Thực tế này đòi hỏi Bộ Công Thương cần gấp rút hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, không thể chậm trễ hơn nữa.
Lỗ triền miên vì Nghị định lạc hậu
Ngày 15/5, nhóm các DN bán lẻ xăng, dầu đã gửi đơn kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Nghị định mới về xăng, dầu do gặp rất nhiều khó khăn vì thời gian qua các quy định trong Nghị định luôn bất lợi đối với DN bán lẻ.
Theo đại diện các DN bán lẻ xăng, dầu, họ đang gặp rất nhiều khó khăn do quy định trong Nghị định số 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng, dầu (Nghị định 95) có nhiều bất lợi. Cụ thể: quá trình xây dựng Nghị định 95, DN bán lẻ không được mời tham gia góp ý kiến, mặc dù đây là thành phần rất lớn tham gia thị trường. Hệ quả là các quy định trong Nghị định được xây dựng theo hướng có lợi cho DN đầu mối.
Không thể để chậm trễ việc ban hành Nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng, dầu, bởi đây là nguồn cơn dẫn đến mâu thuẫn lợi ích giữa các nhóm DN và những vướng mắc, phát sinh thời gian qua. Theo tôi, Nghị định sửa đổi phải đáp ứng được những tiêu chí chính, gồm: giảm được khâu trung gian trong lưu thông, phân phối, kinh doanh xăng, dầu; giảm đầu mối quản lý, tăng tính công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành xăng, dầu.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính
DN đầu mối chỉ thực hiện chức năng chuyên nhập hàng, không được tham gia trực tiếp vào khâu bán lẻ, nếu muốn bán lẻ thì phải lập công ty, DN chuyên bán lẻ hạch toán độc lập. Có như thế mới tách bạch và khách quan về chi phí, về lợi ích của các bên.
Tuy nhiên, Nghị định 95 lại xây dựng theo hướng coi DN bán lẻ nằm trong hệ thống của DN đầu mối, từ đó gây ra hệ lụy về thao túng nguồn hàng, chặn không cho DN bán lẻ mua hàng khi điều chỉnh giá có lợi để hưởng chênh lệch giá và xả hàng ra khi giá có xu hướng giảm.
Việc DN đầu mối áp dụng triệt để bằng công cụ chiết khấu lên xuống với độ chênh lệch rất lớn, tự ý hạ chiết khấu bằng 0 đồng khi cần thiết và nâng lên trên 1.000 đồng/lít nếu muốn xả hàng ra để giảm lỗ khi giá có xu hướng giảm sâu. Điều này khiến DN bán lẻ luôn thua thiệt và ở thế bị động về nguồn hàng, xung đột về lợi ích với các DN đầu mối.
Đáng nói, suốt thời gian qua, Nghị định số 95 quy định không rõ ràng nên DN bán lẻ không nhận được chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận định mức đáng được hưởng, khiến các DN này thua lỗ kéo dài. Bên cạnh đó, Nghị định 95 quy định DN bán lẻ chỉ được mua của một nguồn khiến nhiều DN lập công ty con để đối phó.
Bày tỏ trăn trở về Nghị định sửa đổi, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) Giang Chấn Tây cho biết: cộng đồng DN kiến nghị Bộ Công Thương đăng tải công khai dự thảo Nghị định lần cuối để DN bán lẻ góp ý nhằm phát hiện những điều bất hợp lý trước khi ban hành.
“Nếu để kéo dài việc sửa đổi Nghị định sẽ dẫn đến hệ lụy bất ổn thị trường xăng, dầu có thể xảy ra do xung đột lợi ích giữa các nhóm DN bị đẩy lên cao. Do vậy, các DN bán lẻ kiến nghị cần sớm ban hành Nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng, dầu trong quý II/2023 nhằm giúp thị trường xăng, dầu ổn định, hiệu quả, công bằng” – ông Giang Chấn Tây đề xuất.
Mấu chốt vẫn là xung đột lợi ích
Cách đây chưa đầy một tháng, các DN bán lẻ xăng, dầu cũng đã có đơn thư cầu cứu lên Chính phủ đề nghị xem xét quy định chi phí định mức và lợi nhuận định mức trong kinh doanh xăng, dầu.
Cụ thể, các DN bán lẻ đề xuất liên bộ Tài chính - Công Thương cần thành lập Hội đồng để phân chia lại giá trị của 1.350 đồng chi phí định mức và lợi nhuận định mức. Từ đó làm cơ sở cho việc phân chia chi phí cơ bản trong Nghị định mới và làm cơ sở quay ngược lại truy thu phần mà DN bán lẻ không được hưởng. Đồng thời, thống kê tổng số lượng hàng hóa bán ra để tính tổng mức mà DN đầu mối phải chi trả bổ sung cho DN bán lẻ kể từ ngày 1/11/2021 khi Nghị định 95 ban hành cho đến nay.
Để phân giải mâu thuẫn giữa các nhóm DN, trong Văn bản số 2511/VPCP-KTTH, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về việc xem xét kiến nghị của một số DN bán lẻ xăng, dầu liên quan đến đề nghị hoàn trả lợi nhuận, chi phí kinh doanh định mức cho DN.
Văn bản nêu rõ: Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ Công Thương, Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao để xem xét các kiến nghị, có văn bản trả lời cho DN. Đồng thời, nghiên cứu các kiến nghị của DN bán lẻ trong quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng, dầu, bảo đảm khoa học, hài hòa, hợp lý, đúng quy định của pháp luật. Đến thời điểm này, việc xem xét đề xuất hoàn lại lợi nhuận của DN bán lẻ vẫn tiếp tục chờ ý kiến từ các cơ quan quản lý.
Về vấn đề này, đa số các ý kiến chuyên gia cho rằng, trong trường hợp Nhà nước không can thiệp vào giá, để cung cầu thị trường quyết định giá, thì không quy định mức chiết khấu bán lẻ tối thiểu. Song nếu ngược lại, vẫn quy định giá bán lẻ, bắt buộc phải có khoản chi phí bán hàng mà DN bán lẻ hay gọi là chiết khấu bán hàng.
TS Vũ Đình Ánh - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả (Bộ Tài chính) đánh giá, thị trường xăng, dầu đang tồn tại sự đối đầu giữa đầu mối - phân phối - bán lẻ, nói thẳng là xung đột lợi ích giữa các nhóm DN. Vì vậy, vấn đề này phải khắc phục ngay chứ không cần phải chờ sửa Nghị định 83 và Nghị định 95.
Không thể chậm trễ
Thông tin về tiến độ của dự thảo sửa đổi Nghị định 95, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Bộ đã tổng hợp tất cả ý kiến và giao cho Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng để tiếp tục xây dựng dự thảo Nghị định phù hợp thực tế và đáp ứng mức cao nhất các ý kiến đưa ra của tất cả các đối tượng.
Quá trình rà soát sửa đổi, Bộ Công Thương đã nhận được rất nhiều ý kiến của các DN bán lẻ, trong đó nổi cộm nhất là quy định về mức chiết khấu tối thiểu trong hoạt động kinh doanh. Dự thảo Nghị định đang được xây dựng trên cơ sở tiếp thu mức cao nhất các ý kiến góp ý của các đối tượng chịu tác động và đáp ứng yêu cầu, phù hợp với tình hình thực tiễn; bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và DN theo đúng chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ.
Thời gian qua, Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương trình Nghị định sửa đổi, bổ sung về kinh doanh xăng, dầu. Cụ thể, tại Nghị quyết 50/NQ-CP ngày 8/4/2023 Hội nghị Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương trình Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng, dầu. Trước đó, tại Chỉ thị số 03/CT-TTg hồi đầu năm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương trình Chính phủ dự thảo nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng, dầu.
Hồi tháng 2/2023, Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái liên quan đến dự thảo sửa đổi nghị định kinh doanh về xăng, dầu. Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, DN liên quan nghiên cứu kỹ các kiến nghị của DN bán lẻ xăng, dầu trong quá trình hoàn thiện dự thảo nghị định về kinh doanh xăng, dầu. Mục tiêu là bảo đảm tiến độ, chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, khoa học, hài hòa, hợp lý, hiệu quả.
Cơ quan quản lý cần lắng nghe DN để đưa ra những điều chỉnh phù hợp, đồng thời cần đánh giá đúng vai trò quan trọng của DN kinh doanh xăng, dầu, tầm quan trọng trong nền kinh tế. Nhà nước cần xem xét rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng, dầu để sát với thực tế cũng như tính toán Quỹ bình ổn giá xăng, dầu hợp lý hơn nhằm hài hòa lợi ích DN và Nhà nước.
TS Vũ Đình Ánh - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả (Bộ Tài chính)