánh nặng bệnh tật kép, trong đó đã có sự thay đổi từ bệnh lây nhiễm sang các bệnh không lây nhiễm và các bệnh mạn tính, thoái hóa như tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ, đái tháo đường, ung thư các loại, loãng xương, sa sút trí tuệ… Nghiên cứu của BV này cũng cho thấy, trung bình một người già sống tại cộng đồng mắc 3 bệnh mạn tính, khi nhập viện mắc 5 - 6 bệnh. Chi phí điều trị trung bình cho một NCT cao gấp 7 - 8 lần cho một trẻ em. Độ tuổi càng cao, rủi ro về bệnh tật càng tăng hoặc số ngày nằm trên giường bệnh càng nhiều.

Thiếu cơ sở lão khoa

Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê cho biết, hệ thống cơ sở chăm sóc sức khỏe NCT tương đối rộng khắp, từ T.Ư tới địa phương, nhiều mô hình chăm sóc NCT dựa vào cộng đồng được nhân rộng. Tuy nhiên, hệ thống chăm sóc sức khỏe cho NCT hiện vẫn chưa bắt kịp với sự chuyển đổi nhân khẩu học mạnh mẽ. Hiện, cả nước chỉ có 49/63 BV tỉnh, TP có khoa Lão, 3 cơ sở đào tạo bộ môn Lão khoa nhưng chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Để công tác này được thực hiện tốt hơn, Bộ Y tế đã ban hành Đề án Chăm sóc sức khỏe NCT giai đoạn 2017 - 2025 trên toàn quốc. Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn đề nghị, Tổng cục DS - KHHGĐ phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan triển khai Đề án tại các địa phương. Riêng BV Lão khoa T.Ư cung cấp, hỗ trợ kỹ thuật cho các địa phương.

Tại Hà Nội, theo kết quả điều tra sơ bộ của Chi cục DS - KHHGĐ tại 30 quận, huyện, thị xã có gần 960.000 người từ 60 tuổi trở lên (chiếm 12,7% dân số), trong đó có khoảng 180.000 người từ 80 tuổi trở lên. Theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế, nhu cầu chăm sóc sức khỏe NCT rất lớn, nhưng rất ít BV tuyến TP có khoa lão. Trong cộng đồng hiện có một số mô hình chăm sóc sức khỏe NCT nhưng còn manh mún. Vì vậy, để triển khai Đề án “Chăm sóc sức khỏe NCT trên địa bàn TP giai đoạn 2017 - 2025”, Hà Nội sẽ tập trung xây dựng BV lão khoa cũng như mở khoa Lão tại các BV. Cùng với đó, sẽ xây dựng thí điểm các mô hình chăm sóc sức khỏe NCT tại cộng đồng.

Tuy nhiên, GS.TS Phạm Thắng cho rằng, việc Hà Nội thành lập BV lão khoa là rất cần thiết nhưng thực hiện không dễ bởi quỹ đất eo hẹp, kinh phí đầu tư xây dựng lớn. Nếu xây dựng ở khu vực ngoại thành thì việc đi lại của NCT gặp khó khăn. Vì vậy, theo Sở Y tế, TP sẽ nghiên cứu phương án chuyển đổi chức năng của một BV tuyến TP trở thành BV lão khoa.

Không chỉ riêng Hà Nội gặp khó khăn trong triển khai Đề án, mà đây là những khó khăn chung của cả nước. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, điều quan trọng là tìm ra cách triển khai Đề án phù hợp với đặc thù từng địa phương nhằm đạt được mục tiêu chăm sóc sức khỏe NCT.
Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ), Việt Nam có khoảng 10,1 triệu NCT, tương đương khoảng 11%, riêng số NCT từ 80 tuổi trở lên có 2 triệu người. Dự báo đến năm 2030, NCT chiếm 17% dân số (19 triệu người) và sẽ nâng lên 25% vào năm 2050 (28 triệu người).